Theo kết quả vừa công bố mới đây của Báo cáo nghiên cứu “Dịch vụ công có nhạy cảm giới: Đâu là câu trả lời cho Việt Nam?”do tổ chức ActionAid Việt Nam (AAV) và Trung tâm Nghiên cứu Giới - Gia đình & Môi trường trong Phát triển (CGFED) phối hợp thực hiện, phần lớn người dân đều không biết tới các thông tin cụ thể về ngân sách cung cấp cho các dịch vụ công trên địa bàn.
Nghiên cứu được AAV cùng các đối tác thực hiện tại 7 tỉnh của Việt Nam và được Ủy ban châu Âu (EC), Cơ quan Viện trợ AiLen và ActionAid Việt Nam đồng tài trợ.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng sự tham gia của người dân (cả nam và nữ) các nhóm dân tộc thiểu số, các tầng lớp khác nhau trong xã hội vào quá trình lập kế hoạch, cung cấp và giám sát các dịch vụ công là rất yếu, ở tất cả 4 dịch vụ được khảo sát.
Điều đáng quan tâm là người dân, cả nam và nữ đều hầu như không biết lượng ngân sách dành cho các dịch vụ công trên địa bàn mình là bao nhiêu và nguồn ngân sách nào.
“Có 60 - 75% số người dân không phản hồi thông tin về các dịch vụ giáo dục trên địa bàn, hơn 60% số người trả lời không quan tâm đến thông tin liên quan đến ngân sách công ở thành phố. Trong số những người có quan tâm, chỉ 5 - 7% biết lượng ngân sách phân bổ hoặc chi cho giao thông công chính địa phương hàng năm là bao nhiêu cho từng dịch vụ cụ thể trong 11 dịch vụ được khảo sát”, nhóm nghiên cứu cho biết
Tại hội thảo, ông Christopher Kinyanjui, Phó tổng giám đốc ActionAid quốc tế chia sẻ, dịch vụ công có nhạy cảm giới là một công cụ đắc lực để Nhà nước đảm bảo công bằng xã hội và phát triển bền vững.
Báo cáo tóm tắt giới thiệu hôm nay là đầu tiên trong chuỗi các tóm tắt chính sách sẽ được rút ra từ kết quả và số liệu nghiên cứu lần này.
Việt Nam rất tiến bộ trong khung luật pháp thúc đẩy bình đẳng giới, nếu quyết tâm, Việt Nam sẽ đáp ứng nhu cầu của các nhóm giới khác nhau trong xã hội thông qua đầu tư thêm ngân sách và khuyến khích người dân giám sát chất lượng các dịch vụ công cơ bản như giáo dục, y tế, hành chính một cửa và giao thông công chính.
"ActionAid Quốc tế cam kết hỗ trợ và phối hợp với Chính phủ và các bên tại Việt Nam trong vấn đề này”, ông Christopher Kinyanjui nói.
Tóm tắt chính sách được giới thiệu lần này cũng chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về dịch vụ công có nhạy cảm giới, khuyến nghị Nhà nước tăng ngân sách, tăng cường trách nhiệm giải trình và minh bạch của dịch vụ công nhằm duy trì các kết quả giảm nghèo ở Việt Nam và khuyến khích phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập.
Các dịch vụ công như giáo dục, y tế, nước sạch, nhà ở, việc làm, an sinh xã hội và vệ sinh môi trường, giao thông có vai trò thiết yếu trong đời sống của mỗi người dân, ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng cuộc sống và phát triển.
Dịch vụ công có chất lượng cần đảm bảo khả năng tiếp cận, khả năng chi trả, trách nhiệm giải trình của bên cung cấp và có tính nhạy cảm giới từ những khâu ban đầu như lập kế hoạch cho đến khi cung cấp và giám sát thực hiện.