Ôm hàng
Trên thị trường bất động sản hiện nay, mỗi khi có dự án mới ra mắt luôn có đội ngũ bán hàng đông đảo đổ xô ra đường chào bán dự án. Trong đó, có những dự án chỉ khoảng 400 căn hộ, nhưng có tới hàng trăm, thậm chí cả ngàn nhân viên bán hàng.
Hiện nay, mỗi sàn giao dịch thấp nhất cũng phải có 500 nhân viên, còn số lượng nhân viên bán hàng tại một công ty phân phối lên tới cả ngàn nhân viên. Những nhân viên này có thể được công ty trả lương cổ định khoảng 3 - 4 triệu đồng/tháng, nhưng đa phần các công ty không trả lương cho nhân viên kinh doanh. Thu nhập chủ yếu của các nhân viên đến từ hoa hồng bán sản phẩm, nhưng mức hoa hồng cũng chỉ khoảng 0,5 - 1%. Dù vậy, vẫn có rất nhiều người xin làm nhân viên bán hàng bất động sản.
Trong đám nhân viên kinh doanh ở đây toàn dân đại học, thạc sĩ. Ra trường không xin được việc nên rủ nhau đi làm nhân viên bán bất động sản, mà được cái thu nhập khá cao
- Một nhân viên môi giới của sàn HTL
Để tìm hiểu câu trả lời này, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản đã đóng vai xin làm nhân viên kinh doanh cho một sàn giao dịch của Công ty HTL và được các “đàn anh, đàn chị” đi trước chỉ dạy những chiêu bán hàng nhanh và có nhiều tiền.
Nguyễn T.T, 28 tuổi, tốt nghiệp Đại học Nông Lâm TP.HCM có 4 năm kinh nghiệm trong nghề nhân viên kinh doanh bất động sản và trải qua 3 sàn giao dịch, là người được giao hướng dẫn cho phóng viên. T. kể, anh quê Đồng Tháp, ra trường với tấm bằng đại học ngành chăm sóc thú y loại khá, đi xin việc không nơi nào nhận, nên xin đi làm nhân viên kinh doanh
bất động sản.
“Trong đám nhân viên kinh doanh ở đây toàn dân đại học, thạc sĩ. Ra trường không xin được việc nên rủ nhau đi làm nhân viên bán bất động sản, mà được cái thu nhập khá cao. Nếu làm đúng ngành, thu nhập mỗi tháng chỉ khoảng 5 - 7 triệu, còn làm nhân viên bất động sản, mỗi tháng chỉ cần bán 2 căn hộ cũng bỏ túi hơn 10 triệu đồng tiền hoa hồng, đặc biệt dự án ngon ôm hàng vào thì thu nhập cả trăm triệu đồng”, T. nói.
Theo T., có hai dạng phân phối sản phẩm, một là các đơn vị phân phối không phải là chủ đầu tư và dạng thứ hai là nhân viên của sàn giao dịch do chủ đầu tư quản lý.
Đối với những công ty phân phối dự án không phải là chủ đầu tư, đây là những công ty chuyên có nhiệm vụ phân phối lại các sản phẩm của chủ đầu tư uy tín trên thị trường. Sau một thời gian phân phối thành công sản phẩm và được hưởng mức hoa hồng từ các chủ đầu tư thường là từ 3 - 4% tổng giá trị sản phẩm, họ bắt đầu gom các sản phẩm khác về phân phối bằng cách đặt cọc trước một số tiền.
Theo các chuyên gia, việc nhân viên kinh doanh sàn giao dịch bất động sản ôm hàng, kiếm lợi nhuận hàng chục triệu đồng một tháng là có thật
“Chẳng hạn, một dự án chủ đầu tư đưa ra mức giá bình quân 10 triệu đồng/m2 chưa VAT, sàn sẽ gom hết, sau đó bán ra thị trường với mức giá công bố từ 13 - 15 triệu đồng/m2 chưa VAT tùy theo vị trí, diện tích, hướng và đường trước nhà… Chỉ trong thời gian ngắn, đơn vị này bán ra đã lãi từ 3 - 5 triệu đồng/m2. Đây là cách làm siêu lợi nhuận, miễn là có sản phẩm với pháp lý đầy đủ, hạ tầng hoàn chỉnh, vị trí dự án đẹp… Như vậy, chỉ với khoản tiền đặt cọc ứng với 10 - 15% tổng giá trị sản phẩm, đơn vị phân phối này có thể tiếp cận đến những dự án có giá trị lớn”, T. chia sẻ.
