Trong báo cáo chính sách tiền tệ hàng quý được công bố hôm thứ Tư (10/8), PBOC cho biết sẽ vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế vừa đảm bảo giá cả ổn định. Đồng thời, PBOC sẽ cung cấp hỗ trợ mạnh mẽ hơn và chất lượng cao hơn cho nền kinh tế thực.
“Áp lực lạm phát cơ cấu có thể tăng lên trong ngắn hạn, và áp lực lạm phát nhập khẩu vẫn còn. Chúng tôi không thể hạ thấp hàng rào của mình một cách dễ dàng”, PBOC cho biết.
Các cảnh báo của PBOC được đưa ra cùng ngày với dữ liệu chính thức cho thấy lạm phát đã tăng nhanh trong tháng 7 lên 2,7%, mức cao nhất trong hai năm, phần lớn là do giá thực phẩm khi giá thịt lợn tăng. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu dùng yếu đã khiến áp lực giá cả chung trong tầm kiểm soát.
PBOC cho biết, lạm phát tiêu dùng có thể sẽ vượt quá 3% trong một số tháng trong nửa cuối năm. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể sẽ đạt được mục tiêu giữ lạm phát cả năm ở mức 3% vào năm 2022, nhờ các biện pháp được thực hiện để kiểm soát giá thực phẩm và năng lượng cũng như chính sách tiền tệ thận trọng.
“Lạm phát cơ cấu khó có thể ảnh hưởng đến định hướng của chính sách tiền tệ, nhưng có thể hạn chế hơn nữa dư địa nới lỏng”, Gao Ruidong, nhà kinh tế trưởng tại Everbright Securities cho biết.
Chỉ số giá tiêu dùng và chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc |
Các nhà kinh tế của Goldman Sachs cho biết: Báo cáo tập trung vào áp lực lạm phát ngắn hạn và cách họ thực hiện chính sách cho thấy PBOC có khả năng tiếp tục với lập trường của mình đối với chính sách tiền tệ phù hợp.
Một cam kết trong báo cáo “không phát hành tiền quá mức” ngụ ý PBOC cho rằng nguồn cung thanh khoản hiện tại đã đủ, họ có thể không cần làm giảm lượng tiền mặt mà các ngân hàng phải dự trữ hoặc cắt giảm lãi suất trong thời gian còn lại của năm nay, Qin Tai, nhà phân tích vĩ mô trưởng tại Shenwan Hongyuan Group cho biết trong một báo cáo.
PBOC trước đây đã phát đi tín hiệu rằng họ sẽ tập trung vào thúc đẩy tín dụng thay vì cắt giảm lãi suất để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế, trong khi các nhà lãnh đạo hàng đầu đã nêu lên lo ngại về khả năng lan tỏa lạm phát khi giá cả tăng cao ở các nền kinh tế lớn khác.
Ngân hàng trung ương cho biết, các yếu tố đã kiềm chế lạm phát trong hai thập kỷ qua, chẳng hạn như toàn cầu hóa, nhưng hiện đã đảo ngược và sự phục hồi trong tiêu dùng nội địa có thể đẩy nhanh việc truyền lạm phát nhà máy đến người tiêu dùng. Giá thịt lợn tăng và sự phụ thuộc của Trung Quốc vào khí đốt và dầu nhập khẩu cũng tạo ra những thách thức.
PBOC cho biết, lạm phát đã tăng vọt ở Mỹ và châu Âu là một bài học cho các chính sách kinh tế vĩ mô của Trung Quốc. Duy trì một đồng tiền ổn định là trách nhiệm chính của một ngân hàng trung ương, và giữ lạm phát ổn định là chìa khóa.
Thừa nhận việc thắt chặt chính sách tiền tệ ở những nơi khác, PBOC cho biết, lãi suất chính sách không thay đổi của họ trong quý II đã “giúp duy trì cân bằng bên trong và bên ngoài trong bối cảnh các ngân hàng trung ương toàn cầu tăng lãi suất”.