Với dự thảo Nghị định về điều kiện quản lý và kinh doanh chứng khoán, vướng mắc về nới room được khơi thông

Với dự thảo Nghị định về điều kiện quản lý và kinh doanh chứng khoán, vướng mắc về nới room được khơi thông

Nới room, con đường không bế tắc

(ĐTCK) Cho đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã và đang chuẩn bị gửi công văn lên UBCK để hỏi về thủ tục nới room.

Sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) công bố dự thảo mới nhất của Nghị định về điều kiện và quản lý kinh doanh chứng khoán, CTCK HSC nhận định: “Nghị định là một phần trong quá trình khơi thông vấn đề nới room, cụ thể là khuyến khích CTCK nới room nhờ loại bỏ được một trở ngại quan trọng liên quan đến hoạt động”.

Lý do là dự thảo Nghị định quy định rõ, các công ty niêm yết, CTCK, quỹ đầu tư có tỷ lệ sở hữu NĐT nước ngoài vượt con số 51% vẫn được coi là doanh nghiệp trong nước trong các hoạt động đầu tư trên TTCK.

Cũng chính HSC là công ty đã đặt vấn đề, nếu nới room thì công ty này có bị đối xử như NĐT nước ngoài trong các hoạt động tín dụng, thuế, quyền sở hữu tài sản… hay không? Như vậy, khi có quy định rõ ràng, HSC cần thuê luật sư tư vấn xem trong trường hợp nới room thì sẽ gặp phải những vấn đề gì và cân nhắc giữa lợi ích của nới room với những rủi ro có thể gặp phải.

Chẳng hạn, như với quyền sở hữu tài sản là bất động sản thì một CTCK có thể đi thuê văn phòng không nhất thiết phải mua. Hay trong lĩnh vực tín dụng, một CTCK có vốn 100% nước ngoài vừa công bố hạn mức tín dụng với một ngân hàng ngoại thì chắc hẳn các CTCK trong nước dù có tỷ lệ sở hữu trên 51% của NĐT nước ngoài cũng không gặp phải khó khăn trong vay vốn ngân hàng phục vụ các họat động nghiệp vụ của mình.

Một vướng mắc khác mà CTCK có thể gặp phải khi nới room, đó là quy định về hoạt động đầu tư chứng khoán ở nước ngoài, hay mức thuế trong đầu tư trái phiếu với NĐT ngoại là 5% trong khi với NĐT trong nước lại tính vào lợi nhuận để tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ 20%.

Mặc dù các CTCK còn một vài lo ngại, nhưng thực tế, những vấn đề này không quá lớn và không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của doanh nghiệp. Tại CTCK SSI, sau khi mở room, tỷ lệ sở hữu của NĐT ngoại đã vượt 51%, thậm chí một cổ đông lớn nước ngoài còn tăng sở hữu lên hơn 10%, nhưng theo ông Nguyễn Kim Long, Giám đốc phụ trách mảng pháp chế của SSI, “hoạt động của SSI vẫn bình thường và hiện chúng tôi không gặp vướng mắc gì”.

Ông Nguyễn Thành Long, nguyên Phó chủ tịch UBCK (vừa nhận nhiệm vụ mới làm Chủ tịch HNX), người chủ trì soạn thảo nghị định này chia sẻ, chính sách nới room mới được ban hành cần thời gian để đi vào cuộc sống. Có tình huống, các doanh nghiệp trong một số lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh sẽ phải cân nhắc giữa lợi ích của nới room và những cơ hội kinh doanh có thể bị ảnh hưởng.

“Tuy nhiên, chúng tôi đã trao đổi với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xem xét Điều 23 của Luật Đầu tư xem còn những vướng mắc gì với tổ chức đầu tư nước ngoài hay không. Khi doanh nghiệp đi vào triển khai thực hiện, có vướng mắc thì các cơ quan quản lý sẽ tháo gỡ. Pháp luật cần linh hoạt và vướng mắc đến đâu cần phải tháo gỡ ngay đến đó”, ông Long nhấn mạnh.

Theo ghi nhận của ĐTCK, cho đến thời điểm này, nhiều DN đã và đang chuẩn bị gửi công văn lên UBCK để hỏi về thủ tục nới room.

Ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII cho biết, Công ty đã gửi hồ sơ xin nới room lên UBCK, nhưng còn vướng mắc vì ngành nghề kinh doanh bất động sản thuộc diện hạn chế sở hữu của NĐT nước ngoài.

Về mặt kỹ thuật, CII có thể chuyển ngành nghề này sang công ty con, nhưng công ty mẹ lại đang triển khai thủ tục đầu tư một số dự án bất động sản nên CII phân vân trong xử lý vấn đề này.

Nới room, con đường không bế tắc ảnh 1

CTCP Hợp tác kinh tế và xuất nhập khẩu Savimex (SAV), doanh nghiệp mà cổ đông lớn nước ngoài đang sở hữu đến 49% cũng đã tính đến việc nới room và quan điểm của Ban lãnh đạo SAV là mở room tới 100% cho NĐT ngoại. Vấn đề tiếp theo là thực hiện các thủ tục.

CTCP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (TCM) cho biết cũng rất quan tâm đến việc nới room lên 100% cho NĐT ngoại, vì thực tế, cổ đông nước ngoài đang chiếm cổ phần lớn nhất và điều hành công ty này. TCM đang quan sát cách làm của các công ty khác và sẽ sớm gửi công văn lên cơ quan quản lý thị trường để xin hướng dẫn về việc này. Trong các lĩnh vực kinh doanh của TCM, có ngành nghề khám chữa bệnh với một phòng khám chủ yếu phục vụ nội bộ và cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh cho người dân địa phương cũng như làm công tác xã hội, không có mục đích kinh doanh để tạo lợi nhuận chính. Nếu nới room, rất có thể, TCM sẽ phải chuyển ngành nghề này sang công ty con.

Trên thị trường, với sự hối thúc từ các cổ đông, rất nhiều công ty niêm yết đã bàn về vấn đề nới room trong nội bộ cũng như theo dõi các công ty đi trước để mạnh dạn nới room, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài cũng như tạo thanh khoản cho cổ phiếu. Ngay cả một số công ty mà sở hữu NĐT nước ngoài mới chỉ chiếm một nửa tỷ lệ sở hữu tối đa 49% cũng đang tính đến việc xin nới room vì “nếu được sở hữu cao hơn 49%, rất có thể sẽ được NĐT ngoại quan tâm”.     

Tin bài liên quan