Nỗi lo bước vào “vùng trũng” tăng trưởng

Nỗi lo bước vào “vùng trũng” tăng trưởng

(ĐTCK) Báo cáo mới nhất về tình hình kinh tế Việt Nam vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố nhận định, Việt Nam đang ở trong giai đoạn tăng trưởng chậm dài nhất kể từ khi khởi động công cuộc đổi mới nền kinh tế vào cuối những năm 1980.

Nỗi lo bước vào “vùng trũng” tăng trưởng ảnh 1Điều đầu tiên là phải đo lường được chính xác quy mô nợ xấu trong ngân hàng

 

Ông Deepak Mishra, chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam phân tích, tăng trưởng GDP ở mức 5,25% trong năm 2012 là mức thấp nhất kể từ năm 1998. Nếu như trước giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu, trong khu vực, tăng trưởng của Việt Nam chỉ kém Trung Quốc và trên Indonesia, Philippines là các nước tương đồng về trình độ phát triển, thì trong giai đoạn 2010 - 2013, lần đầu tiên trong hai thập kỷ qua, Việt Nam kém cả 3 nước trên. Với Việt Nam , đây là điều rất đáng lo ngại, vì các quốc gia trên đều có thu nhập bình quân đầu người vượt khá xa và khoảng cách này có nguy cơ doãng ra.

Thực tế cho thấy, tăng trưởng kinh tế chậm lại trong giai đoạn vừa qua xuất phát từ tỷ lệ đầu tư đã và đang giảm sút toàn diện. Cụ thể, tổng đầu tư xã hội giảm còn 29,6% GDP trong quý I/2013, từ mức 38,5% năm 2010. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) nằm dưới mức trung bình 50 điểm trong phần lớn thời gian của năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, biểu thị sức sản xuất giảm sút. Tăng trưởng bán lẻ và dịch vụ (tính giá trị danh nghĩa) đã giảm từ 24% năm 2011 xuống mức 16% năm 2012 và còn 11,9% trong nửa đầu năm 2013. Tỷ trọng FDI trên GDP đạt cao nhất vào năm 2008 với 11,8%, sau đó liên tục giảm xuống và còn 7,7% trong 6 tháng đầu năm 2013.

Ông Deepak nhấn mạnh, những vấn đề trên đã phản ánh một cách đáng lo ngại vào tình hình thu ngân sách nhà nước khiến khả năng chi cho những chương trình kinh tế lớn của Nhà nước gặp khó khăn. Tổng thu ngân sách giảm từ 30% GDP giữa những năm 2000 xuống mức thấp nhất lịch sử 22,8% GDP năm 2012. Nợ nước ngoài vẫn trong tầm kiểm soát vì thặng dư cán cân vãng lai ở mức cao, nhưng nợ trong nước đang gia tăng.

“Việt Nam vẫn có tiềm năng tăng trưởng kinh tế ở mức 7%, nếu có những cải cách về thể chế và chính sách tốt”, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam nói.

Tuy nhiên, tiến trình cải cách cơ cấu kinh tế ở Việt Nam được nhìn nhận còn khá chậm và thiếu quyết liệt. Sự ổn định của khu vực tài chính - ngân hàng vẫn mong manh, tuy những rủi ro hệ thống đã có phần được cải thiện. Do vậy, ông Deepak cho rằng, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và một chính sách tiền tệ thận trọng sẽ góp phần ngăn ngừa và giảm thiểu tổn thương của khu vực này. Việc thành lập Công ty Quản lý tài sản (VAMC) là bước đi cụ thể của Chính phủ trong việc xử lý nợ xấu, tuy nhiên, để xử lý rốt ráo “cục máu đông” này đòi hỏi cách tiếp cận tích cực và dài hạn hơn.

Ông Deepak phân tích thêm, VAMC cần hoạt động dựa theo những thông lệ quốc tế tốt nhất. Điều đầu tiên là phải đo lường được chính xác quy mô nợ xấu trong ngân hàng, từ đó tính toán đến yêu cầu tái cấp vốn cho khu vực này. Bản thân tái cơ cấu khu vực ngân hàng phải dựa trên chi phí của chính nó trước khi sử dụng ngân sách nhà nước, nhưng ở Việt Nam dường như chưa thực hiện theo lộ trình này. Theo cơ chế hiện tại, VAMC cần có một nguồn vốn lớn để hoạt động, nếu lấy từ ngân sách nhà nước là điều khó khăn và triển khai theo hướng này cũng không theo thông lệ quốc tế.

“Tôi muốn nhấn mạnh lần nữa rằng, VAMC cần thiết phải ra đời, nhưng nó phải được vận hành theo những thông lệ tốt trên thế giới thì mới mang lại hiệu quả. Ví dụ, VAMC dự kiến mua lại nợ trên sổ sách, nguyên giá, tuy nhiên thông lệ tốt trên thế giới cho rằng, những khoản nợ này cần mua lại với giá công bằng, giá thị trường, chứ không phải giá vốn…”, bà Victoria nói.

Bên cạnh đó, vấn đề cải cách và cơ cấu lại DNNN kể từ khi Chính phủ phê duyệt chủ trương và lộ trình cải cách đến nay đã 2 năm nay, nhưng vẫn trong quá trình đề ra khung khổ để xử lý và những gì thực hiện được còn hạn chế.

“Việc phân loại DNNN thành các nhóm khác nhau tùy vào năng lực hoạt động cũng như mức độ vốn nhà nước trong DN, hay yêu cầu các DN khối này phải công khai minh bạch tài chính khó có thể thành công, nếu không có một cơ chế điều phối liên ngành hữu hiệu và tăng cường tính minh bạch về cơ chế quản lý”, ông Deepak nói.

Trong khi đó, bà Victoria nhấn mạnh: “Kinh nghiệm từ các nước trên thế giới cho thấy, những cải cách trong khu vực tài chính - ngân hàng, DN sẽ không dễ dàng và mất nhiều thời gian, cụ thể tại Nhật Bản, quá trình xử lý nợ xấu mất tới gần 20 năm. Trong đó, sự tham gia của các nhà đầu tư ngoài khu vực nhà nước, kể cả các đối tác nước ngoài là rất quan trọng. Để tái cơ cấu khu vực tài chính - ngân hàng, khu vực DNNN vốn có nhiều nút thắt tích tụ từ nhiều năm, chỉ riêng nguồn lực nhà nước là không đủ”.