Lợi nhuận 2019 tăng trưởng tới 24%
Nhựa Tiền Phong vừa có một năm kinh doanh rất thành công, với doanh thu hợp nhất gần 4.800 tỷ đồng, tăng 5,95% (tương ứng tăng 268,8 tỷ đồng); lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 471,2 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2018. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận trong bối cảnh sức ép cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt.
Thành công này, theo lãnh đạo Công ty, là nhờ chiến lược kinh doanh với sự chuyển hướng rất đúng đắn khi mở mang những thị trường tiềm năng mới. Cùng với đó là chính sách sản xuất, bán hàng hợp lý, cũng như tiết giảm tốt các chi phí để đạt được sự tăng trưởng.
Cụ thể hơn, nhờ dự đoán được diễn biến giá nguyên liệu nên Nhựa Tiền Phong đã có sẵn nguồn nguyên liệu dự trữ. Hơn nữa, Công ty đã chủ động trong việc tìm và mua nguyên liệu từ nhiều nguồn khác nhau nên đã mua được giá nguyên vật liệu phù hợp góp phần vào tăng trưởng của lợi nhuận.
Mặt khác, để dành nguồn lực gia tăng quyền lợi, chăm sóc tốt cho các nhà phân phối, khách hàng, cũng như đảm bảo thu nhập cho người lao động, Công ty đã chủ động tiết giảm chi phí quản lý.
Năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp, mức chi phí này được giảm. Con số này lần lượt từ năm 2016 đến nay là: 193,4 - 181,7 - 148,1 - 135,9 tỷ đồng.
Chi phí này giảm mạnh kể từ năm 2018 trở lại đây. Điều này cho thấy chiến lược tái cơ cấu bộ máy, cách thức quản trị công ty của Ban lãnh đạo đã mang lại hiệu quả thực sự.
Vì thế, dù nguồn lực tài chính cho chi phí bán hàng, chi phí nhân công, chi phí khấu hao tài sản, chi phí cho hệ thống phân phối đều tăng so với năm 2018, nhưng về tổng thể, kết quả kinh doanh của Công ty vẫn đạt được sự tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận.
Một điểm nhấn nữa khi nói về kết quả kinh doanh năm 2019 của Nhựa Tiền Phong chính là nợ phải trả giảm mạnh từ 2.623,7 tỷ đồng ở thời điểm đầu năm xuống còn 1.984,9 tỷ đồng.
Theo đó, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu giảm từ mức 1,16% vào cuối năm 2018 xuống còn 0,77% vào cuối năm 2019 và tỷ lệ nợ/tổng tài sản đã giảm xuống dưới 0,5%. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu tiếp tục tăng, từ 2.252,5 tỷ đồng lên 2.567,4 tỷ đồng.
Tiền mặt và các khoản tương đương tiền của Công ty năm 2019 đã tăng trưởng trở lại, từ 83,1 tỷ đồng vào cuối năm 2018 lên 297 tỷ đồng vào cuối năm 2019 (tăng 257,4%) và tăng gấp 2,2 lần so với năm 2017.
Điều này phản ánh sức khoẻ tài chính an toàn của Nhựa Tiền Phong, đặc biệt khi Công ty đã chuyển sang tự tài trợ chủ yếu bằng vốn chủ sở hữu thay vì nợ như trước kia.
Quy mô tổng tài sản của Nhựa Tiền Phong tiếp tục giữ vị trí đứng đầu trong các doanh nghiệp nhựa xây dựng niêm yết (hơn 4.552 tỷ đồng vào cuối năm 2019).
Giữ lợi thế cạnh tranh tốt so với doanh nghiệp cùng ngành
Nhựa Tiền Phong liên tục cải tiến công nghệ, đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại tự động hoá để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Với quy mô doanh thu gần 4.800 tỷ đồng, Nhựa Tiền Phong đang là doanh nghiệp chiếm giữ thị phần doanh thu lớn nhất trong lĩnh vực ống nhựa cấp thoát, xây dựng.
Sau 60 năm xây dựng và phát triển, Công ty đang sở hữu 3 khu vực sản xuất trên toàn quốc với tổng công suất thiết kế lên đến 190.000 tấn/năm - lớn nhất so với các doanh nghiệp cùng ngành.
Nhựa Tiền Phong còn có hệ thống phân phối lớn nhất trong các doanh nghiệp ống nhựa với 9 trung tâm phân phối, gần 400 nhà phân phối và khoảng hơn 16.000 cửa hàng trên toàn quốc.
Với sự nhạy bén trong kinh doanh và sự tiên phong vốn có, Nhựa Tiền Phong đã mở rộng lĩnh vực hoạt động sang ngành khác.
