“Nền kinh tế đang cần một luồng sinh khí mới”
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM
Luật Doanh nghiệp 2014 đã trao quyền rất lớn cho các doanh nghiệp. Với hàng loạt cải cách về con dấu, đăng ký doanh nghiệp, về thủ tục hành chính trong Luật, môi trường kinh doanh sẽ minh bạch hơn, giảm thiểu rủi ro, tăng mức độ an toàn pháp lý, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.
Chúng ta sẽ phải phân bổ lại nguồn lực, mở rộng cơ hội và khuyến khích sáng tạo của người kinh doanh, để người dân chọn doanh nghiệp là một kênh tốt nhất để đầu tư.
“Nhà nước nên tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược”
TS. Cấn Văn Lực, Hàm Phó Tổng giám đốc BIDV
Các doanh nghiệp nên đầu tư nhiều hơn cho hoạt động nghiên cứu khoa học gắn với đưa các kết quả nghiên cứu vào ứng dụng, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, giảm giá thành sản xuất, qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh Việt Nam ngày một hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu.
Để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp mạnh thêm, Nhà nước nên tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược đã được xác định: thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực. Nhà nước cần chú trọng tăng cường khả năng chống đỡ, ứng phó của nền kinh tế trước những biến động từ bên ngoài trong bối cảnh hiện nay. Gắn liền với nỗ lực cải thiện thêm tính minh bạch trong quản lý, điều hành của hệ thống cơ quan công quyền, chống tham nhũng cần hiệu quả hơn.
“Cần thay đổi tư duy về sử dụng nhân lực”
Ông Vũ Hoài Bắc, Chủ tịch Công ty tư vấn GHC
Việc sử dụng con người của chúng ta vẫn phụ thuộc nhiều vào bằng cấp một cách máy móc. Tư duy về quy hoạch cán bộ của Việt Nam còn nhiều điểm xơ cứng, chưa được cải tiến phù hợp với môi trường, tính chất của mục tiêu phát triển con người, xa rời những thông lệ tốt của quốc tế, làm suy yếu ý thức dấn thân vì những ý tưởng mới, có tính đột phá, đồng thời khuyến khích sự cẩn trọng, thu mình quá mức…, dẫn đến không phát huy toàn diện tiềm năng con người.
Nhìn lại quá khứ, trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, chính tư duy cởi mở huy động mọi nhân lực, tài lực trong nước và quốc tế đã đưa dân tộc vượt qua những thử thách to lớn, đạt được những thành quả kỳ vĩ.
Việt Nam có thể tham khảo và vận dụng sáng tạo bài học của Singapore là đặt các doanh nghiệp tại Singapore (không phân biệt trong nước, nước ngoài, sở hữu) trong môi trường cạnh tranh quốc gia bình đẳng, theo kiểu chọn lọc tự nhiên. Nhà nước không bảo hộ, nhưng nhà nước cần ưu tiên đầu tư cho doanh nghiệp thuộc các ngành quan trọng phát triển bằng cổ phần lớn của Nhà nước.
“Doanh nghiệp thành công là nhờ sự sáng tạo miệt màicủa ban điều hành”
Ông Đặng Đức Thành, Chủ tịch CTCP Căn nhà mơ ước, Chủ nhiệm CLB Các nhà kinh tế TP. HCM
Nhiều doanh nghiệp niêm yết đã thành công và được đánh giá cao như Vinamilk, FPT, Kinh Đô, Dược Hậu Giang, SSI, Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, Tập đoàn Hoa Sen… Thành công của các công ty này từ sự lao động, sáng tạo miệt mài của ban điều hành và người lao động; trong đó, công ty ít nhất cũng phải hơn 15 năm; nhiều công ty phải trên 25 năm lao động sáng tạo. Đổi mới và sáng tạo là phương châm và tiêu chí hàng đầu cho mọi hoạt động của các công ty này.
Một điểm chung nữa của các doanh nghiệp thành công trên TTCK là đều tuân thủ tốt các quy định về minh bạch thông tin. Chính nỗ lực minh bạch thông tin của các doanh nghiệp đã tạo dựng được lòng tin nơi nhà đầu tư, từ đó, các kế hoạch huy động vốn phục vụ phát triển sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp thuận lợi.
“Niềm tin vào môi trường kinh doanh vẫn thấp”
TS. Lê Đình Ân, Nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế, xã hội quốc gia
Xu hướng chuyển nhượng thương hiệu của một số doanh nghiệp hoạt động tốt trong nước cho nhà đầu tư nước ngoài thời gian gần đây cho thấy, doanh nghiệp tư nhân lớn ở Việt Nam vẫn chưa yên tâm đầu tư lâu dài. Lòng tin của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân vào môi trường kinh doanh trong nước còn ở mức thấp.
Chính phủ đã đặt mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và đẩy mạnh tốc độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Tuy nhiên, tôi cho rằng, nếu chỉ tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian nộp thuế là chưa đủ, mà vấn đề quan trọng hơn là cần xử lý tình trạng chồng chéo các giấy phép con, cháu; sửa đổi, bổ sung các cơ chế giúp các doanh nghiệp tiếp cận các hiệp định thương mại đã ký kết, sắp ký kết…
“Để doanh nghiệp hội nhập tốt, Nhà nước cần hỗ trợ hai việc”
TS. Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI
Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa ký kết, thực hiện hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với phạm vi cam kết rộng, mức độ cam kết sâu. Để hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả, cũng như cải thiện năng lực cạnh tranh, có hai vấn đề lớn mà cộng đồng doanh nghiệp rất cần Nhà nước hỗ trợ.
Thứ nhất, Nhà nước cần hỗ trợ về cơ chế để có các tổ chức đại diện mạnh và hiệu quả. Theo đó, cần tạo môi trường, cơ chế để các hiệp hội doanh nghiệp có không gian phát triển thông qua sớm hoàn thiện pháp luật về hội; chuyển giao dần các dịch vụ công trong các lĩnh vực hoạt động kinh doanh cho các hiệp hội doanh nghiệp, chẳng hạn như cấp chứng chỉ chuyên môn, dịch vụ xác nhận…
Thứ hai, Nhà nước cần thông tin, tư vấn cho doanh nghiệp trong các vấn đề liên quan tới cam kết hội nhập thông qua giải pháp hỗ trợ nguồn lực cho các đầu mối cung cấp thông tin, tư vấn hội nhập.
Cần minh bạch nhanh chóng và kịp thời các nội dung cam kết của các FTA tới người dân, doanh nghiệp (gắn với trách nhiệm cụ thể của các cơ quan liên quan trong việc công khai thông tin này).
Nhà nước cần đặt ra cơ chế phối hợp bắt buộc giữa các cơ quan có chuyên môn về các cam kết hội nhập với các đầu mối cung cấp thông tin, tư vấn cho doanh nghiệp như Trung tâm WTO-VCCI. Cần thiết lập các đầu mối có thẩm quyền trong việc hướng dẫn, giải thích nội dung các cam kết một cách chính thức cho cộng đồng doanh nghiệp.