Những câu hỏi quanh phương án tăng vốn của DHT

Những câu hỏi quanh phương án tăng vốn của DHT

(ĐTCK-online) Ngày 10/6/2010, Sở GDCK Hà Nội đăng thông báo CTCP Dược Hà Tây (DHT) mua 400.000 cổ phiếu quỹ trong thời gian từ 26/6/2010 đến 9/9/2010. Trong khi quá trình mua cổ phiếu quỹ mới ở giai đoạn đầu thực hiện thì vào đầu tháng 7, DHT lại công bố phương án tăng vốn.

Ngày 10/6/2010, Sở GDCK Hà Nội đăng thông báo CTCP Dược Hà Tây (DHT) mua 400.000 cổ phiếu quỹ trong thời gian từ 26/6/2010 đến 9/9/2010. Trong khi quá trình mua cổ phiếu quỹ mới ở giai đoạn đầu thực hiện thì vào đầu tháng 7, DHT lại công bố phương án tăng vốn theo Nghị quyết của HĐQT, dự kiến thực hiện trong quý III/2010. Một số cổ đông lớn của DHT đã có những phản ứng về 2 quyết định trên và cho rằng, đó là những động thái "mang tính làm giá" (trích từ phản ánh của một cổ đông). Về mặt pháp lý, nếu căn cứ theo Thông tư 18/2007/TT-BTC hướng dẫn việc mua, bán lại cổ phiếu và một số trường hợp phát hành thêm cổ phiếu của công ty đại chúng do Bộ Tài chính ban hành thì cả 2 hành động trên của HĐQT Dược Hà Tây không khỏi khiến dư luận thắc mắc.

Hai động thái chạm "đèn vàng"

Theo quy định tại Thông tư 18, DN sẽ phải có nghị quyết của ĐHCĐ nếu thực hiện mua cổ phiếu quỹ với số lượng chiếm từ 10-30% vốn điều lệ. Tại Dược Hà Tây, việc đăng ký mua 400.000 cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ, quyền quyết định mua vẫn thuộc HĐQT, bởi tỷ lệ mua chỉ là 9,7% - một con số mấp mé mức phải xin ý kiến Đại hội đồng cổ đông. Chưa hết, ngày bắt đầu cho đợt mua lại cổ phiếu được HĐQT xác định là 26/6/2010, tức là chỉ trước 3 ngày so với thời điểm cổ đông lớn của Dược Hà Tây là CTCP Dược Viễn Đông chính thức công bố lời chào mua công khai hơn 200.000 cổ phiếu DHT để nâng tỷ lệ sở hữu từ 25,7% lên đến 30% tại Dược Hà Tây. Theo quy định tại Thông tư 18 thì DN không được thực hiện chào mua cổ phiếu của chính mình trong trường hợp cổ phiếu của DN đang là đối tượng chào mua công khai. Tuy nhiên, cả 2 động thái trên của Dược Hà Tây đều mới ở ngưỡng nhạy cảm - "đèn vàng", mà chưa đến mức trái quy định pháp luật.

 

Mua cổ phiếu quỹ khi cần bổ sung vốn kinh doanh, có hợp lý?

