Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

(ĐTCK) Diễn biến thị trường tuần qua cho thấy tâm lý chung của nhà đầu tư vẫn chưa thực sự ổn định. Tuy nhiên, việc khối ngoại đã mua ròng trở lại dự báo sẽ giúp nhà đầu tư tự tin hơn trong giai đoạn tới. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định thị trường của một số công ty chứng khoán ở tuần vừa qua.

Tại phiên giao dịch đầu tuần mới 30/3, dù còn giữ thái độ thận trọng, nhưng lực cung giá thấp đã được tiết giảm, giúp VN-Index có sắc xanh ngay khi mở cửa với mức tăng 0,06%, hoạt động giao dịch khá èo uột. Đà tăng này được nới rộng dần với lực đẩy đến từ các mã đặt kế hoạch kinh doanh và cổ tức khủng được săn đón, nhất là ở nhóm cổ phiếu bất động sản.

Trong khi đó, trên HNX, dù khởi đầu phiên không mấy khả quan, nhưng sau khi tín hiệu tích cực được phát ra trên sàn HOSE, HNX-Index cũng đã đảo chiều tăng điểm.

khi VN-Index vừa qua 554 điểm và HNX-Index tiến gần 83 điểm, lực bán giá thấp lại được tung vào, kéo cả 2 chỉ số này quay đầu. Trong khi HNX-Index may mắn giữ được sắc xanh, thì VN-Index lại đóng cửa trong sắc đỏ.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 0,19% về 550,35 điểm, HNX-Index tăng 0,04% lên 82,43 điểm, tổng giá trị giao dịch đạt hơn 1.100 tỷ đồng. Nếu không tính hơn 433 tỷ đồng từ giao dịch thỏa thuận, thanh khoản phiên giao dịch sáng nay rất thấp.

Như đã nêu ở trên, trong nhóm bất động sản, HQC tăng gần sát trần, các mã khác như FLC, VIC, LGL, NBB, PDR... cũng được giao dịch khá tích cực. Tuy nhiên, tâm lý e ngại quá lớn khiến nhiều mã trong nhóm này giảm điểm về cuối phiên sáng. HQC khớp 1,96 triệu đơn vị, FLC khớp 3,53 triệu đơn vị.

Nhóm dầu khí có sự phân hóa, trong đó GAS đã có sự hồi nhẹ, trong khi PVD tiếp tục chìm trong sắc đỏ, bất chấp những thông tin khả quan từ phía doanh nghiệp này.

Trên HNX, các mã bất động sản như CEO, NDN, API cũng không duy trì được đà tăng, tương tự là các mã dẫn dắt như KLF, FIT, SHB. Thanh khoản lớn nhất trên sàn nhà là KLF với tổng khớp 2,66 triệu đơn vị.

Trong buổi giao dịch chiều, VN-Index chỉ cầm cự được khoảng 30 phút trước khi chính thức chia tay mốc 550 điểm do áp lực bán tăng mạnh, diễn ra trên diện rộng, trong khi dòng tiền gần như chỉ đứng ngoài quan sát. Kỳ vọng về phiên hồi phục kỹ thuật đã tan thành mây khói khi khối ngoại tiếp tục rút cả trăm tỷ đồng ra khỏi thị trường, trong khi nhà đầu tư trong nước thi nhau tháo chạy.

Đóng cửa, VN-Index giảm 1,13% xuống 545,19 điểm, HNX-Index giảm 0,98% xuống 81,59 điểm. Thanh khoản thị trường vẫn rất thấp, chưa được 1.800 tỷ đồng, dù vậy giao dịch thỏa thuận vẫn sôi động, đáng kể có VIC với 6,758 triệu đơn vị, giá trị 319,26 tỷ đồng, KDC với 7,2 triệu đơn vị, giá trị 301,68 tỷ đồng, MSN với 1,35 triệu đơn vị, giá trị 106,78 tỷ đồng… Khối ngoại vẫn là nguyên nhân chính khiến thị trường tiếp tục giảm mạnh. Phiên này, khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 3,8 triệu đơn vị, giá trị gần 178 tỷ đồng, riêng VIC bị bán hơn 150 tỷ đồng.

