Muốn dân làm giàu, Nhà nước có trách nhiệm tạo ra thể chế tốt, khuyến khích cạnh tranh sáng tạo và công bằng
Chuyện về những tướng quân ra trận
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) kết thúc đàm phán đúng 1 tuần trước ngày Doanh nhân Việt Nam năm 2015 đã khuấy động không khí vốn khá trầm lắng và đầy cẩn trọng của giới doanh nhân - những người ít muốn lộ diện. Trên các trang cá nhân, trên báo chí dày đặc những kỳ vọng, tâm trạng phấn khích về sự thay đổi, về nấc thang mới, sự nghiệp mới và đương nhiên là cả những nỗi lo lắng, phân vân của các doanh nhân.
Thưa ông, chúc mừng cộng đồng doanh nhân Việt Nam được chưa khi TPP - cuộc hội nhập đỉnh cao nhất của thế giới đương đại mà Việt Nam là một trong 12 thành viên đã chính thức kết thúc đàm phán?
Chúng tôi đã nói với nhau, đây là niềm vui và cũng là nỗi lo của tất cả doanh nhân Việt Nam. Cơ hội nhiều mà thách thức cũng vô cùng lớn. Cạnh tranh sẽ khắc nghiệt hơn. TPP và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là trận tuyến của các doanh nghiệp, là chiến trường của các doanh nhân
Nhiều người nói rằng, không nên coi thương trường là chiến trường…
Tôi vẫn muốn gọi những doanh nhân là những tướng cầm quân. Chiến trường của họ không tiếng súng nhưng gian nan không kém, nhất là khi đối thủ đầu tiên họ phải chiến thắng đó là chính mình.
Nhìn vào sân chơi của TPP hay với các hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á – Âu hay với EU, trình độ phát triển và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, của doanh nghiệp Việt Nam xếp ở hạng thấp, thậm chí là thấp nhất. Chấp nhận cuộc chơi hội nhập với nhiều doanh nhân là chấp nhận lột xác, có thể rất đau đớn, nhưng không có sự lựa chọn nào khác.
Các doanh nhân sẽ phải làm nhiều việc một lúc. Phải nắm vững thông tin hội nhập, phải phân tích tác động của tiến trình hội nhập đối với doanh nghiệp và sản phẩm của mình; Phải chuẩn bị kế hoạch hành động chủ động và tích cực ở tất cả phương diện; Phải thiết thực và tiết kiệm; Phải vươn tới chuẩn mực quốc tế; Phải liên kết; Phải chuyên nghiệp và không “ăn xổi, ở thì”; Phải sáng tạo; Phải thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và chú trọng nền tảng văn hóa kinh doanh làm giàu bằng cách phụng sự xã hội…
Đây không phải lần đầu tiên, vị trí rất thấp của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong sân chơi hội nhập được nhắc đến. Cũng dễ lý giải khi tính số tuổi doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, nhóm “cao tuổi” nhất mới khoảng 30 năm. Nếu như tính cả các doanh nghiệp nhà nước, thì số tuổi có thể lên tới khoảng 60, nhưng không nhiều và mang khá nhiều dấu ấn đặc thù của nền kinh tế đang chuyển đổi.
Nếu tính số lượng, thì vào thời điểm này, với khoảng 500.000 doanh nghiệp, nghĩa là bình quân 200 người dân có 1 doanh nghiệp, trong khi ở các nền kinh tế phát triển cao, 15-20 người dân là có 1 doanh nghiệp. Trong số này, tới 96-97% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Số doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam có mặt trên các bảng xếp hạng tầm thế giới chưa kín một bàn tay…
Hình ảnh doanh nhân Việt Nam, dù thay đổi nhiều so với 11 năm trước, khi Thủ tướng Chính phủ chọn ngày 13/10 hàng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam, nhưng vẫn chưa thoát khỏi “thiếu tầm”.
Vậy, những vị tướng này đã chuẩn bị cho trận đánh mới thế nào, thưa ông?