Trong tài liệu gửi các cổ đông về phương án phát hành, HĐQT Dược Hà Tây đề cập đến nhu cầu cần một lượng vốn lớn để bổ sung vốn lưu động, đầu tư mở rộng sản xuất và đầu tư bất động sản. Điều đáng nói là phương án huy động vốn này được công bố chỉ sau vài ngày kể từ ngày Công ty bắt đầu thời hạn mua cổ phiếu quỹ - một động thái phải dùng vốn nội lực của DN để thay đổi cán cân cung - cầu cổ phiếu DHT trên thị trường. Hành động mua cổ phiếu quỹ thường được các DN sử dụng khi rơi vào một trong hai tình huống: hoặc giá cổ phiếu của DN bị thị trường định giá quá thấp, hoặc DN đang thừa vốn kinh doanh và muốn giảm lượng cổ phiếu lưu hành. Điều này khiến thị trường phải đặt ra câu hỏi: việc công bố mua cổ phiếu quỹ trong bối cảnh Dược Hà Tây rất cần lượng vốn đầu tư lớn có "động tác giả" để tác động đến giá cổ phiếu hay không? Trong Công văn của cổ đông lớn là CTCP Dược Viễn Đông gửi Dược Hà Tây ngày 5/7 có đoạn: "hành vi HĐQT đăng tin mua cổ phiếu quỹ làm cho giá tăng cao sau đó lại tăng vốn điều lệ để bán cổ phiếu rất có thể bị xem xét là một kiểu làm giá… Để bảo vệ uy tín cho DHT, chúng tôi đề nghị HĐQT Công ty ra nghị quyết hủy bỏ nghị quyết của HĐQT về việc phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ".

 

Cổ đông lớn bức xúc quanh việc DHT mua cổ phiếu quỹ

Trong công văn gửi Dược Hà Tây ngày 26/6/2010 về việc đề nghị dừng mua cổ phiếu quỹ, nhóm cổ đông sở hữu trên 51% tại Dược Hà Tây cho rằng: "Quyết định mua cổ phiếu quỹ của HĐQT Dược Hà Tây ở giá hiện tại là một quyết định không hợp lý và làm giảm giá trị tài sản của Công ty". Mức thiệt hại theo nhóm cổ đông này tính toán, có thể lên tới trên 11 tỷ đồng.

Theo lý giải của nhóm cổ đông này, hiện tại chỉ số P/E trung bình của ngành dược là 8 lần. Với giá giao dịch của cổ phiếu DHT ngày 25/6/2010 là 59.200 đồng thì chỉ số P/E của DHT là 16,98 lần, đồng nghĩa với giá cổ phiếu DHT đang cao hơn so với mức bình quân chung của ngành đến 2 lần. Nếu Dược Hà Tây thực hiện mua toàn bộ 400.000 cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ theo đúng quyết định của HĐQT trong thời điểm chỉ số P/E là 16,98 lần thì số tiền Dược Hà Tây phải chi ra là 23,68 tỷ đồng. "Chúng ta cũng biết rất rõ hiện tại kết quả kinh doanh năm 2010 đang có dấu hiệu đi xuống, đồng nghĩa với việc vào cuối năm giá cổ phiếu của DHT chỉ còn thấp hơn 30.000 đồng/CP (tính theo P/E bình quân là 8 lần), vậy quyết định này của HĐQT nếu được thực thi sẽ làm thất thoát trên 11 tỷ đồng tài sản của Công ty", nhóm cổ đông trên viết.

Vào lúc này, việc mua cổ phiếu quỹ của Dược Hà Tây vẫn đang trong giai đoạn thực hiện, còn phương án tăng vốn điều lệ của HĐQT cũng đang chuẩn bị trình ĐHCĐ xin ý kiến. Với những vấn đề khúc mắc như trên, liệu phương án tăng vốn của Dược Hà Tây có thực thi được hay không, vẫn còn là câu hỏi ngỏ. Trong phương án tăng vốn này, ngoài dự kiến phát hành 3,9 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (theo hình thức thưởng), HĐQT Dược Hà Tây dự kiến sẽ dành 4 triệu cổ phiếu bán cho đối tác chiến lược ở giá 15.000 đồng. Tại sao HĐQT lại quyết giá bán cho cổ đông chiến lược giá 15.000 đồng trong khi bản thân Công ty đang thực hiện mua cổ phiếu của chính mình ở giá cao hơn rất nhiều? Đó cũng là một câu hỏi mà HĐQT Dược Hà Tây phải có câu trả lời thoả đáng nếu muốn nhận được sự đồng thuận của cổ đông trong phương án tăng vốn.