Sắc xanh ở các mã bluechips chỉ còn xuất hiện lác đác vài mã, còn lại đều chìm trong sắc đỏ, trong đó có nhiều mã đóng cửa ở mức thấp nhất ngày, như GAS, FPT, VCB, VIC, HAG, BID, EIB, STB, MBB…

Sức ép bán mạnh khiến HQC chỉ còn giữ được mức tăng nhẹ 1 bước giá, còn FLC giảm mạnh 3,51%. HQC khớp 3,4 triệu đơn vị, FLC khớp 12,3 triệu đơn vị.

Tương tự, trên HNX, sức ép từ lực cung ngoại cũng diễn ra ở một số mã lớn như SHB, VCG, PVS, tạo tâm lý bất an cho nhà đầu tư. VCG và PVS cũng có mức giảm khá mạnh, trong khi SHB lại đóng cửa ở mức tham chiếu 8.500 đồng.

Các mã dẫn dắt có mức tăng trong đầu phiên sáng như KLF, FIT đều đóng cửa ngày đầu tuần trong sắc đỏ. KLF giảm 3,85% với 6,44 triệu đơn vị được khớp, FIT giảm 5,41% với 5,34 triệu đơn vị được khớp.

Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua ảnh 1 

Về phần các Dự, với việc thị trường tiếp tục có trọn vẹn 1 tuần giảm điểm rất mạnh mà nguyên nhân chủ yếu vẫn đến từ hoạt động rút vốn của khối ngoại, thì những nhận định của BSC, MBKE, VCSC, MSBS về tuần giao dịch này sẽ có phiên hồi phục kỹ thuật hay đà giảm sẽ suy yếu là tương đối chính xác.

“Sau phiên bán mạnh 27/3, nhiều khả năng áp lực bán của ETF sẽ giảm bớt trong tuần sau do trạng thái discount của quỹ được cải thiện. Đây sẽ là cơ hội để thị trường ổn định lại và phục hồi kĩ thuật trong ngắn hạn”, BSC nhận định.

Còn VCSC thì đánh giá: “Chúng tôi cho rằng áp lực giảm giá trong tuần giao dịch tới có thể sẽ suy yếu khi các chỉ báo trạng thái xu hướng đã có dấu hiệu suy yếu hơn so với các phiên giao dịch trước. Đồng thời, các chỉ báo xung lượng ngắn hạn đồng loạt giảm về vùng quá bán, nghĩa là mức giá của các cổ phiếu đã ở mức khá hấp dẫn trong ngắn hạn”.

Tương tự là MSBS: “Vùng kháng cự 550-555 điểm vẫn là một vùng kháng cự mạnh và VN-Index khó có thể giảm sâu hơn, nhưng kịch bản đi ngang quanh vùng giá hiện tại là phù hợp khi yếu tố thanh khoản vẫn chưa được cải thiện. Thị trường sẽ không tăng điểm mạnh ít nhất là đến tuần thứ 2 của tháng 4/2015”.

Tuy nhiên, nhận định về việc thị trường sẽ tiếp tục để mất các mốc hỗ trợ ngắn hạn của SHS cũng không sai.

Dòng vốn giữ ở mức thấp có thể đơn thuần do nhà đầu tư đứng ngoài chưa nhìn thấy cơ hội và không vội tham gia, tuy vậy nếu xu hướng này duy trì trong quãng thời gian dài sẽ là điểm đáng lo ngại cho thị trường chung. Tiếp tục phá vỡ các ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn, lượng giao dịch suy giảm, khối ngoại liên tiếp bán ròng, đó là những yếu tố khiến chúng tôi tiếp tục giữ quan điểm thận trọng trong tuần tới”, SHS nhận dịnh.

