Theo thống kê của Viện KSND TP Hải Phòng, từ tháng 6/2015 đến tháng 8/2018, Tòa án nhân dân TP. Hải Phòng thụ lý 131 án kiện hành chính. Khiếu kiện về đất đai chiếm trên 70% các vụ việc, khiếu kiện về thu hồi đất, bồi thường là 10%. Như vậy, án kiện hành chính liên quan đến đất đai chiếm tỷ lệ trên 80%.
Phần lớn các đơn thư khiếu kiện hành chính tập trung ở các địa bàn quận huyện Thủy Nguyên, Hải An, Hồng Bàng, Cát Hải, Đồ Sơn... là những địa phương đang trong quá trình triển khai các công trình dự án trọng điểm.
Theo Viện KSND TP. Hải Phòng, do đặc thù địa phương, Hải Phòng có nhiều án kiện hành chính liên quan đến thu hồi diện tích đất khai hoang, bãi bồi ven biển. Tuy nhiên, do pháp luật hiện hành chưa có quy định rõ ràng, cụ thể các vấn đề liên quan nên khi giải quyết vụ án, cơ quan công tố và thực hành kiểm sát xét xử gặp nhiều khó khăn.
Chẳng hạn, việc xác định đất bãi bồi ven biển, một số địa phương cho rằng đất phải nằm ngoài đê biển mới được coi là đất bãi bồi ven biển, nhưng Luật Đất đai không quy định ranh giới phân biệt như vậy.
Khái niệm đất khai hoang, phục hóa cũng chưa rõ ràng. Người dân thường đồng nhất hai khái niệm này. Chính quyền địa phương lại cho rằng, đất khai hoang mới được bồi thường, đất phục hóa không thuộc diện được bồi thường 100%.
Có trường hợp người dân làm đơn xin khai hoang. UBND xã không ban hành quyết định, mà chỉ phê duyệt vào tờ đơn với nội dung đồng ý. Sau này, hộ dân tiến hành khai thác, đầu tư, sử dụng thì khi thu hồi sẽ được bồi thường hỗ trợ ra sao? Trường hợp người dân xây nhà và sử dụng ổn định trước năm 2004 có được tính là đất ở?
Có trường hợp khi giao đất chính quyền áp dụng hạn mức không quá 2 ha, 5 ha/hộ, nhưng khi thu hồi lại tính hạn mức theo bình quân nhân khẩu tại địa phương để làm căn cứ bồi thường. Việc này khiến cho người dân rất bức xúc và không đồng ý với phương án bồi thường, khiếu kiện kéo dài.
Trong các vụ khởi kiện hành chính liên quan đến thu hồi đất khai hoang, bãi bồi ven biển, người dân thường yêu cầu hủy quyết định phê duyệt phương án bồi thường. Có thể là do việc xác định nguồn gốc đất, do xác định tài sản trên đất còn nhiều vấn đề khiến người dân không đồng tình.
Cơ quan công tố Hải Phòng cũng nêu một số trường hợp một gia đình ở huyện Thủy Nguyên được giao đất nông nghiệp để nuôi trồng thủy sản, thời hạn 20 năm, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau này, khi thu hồi, chính quyền địa phương xác định không đủ điều kiện bồi thường về đất mà chỉ được bồi thường chi phí vào đất, bằng 1/5 giá đất nuôi trồng thủy sản cùng vị trí. Do đó, hộ gia đình này đã khiếu nại, rồi khởi kiện. Tòa án xác định trường hợp này đủ điều kiện để được bồi thường về đất.
Theo kinh nghiệm của Viện KSND TP. Hải Phòng, quá trình giải quyết các án kiện hành chính đất đai cần làm rõ nguồn gốc đất xem có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận không.
Tiếp đó, nắm chắc quy định về thủ tục thu hồi đất, cưỡng chế thu hồi đất và các quy định về bồi thường khi thu hồi đất. Đặc biệt là cần làm rõ các lý do mà người khởi kiện đưa ra để lý giải cho việc không đồng ý với phương án bồi thường và những ý kiến phản biện của người bị kiện để từ đó xác định tính hợp lý của yêu cầu khởi kiện.