Người nông dân góp ruộng, góp công trong Hợp tác xã Thuấn Lanh

Người nông dân góp ruộng, góp công trong Hợp tác xã Thuấn Lanh

Nơi tiền… không “bạc”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Người ta hay nói "tiền bạc", nhưng đồng tiền "bạc bẽo" hay "ấm áp" đều là do cách kiếm tiền, cách tiêu tiền của từng người...

Khi gà nghe nhạc…

Xe ô tô của đoàn công tác chúng tôi vừa dừng, chị Lương Thị Toan cùng chồng là anh Nguyễn Hữu Huy - người Hưng Yên lên Điện Biên năm 1995 làm kinh tế mới - đã đón đoàn bằng những rổ táo, ổi và bưởi da xanh “của nhà trồng được”. Thật bất ngờ khi được thưởng thức bưởi da xanh - giống bưởi có nguồn gốc ở xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre, thức quả quý của miền vườn Nam Bộ trên đất Tây Bắc. Sự khác biệt chỉ có ở lớp vỏ không được xanh mướt như được trồng ở Nam Bộ, nhưng bên trong thì đúng tép bưởi màu đỏ hồng, vị ngọt pha lẫn chua dịu, gần như không có hạt và đặc biệt là tép bưởi không bị khô, cứng.

“Tôi cũng nhận được chia sẻ từ khách hàng về những quả bưởi da xanh ở nơi khác có tép bưởi khô, cứng. Có lẽ, quả bưởi đó bị lỗi hoặc cây bưởi được bón phân hoá học dẫn đến tình trạng này. Còn những quả bưởi da xanh trong trang trại nhà được bón từ phân hữu cơ, phân vi sinh nên chất lượng có sự khác biệt”, chị Toan nói.

Công ty TNHH Huy Toan thực chất là một công ty gia đình, các thành viên trong gia đình chị Toan, anh Huy ai cũng “người nào việc nấy”. Ngoài hai người con đang học đại học và cấp 3 ở xa, người con trai cả ban ngày đi làm việc cơ quan nhà nước, chiều tối về, xắn quần móng lợn phụ bố mẹ và người vợ xinh đẹp quán xuyến trang trại. Được biết, Công ty hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi theo mô hình khép kín, cung cấp lợn thịt, con giống, gà thịt, trồng cây ăn quả như bưởi da xanh, ổi… trên diện tích hơn 13 ha, tạo công ăn việc làm cho 20 lao động thường xuyên và 20 lao động thời vụ.

Chị Toan cho biết, trang trại là cơ nghiệp cả đời, nên anh chị đau đáu, trăn trở tìm mọi cách để hạn chế thất thoát, mang lại lợi ích cao nhất. Chẳng hạn, trước kia thả gà ra vườn đẻ tung tung, vừa mất vệ sinh, vừa bị thất thoát… nên gia đình nuôi nhốt lại. Tuy nhiên, lúc này lại gặp vấn đề là mỗi lần vào chuồng gà chăm sóc hay cho ăn thì đàn gà hoảng loạn, chạy tứ tung, nhiều con bị kẹt lưới và chết.

Bà Nguyễn Thị Phượng - Phó tổng giám đốc Agribank và ông Nguyễn Trung Kiên - Giám đốc Agribank Điện Biên thăm trang trại gà của Công ty Huy Toan

Bà Nguyễn Thị Phượng - Phó tổng giám đốc Agribank và ông Nguyễn Trung Kiên - Giám đốc Agribank Điện Biên thăm trang trại gà của Công ty Huy Toan

“Để giải quyết vấn đề này, gia đình tôi đã thử nghiệm bật nhạc nhẹ không lời cho gà quen với một lượng âm thanh nhất định. Kết quả cuối cùng hơn cả mong đợi, sản lượng trứng tăng cao và đều đặn. Cụ thể, trước đây, khi thả vườn 15.000 con gà chỉ thu được 500 quả trứng/ngày, khi đưa vào chuồng thu được 1.000 quả trứng/ngày, tới khi gà trong chuồng và bật nhạc thu được 1.300 quả trứng/ngày”, chị Toan kể.

