Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

(ĐTCK) Thị trường đã có một tuần giao dịch bùng nổ khi VN-Index liên tiếp lập đỉnh mới cùng thanh khoản cải thiện tích cực. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định thị trường của một số công ty chứng khoán trong tuần vừa qua.

* Phiên giao dịch đầu tuần 6/11: Mặc dù thị trường diễn biến khá rung lắc nhưng nhóm cổ phiếu VN30 đã làm tốt nhiệm vụ nâng đỡ thị trường, giúp VN-Index tiếp tục duy trì sắc xanh trong phiên sáng đầu tuần.

Diễn biến tương tự khi bước vào phiên chiều bởi lực bán khá mạnh tại ROS, NVL, PLX, tuy nhiên cũng rất nhanh chóng sau đó, VN-Index đã tăng vọt trở lại và đóng cửa ở mức cao nhất ngày nhờ sự hỗ trợ tích cực từ các mã lớn khác như VNM, VCB, BID, CTG, GAS…, cũng như hàng trăm mã lớn nhỏ khác.

Đóng cửa, VN-Index tăng 5,36 điểm (+0,64%), lên 849,09 điểm, HNX-Index tăng 0,73 điểm (+0,7%), lên 105,09 điểm, UPCoM-Index tăng 0,51 điểm (+0,97%), lên 53,3 điểm.

Về phần các Dự, mặc dù thị trường đã có phiên khởi sắc với mức tăng hơn 10 điểm trong phiên cuối tuần trước (ngày 3/11) nhưng hầu hết các công ty chứng khoán vẫn chưa tin tưởng vào xu hướng tăng của thị trường. Vì vậy, nhiều công ty chứng khoán như BVSC, BSC, FPTS đều khuyến nghị nhà đầu tư nên hạn chế lướt sóng và chờ đợi tín hiệu xu hướng rõ ràng hơn.

Trong khi đó, SHS nhận định đúng về xu hướng tăng của thị trường nhưng đặt kỳ vọng khá cao khi cho rằng VN-Index có thể duy trì đà tăng để thử thách lại ngưỡng kháng cự tương ứng với đỉnh ngắn hạn tại 850 điểm nhờ lực kéo ở nhóm vốn hóa lớn.

* Sang phiên giao dịch ngày 7/11: Giá dầu thô tăng mạnh lên mức cao nhất 2 năm rưỡi, giúp nhóm cổ phiếu dầu khí sáng nay khởi sắc, góp phần kéo VN-Index chính thức vượt qua ngưỡng 850 điểm, thiết lập đỉnh cao mới hơn 9 năm.

Tuy nhiên, áp lực bán gia tăng ồ ạt trong phiên chiều khiến VN-Index lao mạnh xuống dưới tham chiếu và chỉ có may mắn trong ít phút cuối phiên, chỉ số này mới thoát khỏi sắc đỏ trong phiên giao dịch hôm nay.

Đóng cửa, VN-Index tăng 1,24 điểm (+0,15%), lên 850,33 điểm, HNX-Index giảm 0,26 điểm (-0,25%) về 104,83 điểm, UPCoM-Index giảm 0,14 điểm (-0,27%) về 53,16 điểm.

Các công ty chứng khoán như BVSC, MBS, BSC, MSI đã nhận định đúng về xu hướng thị trường khi dự báo VN-Index sẽ kiểm định lại mốc 850 điểm.

Trong đó, quan điểm của SHS khá chuẩn xác khi dự báo phiên 7/11, áp lực chốt lời trên toàn thị trường sẽ tăng lên, nhất là ở nhóm cổ phiếu đã tăng mạnh. Tuy nhiên, VN-Index vẫn có thể duy trì đà tăng để chỉ số chính thức vượt mốc 850 điểm.

Trái lại, PHS nhận định áp lực bán có thể sẽ xuất hiện trong phiên giao dịch ngày 7/11 khi lượng hàng T+3 của ngày giảm điểm sâu về tài khoản. Do đó, thị trường có thể sẽ chứng kiến 1 phiên giảm điểm trở lại.