Cụ thể, cuối năm 2018, sự hợp tác toàn diện với Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú - doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nuôi tôm, đã mở ra cơ hội thâm nhập thị trường mới - thị trường nuôi trồng thủy hải sản. Điều này không chỉ giúp gia tăng về doanh thu, lợi nhuận mà còn nâng cao giá trị thương hiệu Nhựa Tiền Phong.
Quý đầu năm nay, dù đại dịchCovid-19 tác động mạnh tới nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, nhưng do triển khai tốt công tác phòng chống dịch nên việc sản xuất của Nhựa Tiền Phong vẫn được duy trì ổn định.
Mặc khác, do chiến lược đa dạng hóa nguồn cung, nên Công ty không bị lệ thuộc vào một nguồn cung cấp nguyên liệu cố định nào.
Nhờ vậy mà Nhựa Tiền Phong nhập được nguồn nguyên liệu với giá tốt. Lợi thế này được thể hiện rõ khi kết quả kinh doanh quý I của công ty mẹ (doanh thu thuần) dù giảm 9% do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng lợi nhuận sau thuế lại tăng đến 15,54%.
“Việc Nhựa Tiền Phong giữ được cổ phần chi phối trong tay người Việt đã giúp vấn đề quản trị công ty được ổn định, không vấp phải sự thay đổi trong tư duy quản trị cũng như chiến lược kinh doanh. Đặc biệt, Nhựa Tiền Phong giữ được sự đoàn kết, thống nhất nội bộ để dành được nguồn lực, thời gian và công sức cho việc thực hiện mục tiêu chung của Công ty”, ông Chu Văn Phương, Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Nhựa Tiền Phong khẳng định.
Hơn nữa, Nhựa Tiền Phong cũng luôn xác định không chạy theo chiến lược cạnh tranh về giá. Vậy nên, Công ty vẫn kiên trì không tham gia vào cuộc cạnh tranh chiết khấu, mà tập trung cho chất lượng sản phẩm và dịch vụ chăm sóc khách hàng.
“Chúng tôi tin, chiến lược này mang lại sự tăng trưởng bền vững cho công ty. Chất lượng cao thì giá không thể quá thấp được, chúng tôi luôn cân đối để mang lại giá thành hợp lý nhất cho người tiêu dùng Việt và thị phần được giữ vững đã thể hiện sự tin tưởng của khách hàng đối với sản phẩm Nhựa Tiền Phong”, ông Phương cho biết.
Năm qua, Nhựa Tiền Phong đã cho ra mắt thị trường nhiều dòng sản phẩm mới với nhiều tính năng hữu ích hơn cho người tiêu dùng như ống gân sóng PE/PP hai lớp sản xuất trên dây chuyền Unicor - Đức; ống nhựa xoắn HDPE 1 lớp luồn cáp điện sản xuất trên dây chuyền Corma - Canada, ống uPVC lõi xoắn và phụ kiện thoát nước nhà cao tầng; phụ tùng hàn điện trở; van zắcco và hố ga nhựa theo công nghệ Nhật Bản.
Những lợi thế này sẽ giúp Nhựa Tiền Phong thuận lợi trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh, tìm kiếm và hợp tác với nhiều đối tác lớn hơn nhằm thực hiện thành công mục tiêu doanh thu là 5.100 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 470 tỷ đồng trong năm 2020.
Dư địa phát triển còn rất lớn
Hiện Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, đời sống kinh tế - xã hội dần ổn định trở lại. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng.
Một trong những giải pháp kích thích kinh tế được Chính phủ đặt ra cho năm nay là tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Mục tiêu của Chính phủ là trong năm 2020, cả nước phải giải ngân hết hơn 700.000 tỷ đồng vốn. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, trong đó có Nhựa Tiền Phong.
Ở góc độ khác, Việt Nam đang có 12 FTA có hiệu lực, 1 FTA đã ký là EVFTA và 3 FTA đang đàm phán.
Trong đó, EVFTA được kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng ngành thủy sản của Việt Nam. Do đó, nhiều doanh nghiệp như Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã và đang thực hiện kế hoạch nâng cao năng suất và chất lượng tôm xuất khẩu.
Đây chính là cơ hội lớn cho Nhựa Tiền Phong tăng sản lượng và doanh thu. Hiện ngoài Minh Phú còn có một số công ty thủy sản khác đã và đang hợp tác với Nhựa Tiền Phong như Đồng Tâm, Tôm Việt Úc, Nam Việt, NG…
Bên cạnh đó, khi phân tích thị trường, Ban lãnh đạo Công ty còn nhận thấy cơ hội khác lớn hơn, đó chính là mục tiêu xây dựng Việt Nam đến năm 2030 trở thành nước công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Chính phủ.
Điều này sẽ mở ra rất nhiều hướng phát triển cho Nhựa Tiền Phong nói riêng và ngành nhựa Việt Nam nói chung. Hay nói cách khác, dư địa phát triển của Nhựa Tiền Phong vẫn còn rất lớn.