Số vụ việc tranh chấp về bảo hiểm khoản vay không hề nhỏ

Số vụ việc tranh chấp về bảo hiểm khoản vay không hề nhỏ

Những lưu ý về bảo hiểm khoản vay

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bảo hiểm khoản vay là cần thiết xuất phát từ nhu cầu vay vốn tại các ngân hàng, do đó người vay cần lưu ý khi tham gia hợp đồng này.

Từ vụ ABIC thắng kiện

Theo đơn khiếu kiện, ngày 9/10/2018, ông Nguyễn A có vay của Agribank số tiền 100 triệu đồng để chăn nuôi bò sinh sản, thời hạn vay 60 tháng, lãi suất 10%/năm, trả lãi hàng tháng, trả gốc chia theo kỳ.

Cùng ngày, ông A đã mua bảo hiểm tín dụng cho khoản vay này tại Công ty cổ phần Bảo hiểm Agribank (ABIC) với mức phí 630.000 đồng, thời hạn bảo hiểm từ 9/10/2018 đến 9/10/2019, phạm vi (điều kiện) hưởng bảo hiểm “tử vong do bệnh tật kể từ thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm và trong thời hạn bảo hiểm”. Nếu xảy ra sự kiện pháp lý này, số tiền bảo hiểm theo quyền lợi cơ bản là 70 triệu đồng.

Ngày 26/3/2019, ông Nguyễn A tử vong. Tới ngày 22/8/2019, ABIC chi trả tiền bảo hiểm là 31,814 triệu đồng; trừ vào số tiền gốc là 26.930.221 đồng và tiền lãi là 4.884.779 đồng.

Theo quy tắc bảo hiểm, ông A thuộc trường hợp “bị các bệnh lý khác ngoài quy định trên nên ABIC phải chi trả 100% số tiền bảo hiểm theo quyền lợi cơ bản là 70 triệu đồng, nên quyền lợi của người mua bảo hiểm còn được hưởng 38,186 triệu đồng. Vì vậy, bên thụ hưởng yêu cầu tòa án giải quyết buộc ABIC trả số tiền 41.989.325 đồng, trong đó tiền bảo hiểm theo quyền lợi cơ bản là 38.186.000 đồng, tiền lãi do chậm thanh toán từ ngày 22/8 2019 đến ngày 22/8/2020 là 3.803.325 đồng.

Phía ABIC cho rằng, theo quy tắc bảo hiểm bảo an tín dụng, trường hợp của khách hàng bị tử vong do bệnh ung thư máu không được điều trị trong vòng 2 năm trước ngày mua bảo hiểm nên Công ty chỉ chi trả 50% số tiền bảo hiểm theo quyền lợi bảo hiểm cơ bản, cụ thể ở đây là 35 triệu đồng (50% số tiền bảo hiểm theo quyền lợi cơ bản); quyền lợi bảo hiểm lãi vay là 350.000 đồng; giảm trừ bảo hiểm (10%) là 3.535.000 đồng (ông A chết ngày 26/3/2019, ngày ABIC nhận được giấy yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm bảo an tín dụng bằng văn bản là ngày 15/7/2019, quá 30 ngày theo quy định, nên ABIC áp dụng giảm trừ 10% quyền lợi bảo hiểm cơ bản và quyền lợi lãi vay); chi mai táng phí là 1 triệu đồng; tổng số tiền chi trả là 32.815.000 đồng.

“Do đó, việc Công ty chi trả cho gia đình người được bảo hiểm như trên là đúng quy tắc, điều khoản giao kết. Công ty không đồng tình với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn”, phía ABIC lập luận.

Ngày 24/9/2022, tại phiên xét xử sơ thẩm, Tòa án nhân dân thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi tuyên khách hàng thua kiện.

Không đồng tình, đến ngày 7/10/2022, khách hàng có đơn kháng cáo, yêu cầu tòa án phúc thẩm giải quyết sửa bản án sơ thẩm, buộc ABIC trả 100% số tiền bảo hiểm theo quyền lợi cơ bản cho khách hàng. Ngoài ra, việc ABIC giảm trừ 10% vì lý do bên yêu cầu chi trả bảo hiểm quá 30 ngày kể từ ngày phát sinh quyền lợi bảo hiểm là không đúng sự thật. Việc chậm trễ xuất phát từ ABIC, nên đề nghị Công ty chi toàn bộ quyền lợi bảo hiểm, không trừ 10% do chậm trễ.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 15/2/2023, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, ông A tham gia bảo hiểm ngày 9/10/2018 và đến ngày 26/3/2019 thì tử vong, tức là thời gian tham gia mới được 5 tháng 17 ngày, chưa đủ 2 năm và nguyên nhân ông A chết vì bệnh lý ung thư, nên ABIC chi trả 50% quyền lợi bảo hiểm cơ bản là đúng theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm. Với nhận định này, Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, khách hàng thua kiện.

Cần lưu ý gì khi mua bảo hiểm khoản vay?