Có thể nhiều doanh nhân không biết rõ TPP hay AEC (Cộng đồng Kinh tế ASEAN) quy định chi tiết những điều khoản gì, thậm chí có người không gọi đúng tên các hiệp định này, nhưng họ biết làm thế nào để bán được hàng, để cạnh tranh được với các yêu cầu ngày càng khắt khe hơn của thị trường.
Thử để ý các cửa hàng nhỏ trên phố, cũng thấy được sự vận động liên tục này. Chỉ cần một ngày đọng hàng, người chủ biết phải điều chỉnh ở đâu, có thể phải đóng cửa hàng này để chuyển sang kinh doanh cái khác. Thị trường dạy từng doanh nhân sức ép cạnh tranh, sức ép phải thay đổi.
Nhiều doanh nghiệp lớn đã có sự chuẩn bị mạnh lạc từ nhiều năm nay, không chỉ về giá cả, chất lượng sản phẩm, dịch vụ mà còn cách thức tạo ra sản phẩm đó theo yêu cầu của người tiêu dùng thế giới về tính nhân văn trong kinh doanh, thân thiện môi trường, trách nhiệm với cộng đồng…
Tất nhiên, không dễ để thay đổi nhanh khi nguồn lực và năng lực của nhiều doanh nghiệp còn quá nhỏ. Nhưng tâm thế thay đổi, muốn thay đổi để trụ vững và vượt lên trong bối cảnh hội nhập sâu rộng thì đã có. Vì doanh nhân chọn cho mình sứ mệnh chiến thắng đói nghèo, làm giàu cho mình và đất nước.
Ước mơ về sự tận tâm
Trong cuộc trao đổi bên lề với nhiều doanh nhân về cùng câu hỏi, họ có tự tin với cuộc chơi mới với những người chơi giỏi nhất không, câu trả lời đa phần là có, là sẽ nỗ lực và đang rất nỗ lực, nhưng đi kèm vẫn là chứ nếu. Thậm chí, bà Ninh Thị Ty, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần may Chiến Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty may Hồ Gươm còn than phiền, doanh nhân sẽ làm được gì khi quá nửa thời gian của họ là để đối phó với những các loại giấy phép con, thủ tục hành chính phiền hà…
Ông nghĩ thế nào khi tâm thế của nhiều doanh nhân trong hội nhập vẫn nặng về “tự cứu mình”?
Có doanh nhân đã nói với tôi một câu đáng phải suy nghĩ rằng, họ mong thấy được công chức nhà nước không chỉ là làm hết trách nhiệm, mà làm vì tình yêu với đất nước, với sự phát triển của đất nước.
Với người dân, doanh nhân Nhà nước, Chính phủ chính là các công chức trực tiếp làm việc với họ. Nếu từng công chức chưa thay đổi, thì những cam kết, quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ, hay các kế hoạch tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng dù hay ho thế nào cũng không có ý nghĩa.
Tôi muốn nhắc tới tình hình thực hiện Nghị quyết 19/2015/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Ở Trung ương, mọi việc nóng hừng hực, Thủ tướng Chính phủ rốt ráo từng chỉ tiêu, nhưng về các địa phương thì nguội dần, bây giờ vẫn chưa thấy nóng lên. Vậy mới có tình trạng, báo cáo của bộ thì nói đã cải thiện phần lớn, trong khi doanh nghiệp đánh giá chỉ được phần ít.
Doanh nghiệp sẽ không thể lớn lên, không thể đổi mới, sáng tạo với cách thức tư duy cũ, hành vi theo thói quen của đa phần công chức nhà nước. Thậm chí, sự thành bại của doanh nghiệp trong cuộc hội nhập với thế giới được quyết định không chỉ bởi khung khổ pháp luật, định hướng hay chính sách vĩ mô từ tầm Chính phủ, mà còn được quyết định bởi những hành vi công vụ hàng ngày từ cấp xã, phường...
