Những tập đoàn đầu tiên báo lãi nghìn tỷ đồng năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
Thời điểm này, nhiều tập đoàn, tổng công ty ở các lĩnh vực khác nhau công bố ước kết quả kinh doanh với mức lợi nhuận cả nghìn tỷ đồng.

Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS, HoSE: GAS) công bố doanh thu ước trên 100.000 tỷ đồng, mức doanh thu cao nhất lịch sử, vượt 25% kế hoạch năm và tăng 25% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế trên 13.300 tỷ đồng, vượt 89% kế hoạch, tăng 51% so với năm trước. Như vậy bình quân mỗi tháng, PV GAS lãi trên 1.100 tỷ đồng.

Tập đoàn nộp ngân sách Nhà nước trên 7.200 tỷ đồng, vượt 77% kế hoạch, tăng 14% năm trước. Chỉ số ROA đạt trên 14%, ROE trên 22%; tiếp tục duy trì tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt ở mức cao, tương ứng 25%.

Doanh nghiệp "họ” dầu khí khác là Tổng công ty CP Vận tải Dầu khí (PVTrans, HoSE: PVT) cũng tương tự. Doanh thu ước cả năm 2022 đạt 9.150 tỷ đồng, vượt 41% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 1.094 tỷ đồng, vượt 28% kế hoạch. Tổng công ty nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 481 tỷ đồng, vượt 96% kế hoạch.

Lãnh đạo PVTrans cho biết trong bối cảnh giá dầu biến động liên tục do ảnh hưởng của những bất ổn về chính trị - kinh tế, dẫn đến giá mua bán tàu tăng đột biến, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng rõ nét khiến công tác chuẩn bị đầu tư và tìm mua tàu phù hợp đảm bảo hiệu quả dự án đặc biệt khó khăn.

Tuy nhiên, nhờ tranh thủ thời điểm đầu năm khi thị trường chưa biến động nhiều, một số đơn vị thành viên PV Trans có sự chuẩn bị từ cuối năm trước đã nỗ lực hoàn thành đầu tư và đưa vào khai thác 2 tàu chở dầu/hóa chất 13.000 DWT, 2 tàu chở dầu/hóa chất 20.000 DWT, 1 tàu chở hàng rời Supramax và 1 sà lan chở hàng rời 10.000 DWT.

Ngoài ra, PVTrans cũng đã ký hợp đồng thuê bareboat và đưa vào khai thác 1 tàu chở dầu/hóa chất 20.000 DWT, 1 tàu chở LPG 5.000 CBM và 1 tàu chở hàng rời Handysize; bán/thanh lý thu hồi vốn một số tàu già, như tàu PVT Athena, Song Hau. Quy mô và chất lượng tài sản ngày càng cải thiện sẽ đem lại lợi thế cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu phát triển ổn định, bền vững của Công ty trong thời gian tới.

Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) ước năm 2022, doanh thu hợp nhất đạt 19.535 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Lợi nhuận hợp nhất 1.090 tỷ đồng, vượt 15% kế hoạch nhưng giảm 25% so với năm trước.

Năm 2022, tổng nhu cầu thị trường dệt may toàn cầu đạt khoảng 757 tỷ USD, giảm 6% so với năm 2021, cơ cấu đơn hàng nhỏ, giá gia công giảm, giãn thời gian nhận hàng… Trong bối cảnh đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam ước đạt khoảng 44,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm trước.

Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV) công bố tổng doanh thu ước đạt 15.381 tỷ đồng, vượt 49% kế hoạch năm, gấp 2 lần năm trước. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 7.561 tỷ đồng, gấp 4 lần kế hoạch năm và gấp gần 10 lần năm trước.

Lãnh đạo ACV nhận định các chỉ số trên cho thấy ACV đã phục hồi gần như toàn bộ (từ 70% đến 90%) so với thời điểm trước đại dịch. Một số chỉ số như chỉ số sản lượng hành khách nội địa đã tăng 21% so thời điểm trước dịch. Đây là một trong các tín hiệu tích cực về khả năng phục hồi toàn bộ trong năm tới 2023.

Năm 2023, ACV đặt mục tiêu tổng sản lượng phục vụ 116 triệu khách hàng, tăng 18% so với năm trước. Tổng doanh thu đạt 18.414 tỷ đồng, tăng 20%; lợi nhuận trước thuế 8.448 tỷ đồng, tăng 11%.

Đây là năm bản lề trong triển khai thực hiện các dự án trọng điểm của ACV. Tổng công ty sẽ tập trung triển khai khởi công đồng bộ, phần thân nhà ga hành khách, đường cất hạ cánh, đường lăn dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành ngay trong quý I/2022, đảm bảo cuối năm 2023 cơ bản hình thành toàn bộ khung xây dựng của dự án; Hoàn thành toàn bộ phần móng cọc, sàn đáy tầng hầm nhà ga trong quý I/2023 để khởi công phần thân nhà ga hành khách T3 - Cảng HKQT Tân Sơn Nhất; Hoàn thành xây dựng hạng mục đường Cất hạ cánh Cảng hàng không Điện Biên Quý IV/2023; Khởi công Dự án mở rộng nhà ga hành khách T2 - Cảng HKQT Nội Bài.

Tin bài liên quan