Hợp đồng bảo hiểm tiền gửi là một dạng bảo hiểm để đảm bảo cho người vay có thể trả được nợ khi không may trong thời gian vay vốn xảy ra sự cố không mong muốn hoặc có thể bị tử vong trong thời gian hợp đồng còn hiệu lực, nên đây là một loại bảo hiểm nhân văn và cần thiết bởi có thể bảo vệ cả bên vay và bên cho vay.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào mua bảo hiểm khoản vay cũng đều được chi trả bảo hiểm. Các doanh nghiệp bảo hiểm khi xem xét giải quyết bồi thường bảo hiểm thường căn cứ vào việc khách hàng có kê khai trung thực hay không, có mắc bệnh trước khi tham gia bảo hiểm hay không, có từng khám chữa bệnh tại các bệnh viện hay không…

Ngoài ra, sau khi nhận được hợp đồng bảo hiểm khách hàng có thời gian cân nhắc là 21 ngày. Trong thời gian này, nếu thấy sản phẩm không phù hợp, khách hàng có quyền yêu cầu huỷ bộ hợp đồng đã ký và yêu cầu hoàn phí. Do đó, để bảo vệ quyền lợi của mình, khách hàng cần phải đọc kỹ các điều khoản, điểm nào chưa hiểu cần đề nghị đại lý tư vấn rõ để không rơi vào trường hợp tư vấn không rõ ràng và không hiểu về sản phẩm bảo hiểm.

Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại hình bảo hiểm khoản vay (hay còn gọi là bảo hiểm tín dụng) được cung cấp bởi cả 2 khối doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lẫn nhân thọ. Người vay có quyền tự chọn công ty bảo hiểm để mua bảo hiểm khoản vay, nhưng thông thường sẽ do ngân hàng cho vay chỉ định. Bởi thế, tại Việt Nam, các công ty bảo hiểm có công ty mẹ là ngân hàng sẽ có lợi thế hơn so với các công ty bảo hiểm khác trong mảng này.

Khi vay vốn tại ngân hàng, bên vay sẽ phải chi trả một khoản phí bảo hiểm nhất định cho khoản vay đó. Mức phí đóng được tính theo quy định và sự thỏa thuận giữa công ty bảo hiểm và khách hàng, thường vào khoảng 6% tổng số tiền vay. Khoản phí này sẽ được cộng vào số tiền nợ gốc để thanh toán hoặc trừ thẳng vào số tiền giải ngân. Chẳng hạn, nếu vay ngân hàng 70 triệu đồng và mức bảo hiểm là 6% thì phí bảo hiểm khoản vay là 4,2 triệu đồng.

Trong các công ty bảo hiểm triển khai bảo hiểm khoản vay trên thị trường, ABIC được coi là có nhiều lợi thế nhờ hệ thống khách hàng đông đảo chủ yếu là người nông dân vay qua ngân hàng mẹ Agribank. Đặc biệt, sản phẩm Bảo an tín dụng được ABIC đánh giá là sản phẩm mang lại nguồn thu lớn cho Công ty qua kênh phân phối với Agribank.

Ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị ABIC cho biết, những năm qua, doanh thu kênh bancassurance (phân phối bảo hiểm qua ngân hàng) của Công ty đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 15%/năm, chiếm từ 70-80% tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn Công ty. Đến nay, đã có 3 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ Agribank được bảo hiểm và gần 2 triệu khách hàng (phần lớn là nông dân, ngư dân…) tham gia bảo an tín dụng. Doanh thu phí bảo hiểm của ABIC năm 2022 là 2.118 tỷ đồng, trong đó riêng kênh bancassurance đạt 1.606 tỷ đồng.

Thực tế, ngân hàng ngoài được bảo hiểm bù đắp khoản nợ nếu người vay không may tử vong hoặc mất khả năng trả nợ, thì còn được hưởng một phần hoa hồng từ doanh thu phí bảo hiểm của các công ty bảo hiểm. Tuy nhiên, theo đại diện Prudential Việt Nam, không phải tất cả các trường hợp vay vốn tại ngân hàng đều cần mua bảo hiểm, nếu khách hàng có sẵn một khoản tiết kiệm dự phòng đủ để chi trả các khoản vay trong trường hợp xảy ra sự cố thì không cần phải mua thêm bảo hiểm khoản vay.

Vụ việc tại ABIC chỉ là 1 trong 52 vụ tranh chấp về bảo hiểm được tòa án thụ lý và đã có bản án dựa trên thống kê từ website https://congbobanan.toaan.gov.vn của Tòa án nhân dân Tối cao và các vụ án tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm do Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt hỗ trợ khách hàng trong năm 2023, do ông Lương Văn Ban - Thư ký Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt tổng hợp. Nếu tính cả những vụ việc đôi bên tự giải quyết, chưa khởi kiện ra tòa án, số vụ tranh chấp liên quan tới bảo hiểm khoản vay có thể lớn hơn nhiều.

Theo ông Ban, khách hàng cần cân nhắc khi mua bảo hiểm khoản vay của công ty bảo hiểm liên kết với ngân hàng mình vay tiền, bởi ngân hàng và công ty bảo hiểm liên kết thường bảo vệ quyền lợi của nhau, khi xảy ra sự kiện bảo hiểm sẽ khó tránh việc chậm trễ trong phối hợp giải quyết, đùn đẩy trách nhiệm.

Tin bài liên quan