Ông Lộc kể lại chuyện mà ông được nghe, ở một xã nhỏ có 8 doanh nghiệp, trong dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam, khi nhận được thư mời của lãnh đạo xã đến tiệc chiêu đãi chúc mừng, họ đã tự đặt câu hỏi “có phải mang phong bì” đến không để nói về “văn hóa phong bì” đang là rào cản để doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam chuyên nghiệp hơn, sòng phẳng hơn. Khi người doanh nhân kể câu chuyện này nói họ đã đến dự lễ bằng niềm tự hào, thì ông Lộc tin chắc rằng, địa phương này sẽ có sự cải thiện về kinh tế, ít nhất là sẽ có 8 doanh nhân dốc lòng.
Có nghĩa là doanh nhân chưa hết mình vì công chức chưa thực tâm hết sức?
Vẫn là câu chuyện của tư duy. Tôi đã chứng kiến một cuộc giao ban ở Hà Tĩnh, lãnh đạo địa phương đã bàn đến tình hình doanh nghiệp đầu tiên. Đó là tư duy. Tôi tin là họ làm điều này vì sự phát triển của địa phương, vì hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn chứ không phải vì một vài doanh nhân nào cả. Chính tư duy này đã thay đổi cách ứng xử của lãnh đạo chính quyền địa phương với doanh nghiệp, doanh nhân.
Nếu từng công chức có được tư duy vì sự phát triển của doanh nghiệp như vậy, họ sẽ thay đổi cách làm, tìm cách thay đổi quy trình, quy định để thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Chỉ khi đó, từ Nghị quyết 19 hay các kế hoạch cải cách thủ tục hành chính, thậm chí là các đề án tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng… mới thực sự tác động tích cực vào đời sống của doanh nghiệp.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) mà VCCI thực hiện hàng năm thể hiện rất rõ mối quan hệ này.
Một cách sâu xa hơn, đó chính là vai trò kiến tạo, bệ đỡ của Nhà nước, thưa ông?
Đúng vậy. Sự thành bại của một nền kinh tế trong hội nhập được quyết định bởi sức mạnh của đội ngũ doanh nhân. Khi doanh nhân cầm quân xung trận, thì họ cần Nhà nước là hậu phương vững chắc.
Đội ngũ doanh nhân cần phải được xốc lại để vươn tới những chuẩn mực toàn cầu, để có thể cạnh tranh thắng lợi. Nhà nước phải đẩy mạnh cải cách thể chế để hậu thuẫn cho đội ngũ doanh nhân với chuẩn mực mới.
Muốn cho dân làm giàu, Nhà nước có trách nhiệm tạo ra một thể chế tốt, khuyến khích cạnh tranh sáng tạo và công bằng. Khi doanh nhân được tôn trọng, được hỗ trợ, hậu thuẫn, họ sẽ thúc đẩy sự làm ăn, sự giàu có.
Nhưng không dễ…
Mọi sự thay đổi đều rất khó khăn, nhưng nhiều địa phương đã bắt đầu suy nghĩ theo hướng này, chỉ có điều cần phải tạo thành xu hướng, thành tư duy chung của xã hội.
Chúng ta có nhiều bài học kinh nghiệm thế giới tốt để học tập, đang có áp lực thay đổi từ hội nhập.
Thêm một lần nữa, ông Vũ Tiến Lộc nhắc tới bức thư của Bác Hồ gửi giới công thương cách đây đúng 70 năm, ngay sau ngày lập nước. Ông gọi đây là tuyên ngôn đầu tiên của Đảng và Nhà nước ta về vai trò và sứ mệnh của doanh nhân, coi sự nghiệp của doanh nhân là sự nghiệp của đất nước.
“70 năm sau, doanh nghiệp muốn nhìn thấy quyết tâm và chương trình đổi mới được quyết định từ Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, từ Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu các bộ ngành và các địa phương phải trở thành hành vi của đội ngũ công chức ở cơ sở. Chúng tôi muốn lấy lại ý của một câu nói rằng, để biết doanh nhân thành hay bại, hãy nhìn vào thái độ của nhà nước với sự nghiệp kinh doanh”, ông Lộc nhấn mạnh.