Ở chiều ngược lại, thị trường đã chưa có sự tích cực như kỳ vọng của IVS.

“Tác nhân do khối ngoại, nhưng tội đồ lại mang tên GAS-PVD-MSN mà lực bán chiếm phần lớn lại là khối nội. Tuy nhiên, những cổ phiếu này đã chững lại đà giảm và có thể cũng sẽ hồi phục lại, nên tác động đến chỉ số VN-Index không nhiều. Trong khi đó hàng loạt các cổ phiếu khác như SSI – PVT – VND - ... đã giảm về mức giá đáy của 2 tháng trở lại. Và đây là yếu tố thứ 2 chúng tôi cho rằng sẽ khuyến khích dòng tiền quay lại, đặc biệt khi nhóm Largecap trở nên yên ổn, VN-Index ít biến động. Hai yếu tố trên sẽ tạo nên sự đảo chiểu của TTCK trong tuần tới, và mốc 550 điểm sẽ trở thành ngưỡng hỗ trợ tốt.”

Trong khi đó, các Dự là BVSC, MBS, KIS, SSI, VDSC chỉ đưa ra những ý kiến mang tính trung lập như “động thái bán ròng còn tiếp diễn”, hay “chưa có tín hiệu phục hồi rõ ràng”....

Sang phiên giao dịch 31/3, dự thận trọng dĩ nhiên được nhà đầu tư đặt lên hàng đầu trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài liên tục rút ròng và thị trường đã trải qua 6 phiên giảm liên tiếp. Vì vậy, không có nhiều biến chuyển trong đợt khớp lệnh xác định giá mở cửa sáng 31/3.

Nhưng ngay khi bước vào đợt khớp lệnh liên tục, với những thông tin tích cực từ trong nước cũng như thế giới, lực cung giá thấp được tiết giảm mạnh, giúp thị trường nhanh chóng đảo chiều tăng điểm.

Kết phiên sáng, VN-Index tăng 0,99% 550,57 điểm, HNX-Index tăng 0,84% lên 82,28 điểm. Với kịch bản tăng đầu phiên sáng, sau đó áp lực bán gia tăng, đẩy các chỉ số quay đầu giảm mạnh cuối phiên như 2 phiên trước khiến nhà đầu tư không dám mạo hiểm, nên thanh khoản thị trường ở mức cầm chừng, tổng giá trị giao dịch trên cả 2 sàn chỉ hơn 850 tỷ đồng.

Các mã lớn đã lần lượt quay đầu tăng trở lại như GAS, VIC, MSN, PVD, nhóm ngân hàng… CTG là mã có thanh khoản tốt nhất nhóm này với hơn 1,2 triệu đơn vị được khớp. Dòng tiền tập trung tại các mã vừa và nhỏ như FLC, OGC, ITA, VHG, HAI, DLG. Mã FLC dẫn đầu với gần 4,8 triệu đơn vị, tăng 2,73%, lên 11.300 đồng. OGC đứng tiếp theo với 2,62 triệu đơn vị và tăng 2,17%, lên 4.700 đồng. HAI cũng là mã có thanh khoản tốt với 2,55 triệu đơn vị được khớp, nhưng chỉ dừng ở mức tham chiếu 12.500 đồng.  

Cổ phiếu DCM của CTCP Phân bón dầu khí Cà Mau có phiên chào sàn giảm khá mạnh với mức  giảm 1.300 đồng (-8,96%) xuống 13.200 đồng và khớp được 2,15 triệu đơn vị.

Trên HNX, các mã dẫn dắt như KLF, FIT, PVS, PVX đều đóng cửa trong sắc xanh. Trong đó, KLF được khớp 2,2 triệu đơn vị, tăng 2% lên 10.200 đồng, FIT tăng 1,14% lên 17.700 đồng với 1,69 triệu đơn vị được khớp.

