Ông cho biết đâu là yếu tố cần và đủ để triển khai thành công mô hình nhà máy thông minh ở Việt Nam?
Làn sóng phát triển kinh tế xã hội tiếp theo ở Việt Nam sẽ được tạo ra thông qua đổi mới sáng tạo, khoa học, công nghệ, và được thúc đẩy bởi nền kinh tế số. Là một yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, nền kinh tế số được kỳ vọng sẽ đóng góp 25% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Nó cũng sẽ giúp nâng cao hơn nữa năng suất trong tất cả các ngành kinh tế chủ chốt của Việt Nam.
Nền kinh tế số mới sẽ được tạo nên và thúc đẩy bởi các tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong các lĩnh vực như 5G, trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (ML), tự động hóa, điện toán đám mây, blockchain và Internet vạn vật (IoT).
Cả 4G và 5G đều giúp Việt Nam khai phá hoàn toàn tiềm năng của Công nghiệp 4.0 và sẽ là nền tảng để Việt Nam có thể tiếp tục phát triển hơn nữa trên hành trình chuyển đổi số cũng như hiện thực hoá tầm nhìn của chính phủ.
Với quy mô toàn cầu và chuyên môn sâu rộng của mình, chúng tôi mong muốn hỗ trợ Việt Nam trong việc triển khai mở rộng của các mạng 4G và 5G trong tương lai.
Hiện 5G đang là mạng kết nối nhanh và đáng tin cậy nhất. Vậy 5G có thể hỗ trợ phát triển sản xuất thông minh như thế nào, thưa ông?
Theo một báo cáo mới từ ABI Research, việc triển khai giải pháp Công nghiệp 4.0 trên nền tảng di động chuyên dụng sẽ tạo ra nhiều giải pháp công nghệ mới, đạt tỉ suất hoàn vốn đầu tư nhờ tiết kiệm chi phí vận hành hơn gấp 10-20 lần trong vòng năm năm.
Những ứng dụng mang lại lợi ích và hiệu quả cao trong ngành sản xuất thời kỳ Công nghiệp 4.0 bao gồm: theo dõi tài sản, giám sát có điều kiện, cung cấp sản phẩm được kết nối, robot di động và Thực tại ảo tăng cường (AR).
Sự kết hợp của mạng di động riêng hiệu năng cao với công nghệ số như thực tế ảo tăng cường (AR), AI và bản sao số (digital twin) đang mang cơ hội tới cho doanh nghiệp có thể tạo ra các không gian làm việc ảo để cộng tác hiệu quả trên toàn chuỗi giá trị.
Với công nghệ bản sao số, chẳng hạn như bản đang được Ericsson thử nghiệm tại Ý, các doanh nghiệp sản xuất có thể tạo ra một bản sao nhà máy trên nền tảng đám mây của một nhà máy sản xuất thật, sau đó dùng nó để thử nghiệm các cách thức làm việc mới với các dữ liệu trực tiếp của phân xưởng sản xuất thật.
Trong hoạt động của nhà máy, hỏng hóc máy móc sẽ gây tốn kém chi phí, đặc biệt nếu nó khiến đình trệ hoạt động trong thời gian dài. Kiểm tra máy móc thiết bị nhà máy theo cách thức trực quan truyền thống thường tốn thời gian và thậm chí còn dẫn đến tỷ lệ sai lỗi cao tới 30%. Một giải pháp thay thế gọn và ít rủi ro hơn là kiểm tra trực quan dựa trên công nghệ máy học (ML) nhờ sự kết hợp giữa mạng di động riêng, công nghệ máy học và AR.
Sự xuất hiện của mạng di động riêng cho không gian nhà máy đang tạo ra động lực mới trên thị trường công nghệ robot di động tự động (AMR).
Công nghệ AI cùng năng lực của 5G trong truyền dữ liệu thời gian thực với độ trễ thấp đã cho phép AMR di chuyển linh hoạt xung quanh khu vực sản xuất và mở ra các tiềm năng mới trong tự động hóa chuỗi sản xuất thông minh với nhiều ứng dụng từ việc tiến hành kiểm tra giám sát cho đến vận chuyển vật liệu.
Trong khi đó, trách nhiệm môi trường đang được coi trọng hơn bao giờ hết trong danh sách ưu tiên của doanh nghiệp công nghiệp hiện nay.
Một công nghệ thiết yếu nữa đang có những đóng góp vô cùng lớn cho các mục tiêu phát triển bền vững cũng như các chỉ số kinh doanh quan trọng chính là Internet Vạn Vật (IoT).
Với các cảm biến được lắp trong nhà máy, các nhà vận hành sản xuất hướng tới các mục tiêu tiết kiệm năng lượng khác nhau, ví dụ như tắt đèn và sưởi ở những khu vực trống hay tái sử dụng nước để tạo ra năng lượng tuần hoàn, cùng nhiều cách khác. Khi càng nhiều bộ phận nhà máy được kết nối, năng lượng càng được tiết kiệm, giúp cho hệ thống càng phù hợp với tương lai bền vững.
Ông chia sẻ một vài trường hợp thành công trong thực hiện chuyển đổi số với 5G trong lĩnh vực sản xuất trên toàn cầu?
Nhà máy thông minh 5G của chúng tôi tại Texas đã được Diễn đàn Kinh tế thế giới công nhận là nhà máy tiên phong toàn cầu trong Công nghiệp 4.0. Họ ghi nhận việc triển khai công nghệ mới của Ericsson tại nhà máy và tác động ngay lập tức của nó – năng suất lao động trên đầu người tăng mạnh tới 2,2 lần so với một nhà máy tương tự nhưng không ứng dụng tự động hóa và các công nghệ tiên tiến của Công nghiệp 4.0.
Một số giải pháp ứng dụng tại nhà máy đó được thiết kế để giải quyết nhiều thách thức khác nhau và mang lại tác động kinh doanh rõ ràng và đáng kể, bao gồm giảm chi phí, cải thiện thời gian hoạt động, cải thiện chất lượng...
Các trường hợp thành công này đã ứng dụng giải pháp mạng 5G riêng tích hợp của Ericsson và được hỗ trợ bởi công nghệ mmWave.
Trong một vài ví dụ khác, Telefónica, Ericsson và Mercedes-Benz đang xây dựng mạng di động 5G đầu tiên trên thế giới dành cho sản xuất xe hơi tại Đức.
Nhà máy này sẽ là bản thiết kế mẫu cho tất cả các cơ sở lắp ráp xe hơi trên thế giới trong tương lai. Mercedes-Benz muốn có một cơ sở hạ tầng linh hoạt, có hiệu suất cao và được kết nối để thay thế dây chuyền lắp ráp truyền thống của họ với các hệ thống vận tải tự động không người lái. Việc sử dụng công nghệ mạng 5G hiện đại cho phép Mercedes-Benz tối ưu hóa quy trình sản xuất trong nhà máy hiện tại với nhiều tính năng mới.