Cũng theo T., việc nhân viên bán hàng không được trả lương, hoa hồng thấp, nhưng vẫn có hàng ngàn người tham gia làm, vì những khoản thu khác hấp dẫn. Đơn cử như việc hỗ trợ khách hàng đầu cơ căn hộ có lời, khách hàng sẽ cho thêm. Ngoài ra, cách kiếm tiền chủ yếu nhất của nhân viên kinh doanh là ôm hàng với những dự án đẹp, có giá vừa phải.
Khi chủ đầu tư đưa ra thị trường, các nhân viên kinh doanh này sẽ bỏ tiền túi ra đặt cọc giữ chỗ ôm vài căn hộ, vừa chạy được doanh số, vừa có hàng để đầu cơ với giá tốt nhất. Sau khi dự án mở bán chính thức, giá căn hộ tăng, các nhân viên kinh doanh bắt đầu bung hàng của mình ra bán với lý do khách hàng mua trước trả lại để kiếm tiền chênh lệch.
“Đây là cách phổ biến nhất và lợi nhuận nhất, quan trọng phải có vốn. Nếu cảm thấy dự án không ổn, căn hộ bán chậm thì có thể trả lại căn hộ lấy lại tiền cọc”, T. nói.
Ai chịu thiệt?
Theo các chuyên gia, việc nhân viên kinh doanh sàn giao dịch bất động sản ôm hàng, kiếm lợi nhuận hàng chục triệu đồng một tháng là có thật. Số tiền chênh này khách hàng là người phải chịu, thậm chí cả công ty phát triển dự án cũng chịu thiệt.
Ông Nguyễn Văn Tùng, Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Nam Phố tại quận 7, TP.HCM cho rằng, đây là chiêu phổ biến nhất mà các sàn giao dịch bất động sản vẫn làm. Khi có dự án mới chuẩn bị ra thị trường, các sàn lớn sẽ vào xin tham gia bán, sau đó những sàn này sẽ chia lại số lượng căn hộ cho các sàn nhỏ khác và các sàn nhỏ phải bỏ tiền thực hiện giao dịch đặt cọc giữ chỗ, rồi ôm hàng để bán lại.
“Với cách bán hàng này, dự án dù chưa chính thức mở bán nhưng đã được thông báo hết hàng, tới khi dự án chính thức mở bán, thì các sàn nhỏ và nhân viên kinh doanh bung căn hộ ôm ra bán có tiền chênh lệch. Đó là lý do vì sao chủ đầu tư thông báo hết hàng, nhưng các nhân viên kinh doanh vẫn có hàng bán ra cả năm”, ông Tùng nói.
Ngoài ra, việc nhân viên kinh doanh gom hàng còn tạo ra cơn sốt ảo, gây ảnh hưởng lớn tới thị trường, mà chính Hiệp hội Bất động sản TP.HCM luôn đưa ra cảnh báo, nếu doanh nghiệp bất động sản và lãnh đạo sàn giao dịch không có biện pháp ngăn chặn, thì sẽ tạo ra một thị trường không minh bạch, dễ dẫn tới bong bóng, mà kết cục là chủ đầu tư là người chịu thiệt hại nặng nhất.
Nắm bắt được tình trạng này, đã có nhiều chủ đầu tư thực hiện biện pháp ngăn chặn. Chẳng hạn, Novaland không cho nhân viên hay khách hàng rút tiền cọc đã đặt mua dự án, hay Him Lam Land chỉ cho chuyển giao căn hộ khi đã ra hợp đồng mua bán và đóng 20% giá trị căn hộ… Đây được coi là cách duy nhất triệt được tình trạng nhân viên kinh doanh làm giá thị trường.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com