* Trong phiên giao dịch 8/11: Sau 2 lần thử sức thất bại, VN-Index đã chính thức chinh phục thành công ngưỡng 855 điểm trong phiên hôm nay, thậm chí nếu không có sự sụt giảm mạnh của SAB và ROS, chỉ số này đã án ngữ trên mốc 860 điểm khi đóng cửa phiên hôm nay.

Đóng cửa,VN-Index tăng 9,37 điểm (+1,1%) lên 859,7 điểm, HNX-Index tăng 0,91 điểm (+0,87%) lên 105,74 điểm, UPCoM-Index giảm 0,22 điểm (-0,42%) xuống 52,94 điểm.

PHS đã đưa ra dự báo đúng về xu hướng thị trường khi cho rằng, VN-index hoàn toàn có thể tiến lên các ngưỡng cao hơn nhờ vào sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu trụ cột.

Cũng có nhận định đúng về xu hướng tăng điểm của thị trường nhưng quan điểm của SHS còn khá thận trọng khi cho rằng VN-Index hướng đến mốc 855 điểm.

Trái lại, MSI nhận định trong phiên này, VN-Index có khả năng rung lắc mạnh quanh ngưỡng 850 điểm, rủi ro ngắn hạn tiếp tục có dấu hiệu gia tăng, cơ hội kiếm lời hiện tại là khá khó khăn.

* Đến phiên giao dịch 9/11: Lực cầu tham gia tích cực giúp VN-Index tiếp tục bứt phá để hướng tới chinh phục ngưỡng cản tiếp theo 865 điểm trong phiên sáng.

Tuy nhiên, áp lực chốt lời diễn ra khá mạnh và dứt khoát ngay từ đầu phiên chiều, đẩy VN-Index lùi mạnh và chỉ có may mắn với giúp chỉ số này tránh được phiên giảm điểm hôm nay.

Đóng cửa, VN-Index tăng 0,7 điểm (+0,08%) lên 860,4 điểm, HNX-Index giảm 0,23 điểm (-0,22%) về 105,51 điểm, UPCoM-Index giảm 0,2 điểm (-0,37%) về 52,74 điểm.

BVSC đưa ra nhận định khá đúng khi cho rằng xu hướng tăng điểm bền vững trong trung hạn chưa đủ điều kiện được xác nhận. Áp lực chốt lời có thể nhanh chóng quay trở lại ở vùng giá cao.

Bên cạnh đó, FPTS dự báo sau phiên tăng mạnh ngày 8/11, tín hiệu kỹ thuật đã tăng cường cảnh báo đối với khả năng của nhịp điều chỉnh kỹ thuật.

Mặt khác, hầu hết các công ty chứng khoán như PHS, BSC đặt kỳ vọng khá cao khi cho rằng chỉ số có thể tiếp tục đi lên dưới sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu largecap và VN-Index sẽ tiếp tục hướng đến những mốc cao mới.

Ở phiên giao dịch cuối tuần ngày 10/11: Dù có chút thận trọng và lo ngại rủi ro khi bước vào phiên giao dịch cuối tuần sau chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp, nhưng thị trường đã nhanh chóng lấy lại sắc xanh nhờ dòng tiền nhập cuộc khá tích cực.

Bước sang phiên chiều, nhóm cổ phiếu bluechip với điểm tựa vững chắc VNM với mức tăng kịch trần, đã giúp thị trường duy trì đà tăng ổn định và chỉ số VN-Index tiếp tục phá đỉnh mới.

Đóng cửa, VN-Index tăng 7,81 điểm (+0,91%) lên 868,21 điểm, HNX-Index tăng 0,51 điểm (+0,48%) lên 106,37 điểm, UPCoM-Index tăng nhẹ 0,06 điểm (+0,11%) lên 52,84 điểm.

Các công ty chứng khoán như MSI, MBS đều không dám kỳ vọng thị trường tiếp tục lên cao và chủ yếu dự báo VN-Index có thể rung lắc quanh ngưỡng tâm lý 860 điểm.

Trong khi đó, BVSC, SHS và PHS đã đưa ra nhận định trái ngược với xu hướng khi dự báo thị trường đang phát ra tín hiệu khá yếu và có thể sẽ bước vào một đợt điều chỉnh.

Tin bài liên quan