Ngoài việc cho gà nghe nhạc, gia đình chị Toan còn khá nhiều chi phí khi triển khai hệ thống làm mát, khử mùi hôi cho 1.500 con gà thịt trên diện tích 3 chuồng là 600 m2 và 15.000 con gà đẻ trứng trên diện tích 2 chuồng là 600 m2, bên cạnh đó còn là 1 tấn cám tiêu thụ mỗi ngày…, ước tính chi phí cho một con gà khoảng 200.000 đồng/tháng.

“Vì vậy, Công ty rất cần nguồn tiền ổn định, lâu dài để phát triển trang trại ngày càng quy mô hơn. May mắn, chúng tôi đã có được dòng vốn của Agribank đồng hành từ những ngày đầu thành lập”, chị Toan hồ hởi nói.

Chia sẻ thêm về khách hàng truyền thống này, ông Nguyễn Trung Kiên - Giám đốc Chi nhánh Agribank Điện Biên cho biết, Công ty Huy Toan có quan hệ tín dụng với Chi nhánh từ năm 2009 với số tiền vay ban đầu là 2 tỷ đồng và đến năm 2023, Công ty đã mở rộng kinh doanh với số tiền vay tăng lên 9 tỷ đồng. Số tiền vay ngày mới thành lập có quy mô nhỏ nên chủ yếu là để xây dựng mô hình ban đầu và hoạt động trong lĩnh vực nông sản ngắn ngày.

“Sau 14 năm, quy mô của Công ty đã phát triển lớn mạnh với một trang trại chăn nuôi, trồng cây có hệ thống tưới tiêu hiện đại hàng đầu trong tỉnh Điện Biên với tổng giá trị khoảng 60 tỷ đồng. Là ngân hàng đồng hành cùng gia đình anh chị Huy Toan từ những ngày đầu, chúng tôi thực sự vui mừng, hạnh phúc khi được chứng kiến sự lớn mạnh qua từng giai đoạn của khách hàng. Sự thành công của khách hàng bên cạnh việc đóng góp vào kết quả kinh doanh chung của Agribank, còn mang đến sự phát triển, thịnh vượng của mảnh đất Điện Biên lịch sử vốn còn nhiều khó khăn”, ông Kiên nói.

“Người” đứng sau hạnh phúc

Những ngày cuối năm, trời lạnh se sắt, nhưng anh Hoàng Văn Thuấn - Giám đốc Hợp tác xã Thuấn Lanh, thôn Kim Ðới, xã Tiên Thanh, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng vẫn chỉ có chiếc áo mỏng bên trong và áo khoác nhẹ bên ngoài thoăn thoắt xếp hàng nông sản, đóng gói chuyển đi.

Anh Thuấn chia sẻ, Hợp tác xã có 50 trang trại gà thịt với hơn 43.000 con nên chịu lỗ gần 13 tỷ đồng do giá gà giảm kỷ lục từ tháng 10/2022 đến tháng 8/2023, nhưng nhờ nông sản năm qua được giá nên phần nào bù đắp thiệt hại do nuôi gia cầm.

“Chỉ tính riêng ớt, chi phí sản xuất khoảng 7.000 đồng/kg, với giá bán hiện nay hơn 40.000 đồng/kg, một sào cho thu hoạch 7 - 8 tấn ớt loại A, lợi nhuận thu về cho mỗi sào ớt là trên 20 triệu đồng”, anh Thuấn phấn khởi kể.

Kể về hành trình lập nghiệp đã qua, anh nhớ lại: “Sau 11 năm làm công chức, tôi quyết định rời khỏi môi trường Nhà nước và năm 2013 bắt đầu vay 400 triệu đồng của Agribank - Chi nhánh Tiên Lãng để kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Mẹ tôi nghe được tin này thì khóc suốt vì lo lắng”.

