Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng việc Mỹ đưa các thực thể của Trung Quốc vào danh sách đen là vi phạm nghiêm trọng các quy tắc kinh tế và thương mại quốc tế. Ảnh: AFP
Hãng tin Reuters dẫn tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, việc Mỹ đưa các thực thể Trung Quốc vào danh sách đen kinh tế là "vi phạm nghiêm trọng các quy tắc kinh tế và thương mại quốc tế"; đồng thời là "sự đàn áp vô lý" đối với các công ty Trung Quốc.
Một phát ngôn viên Bộ Thương mại cho biết, Bắc Kinh "sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của Trung Quốc".
Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ hôm 9/7 cho biết cơ quan này đã bổ sung 14 công ty Trung Quốc và các thực thể khác vào danh sách đen kinh tế, với cáo buộc rằng các đơn vị này đã "dính líu đến những vi phạm và lạm dụng nhân quyền trong việc thực hiện chiến dịch đàn áp, giam giữ hàng loạt và giám sát công nghệ cao của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakhs, và các thành viên khác trong các nhóm người dân tộc thiểu số theo Hồi giáo ở khu tự trị Tân Cương".
Bắc Kinh đã phủ nhận các cáo buộc lạm dụng trên.
Các thực thể bị đưa vào danh sách đen kinh tế của Bộ Thương mại Mỹ thường phải xin giấy phép từ cơ quan này và phải đối mặt với sự giám sát gắt gao khi xin phép tiếp nhận/mua hàng hóa từ các nhà cung cấp Mỹ.
Ngoài ra, Washington lần này cũng bổ sung thêm 5 thực thể mà được xác định đã trực tiếp hỗ trợ các chương trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc liên quan đến công nghệ laser (la-de) và hệ thống quản lý chiến đấu. Washington cũng đã xác định được thêm 4 thực thể đã "xuất khẩu và cố gắng xuất khẩu các mặt hàng" cho các thực thể đang bị Mỹ trừng phạt.
Công ty công nghệ Wuhan Raycus Fiber Laser Technologies, một trong những thực thể bị bổ sung vào danh sách đen của Mỹ lần này, cho rằng việc bị đưa vào danh sách đen của Mỹ sẽ không có tác động đáng kể đến hoạt động nghiên cứu và sản xuất của doanh nghiệp này.
Vào năm 2019, Bộ Thương mại Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump đã nhắm mục tiêu vào 20 đơn vị an ninh công cộng và 8 doanh nghiệp của Trung Quốc (gồm cả Công ty video giám sát Hikvision) cùng với các doanh nghiệp đi đầu trong công nghệ nhận dạng khuôn mặt như SenseTime Group và Megvii Technology, với cáo buộc liên quan đến việc đối xử với các nhóm người dân tộc thiểu số theo Hồi giáo của Trung Quốc.