Ông Vũ Huy Hoàng được các nhân viên y tế túc trực hỗ trợ (ảnh chụp qua màn hình)

Ông Vũ Huy Hoàng được các nhân viên y tế túc trực hỗ trợ (ảnh chụp qua màn hình)

Ông Vũ Huy Hoàng ngất xỉu khi nói lời sau cùng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tỏ ra mệt mỏi, ông Vũ Huy Hoàng (cựu Bộ trưởng Bộ Công thương) đột ngột ngất xỉu, ngã ra ghế. Sau ít phút, ông Hoàng được dìu vào ghế ngồi và có 2 nhân viên y tế túc trực hỗ trợ.

Chiều 26/4, 10 bị cáo trong vụ án sai phạm xảy ra tại khu đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng (TP.HCM) nói lời sau cùng trước khi TAND TP. Hà Nội nghỉ nghị án.

Sau cuộc đối đáp gay gắt giữa đại diện Viện kiểm sát và các luật sư, đến 16h, 10 bị cáo nói lời sau cùng.

Là người nói đầu tiên, bị cáo Phan Chí Dũng (cựu Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ - Bộ Công thương) nói rằng, 38 năm làm việc luôn làm tốt nhiệm vụ được giao. Bị cáo thực sự đau xót và nhận thức hệ quả vi phạm. Bị cáo coi đây là “tai nạn nghề nghiệp không mong muốn”. Bị cáo giải trình, một số tờ trình, đề xuất ý kiến bị cáo nêu có sự thống nhất của các cơ quan.

“Rất tiếc là không có cơ quan nào, người nào cảnh báo vi phạm trên. Tôi không chối bỏ trách nhiệm. Hành vi ký tờ trình của tôi không phải là cố ý, không nhằm vu lợi”, bị cáo Dũng nói.

Khi bị cáo Dũng vừa dứt lời, ở hàng ghế phía sau, tỏ ra mệt mỏi, ông Vũ Huy Hoàng (cựu Bộ trưởng Bộ Công thương) đột ngột ngã ra ghế. Ông Hoàng được dìu vào ghế và có 2 nhân viên y tế túc trực hỗ trợ.

Trước tòa, ông Hoàng nói “rất phân vân” vì có những kết luận, phân tích không phù hợp với thực tế khách quan.

Ông Hoàng nói: “Cho đến giờ phút này, Viện kiểm sát vẫn giữ quan điểm luận tội tôi theo Điều 219 (Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí), kết luận tôi chủ mưu, là chỉ đạo, áp đặt xuyên suốt quá trình diễn ra tại Sabeco. Tôi xin khẳng định tôi không có vai trò trong chuyện chủ mưu. Chủ mưu nhằm mục đích gì?

Viện kiểm sát nói đây không phải là hành vi phạm tội có tổ chức, mỗi người thực hiện chức trách của mình. Chủ mưu thể hiện chỗ nào?

Tôi xin báo cáo HĐXX, tôi thực hiện theo quy chế làm việc, không phải không có lĩnh vực khác, có lĩnh nội chính, quy hoạch, chiến lược. Khi được các thứ trưởng yêu cầu, tôi có thể giúp kể cả chủ trì các cuộc họp”.

Nhắc đến các công văn quy kết, ông Hoàng trình bày: "Công văn thay thế nhà đầu tư là xuất phát từ Tổng công ty Sabeco vào tháng 9/2012. Khi Sabeco đề xuất lên Vụ công nghiệp nhẹ có hỏi ý kiến bị cáo. Bị cáo trả lời “xem xét tháo gỡ khó khăn”. Bị cáo không lấn sân, chỉ đạo".

Còn công văn ngày 1/4/2016 Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa ký quyết định giá khởi điểm, ông Hoàng khẳng định không ký nháy vào công văn đó. Cuộc họp ngày 29/3/2016 không bàn riêng về việc thoái vốn mà còn tìm biện pháp để xây dựng trụ sở Sabeco. Ông Hoàng liên tục nói “không lấn sân”.

“Chủ mưu làm lợi cho ai? Tư lợi như nào? Vụ lợi như nào? Không có chứng cứ thể hiện hành vi. Việc chuyển giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ Sabeco sang Sabeco Pearl, tôi không tham gia, không có ý kiến, không tác động vào vấn đề này. Việc thoái vốn cũng xuất phát từ nguyện vọng của Sabeco. Còn từ chủ trương đó, triển khai sai quy định, tôi không tham gia.

"Tôi xin mượn lời phát biểu của Tổng Bí thư “con người ai cũng thích quyền, ai cũng thích tiền nhưng điều quan trọng nhất danh dự". Sở dĩ vì sao sức khỏe tôi như này vẫn tham dự từ phiên đầu tiên, không phải chỉ vì trách nhiệm, nghĩa vụ. Vì tôi muốn trình bày vấn đề nào tôi làm sai tôi chịu trách nhiệm, danh dự của tôi xấu đi nhưng tôi làm đúng bảo tôi làm sai tôi phải nói”, ông Hoàng tiếp lời.

Kết lời trình bày, ông Hoàng cho rằng, 40 năm công tác, trải qua nhiều cương vị không tránh khỏi có sai sót, khuyết điểm, sai phạm.

“Vụ án là bài học đắt giá với tôi. Mong HĐXX xem xét khách quan, công bằng, đúng người, đúng tội”, ông Hoàng nói và cho biết “rất hoang mang”.

Bị cáo Đào Anh Kiệt (cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM) cho rằng, việc Sabeco Pearl nộp tiền vào ngân sách nhà nước có nghĩa là các cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện vai trò theo chức năng, nhiệm vụ nhà nước phân công. Bị cáo buộc phải tiếp nối kết quả xử lý của cơ quan có thẩm quyền. Pháp luật không buộc bị cáo phải tìm hiểu hành vi của các cơ quan đó.

Các bị cáo còn lại cũng đề nghị tòa án xem xét các tình tiết giảm nhẹ.

Kết thúc phiên làm việc chiều nay, chủ tọa thông báo, HĐXX sẽ tuyên án vào 14h30 ngày 29/4.

Đại diện Viện kiểm sát cho rằng, bị cáo Vũ Huy Hoàng, bị can Hồ Thị Kim Thoa (cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương, đang trốn nã) và Phan Chí Dũng đã có ý kiến chỉ đạo đối với các cán bộ cấp dưới thuộc Bộ Công thương và Sabeco để Sabeco góp vốn bằng quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng và tiền để thành lập Sabeco Pearl cùng với các doanh nghiệp tư nhân đầu tư thực hiện Dự án “Xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê”.

Khi Sabeco thực hiện xong các thủ tục pháp lý đầu tư dự án cho Sabeco Pearl và đề nghị được UBND TP.HCM chấp thuận bổ sung chức năng officetel và căn hộ ở cho dự án, ngay sau đó Bộ Công Thương đã chỉ đạo Sabeco thoái 26% vốn góp của Sabeco cho doanh nghiệp tư nhân tham gia liên doanh.

Từ đó, hoàn tất việc chuyển quyền quản lý, sử dụng khu đất 6.080 m2 tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng có giá trị hơn 3.816 tỷ đồng là tài sản của Nhà nước sang tư nhân trái pháp luật, gây thất thoát, thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước với số tiền hơn 2.713 tỷ đồng.

Tin bài liên quan