Nhưng ông trời không phụ người có công. Sau 3 năm, Hợp tác xã Thuấn Lanh chuyên chăn nuôi gà thịt và trồng rau củ sạch ra đời. Đến nay, Hợp tác xã đã mở rộng kinh doanh với số tiền vay Agribank lên đến 9,7 tỷ đồng, có hơn 800 hộ nông dân ở 2 xã Tiên Thanh và Khởi Nghĩa là đối tác liên kết. Tham gia vào chuỗi, người nông dân góp ruộng, bỏ công chăm sóc, Hợp tác xã đầu tư giống, phân bón, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho bà con với các mặt hàng ớt, dưa chuột bao tử, cà chua, khoai tây.

“Nếu không có Agribank thì chắc chắn tôi không thể làm được gì cho mình, chứ nói gì đến giúp đỡ người khác”, anh Thuấn chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Thơm, Giám đốc Agribank Tiên Lãng và nhân viên Ngân hàng bên bè cá cùng ông chủ Phạm Văn Nhiêu
Bà Nguyễn Thị Thơm, Giám đốc Agribank Tiên Lãng và nhân viên Ngân hàng bên bè cá cùng ông chủ Phạm Văn Nhiêu

Cũng chung tình yêu với nông nghiệp là gia đình anh Phạm Văn Nhiêu ở thôn Ðông Ninh, xã Tiên Minh. Từ 10 triệu đồng ban đầu vay Agribank năm 1991 để mua cá giống về nuôi, trải qua bao khó khăn, quả ngọt đã đến với gia đình anh Nhiêu khi được biết đến là mô hình đầu tiên nuôi cá tầm thành công ở Tiên Lãng, Hải Phòng. Với 128 lồng cá, riêng tiền thức ăn ít nhất cũng mất 40 triệu đồng/ngày nên bên cạnh nguồn vốn gia đình tích góp, anh Nhiêu tiếp tục vay thêm từ ngân hàng và dư nợ hiện tại của gia đình tại Agribank Tiên Lãng là 12 tỷ đồng.

“Cơ sở có 22 lao động làm việc thường xuyên. Thu nhập người mới vào làm là 6 triệu đồng/tháng, người cao nhất là 15 triệu đồng/tháng. Tổng doanh thu hàng năm lên tới gần 50 tỷ đồng. Với giá cá tầm hiện nay là 220.000 đồng/kg, dự kiến doanh thu dịp Tết Giáp Thìn này là không nhỏ”, anh Nhiêu nói.

Trên đường quay trở lại TP. Hải Phòng, chuyến xe chở đoàn công tác chạy qua một biệt thự rất khang trang, Giám đốc Agribank Tiên Lãng Nguyễn Thị Thơm cho biết, đó là của gia đình anh Nhiêu. Đằng sau sự khang trang, bình yên đó là cả quãng thời gian dài anh và gia đình vất vả vượt khó. Chỉ đầu năm ngoái, 2 trại cá tầm của gia đình đầu tư trên Hà Giang bị lũ quét và hơn 27 tỷ đồng đã trôi theo dòng nước lũ…

“Người bạn tốt nhất là người bạn cùng chia sẻ hoạn nạn”, Agribank đã nhanh chóng tiếp cận, hỗ trợ giảm lãi cho gia đình anh Nhiêu, chung tay cùng khách hàng xử lý khó khăn. Hay như với gia đình anh Thuấn, khi giá gà giảm gây thua lỗ gần 13 tỷ đồng, bên cạnh việc giảm lãi, cơ cấu lại khoản vay, cán bộ Agribank còn tìm mọi nguồn để hỗ trợ tiêu thụ gà ra thị trường…

“Đồng hành cùng khách hàng cũng là lo chung nỗi lo của bà con, khi được mùa cũng vỡ òa với niềm vui của bà con… là những yếu tố quan trọng để những khách hàng như anh Nhiêu, anh Thuấn… gắn bó với Ngân hàng từ ngày đầu khởi nghiệp cho đến khi gặt hái thành công như hiện tại”, bà Thơm nhấn mạnh.

Tin bài liên quan