Nhưng VMI mới hính là bất ngờ thú vị nhất trên HNX trong phiên giao dịch sáng khi được kéo lên mức giá trần 29.400 đồng và tổng khớp hơn 1 triệu đơn vị - là 1 trong 3 mã hiếm hoi có lượng khớp trên 1 triệu đơn vị.  Đây cũng là lượng khớp lớn nhất của mã này kể từ ngày lên sàn (9/10/2014), cho dù không có thông tin mới nào được công bố trong phiên sáng này.

Trong buổi giao dịch chiều, sau ít phút thăm dò đầu phiên, cả 2 chỉ số chính đã dần dần nới rộng đà tăng. VN-Index lấy lại được mốc 550 điểm, trong khi HNX-Index cũng vượt qua được 82 điểm vừa để mất trong phiên trước. Đóng cửa, VN-Index tăng 1,09% lên 551,13 điểm, HNX-Index tăng 0,84% lên 82,27 điểm.

Diễn biến không có nhiều đột biến khi lượng cung giá thấp vẫn được tiết giảm, trong khi bên mua vẫn tỏ ra ngờ vực, nên không mạnh dạn bơm tiền vào thị trường. Thanh khoản thị trường theo đó sụt giảm mạnh, xuống mức rất thấp trên 1.600 tỷ đồng.

Khối ngoại sau 6 phiên bán ròng liên tiếp đã mua ròng nhẹ trở lại ở phiên này, đạt 2,1 triệu đơn vị, giá trị chỉ 1,45 tỷ đồng.

Do lượng cung bị tiết giảm, nên các mã lớn vẫn duy trì được mức giá như phiên sáng. Các mã ngân hàng khác và một số mã lớn như GAS, VIC, PVD, DPM, BVH… đều giữ được sắc xanh. Nổi bật là GAS khi tăng 3,13%, lên 66.000 đồng với hơn 1 triệu đơn vị được khớp. Trong nhóm ngân hàng, CTG và BID vẫn là 2 mã thanh khoản cao nhất với 1,83 triệu và 1,17 triệu đơn vị được khớp, trong khi EIB bất ngờ được kéo tăng gần mức trần 13.100 đồng (+4,8%) nhưng chỉ khớp được 0,25 triệu đơn vị.

Sắc xanh đã giảm bớt trên FLC, đạt 1,82% lên 11.200 đồng với 15 triệu đơn vị được khớp. Ngoài ra, còn có HAI với 5,5 triệu đơn vị khớp lệnh, nhưng lại giảm 3,2%.

Mã DCM được khớp 3,86 triệu đơn vị, DCM đóng cửa ở mức 13.600 đồng, giảm 6,2% so với mức giá tham chiếu lúc chào sàn là 14.500 đồng.  Dù không tăng về giá, nhưng đây có thể coi là phiên chào sàn thành công của DCM. Với mức giá này, hiện DCM là cổ phiếu có mức vốn hóa lớn thứ 22 trên thị trường, trên SSI, REE.

Trên HNX, cả KLF và FIT cùng có được mức tăng tối thiểu, khớp lệnh tương ứng 4 triệu và 3,4 triệu đơn vị.

Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua ảnh 2

Về phần các Dự, khối ngoại đã quay trở lại mua ròng ở phiên này sau chuối liên tiếp bán ròng trước đó, và điều này phần nào giúp thị trường có phiên tăng điểm, đúng như nhận định của MBS, VCSC và BSC.

“Theo số liệu thống kê, trong 2 tuần vừa qua, khối ngoại đã rút ra gần tới hơn 1.285 tỷ đồng khỏi quỹ Market Vectors Vietnam ETF (VNM) và FTSE Vietnam (FTSE), tương đương 3,3 triệu chứng chỉ quỹ. Tuy nhiên, quan sát giá và NAV của VNM đang ở trạng thái trading premium 0.23%, do đó có thể kỳ vọng quỹ này sẽ giảm đi áp lực rút vốn ngắn hạn. Theo dữ liệu quá khứ cho thấy, mỗi khi trading premium thì dòng tiền của quỹ ngoại chuyển từ rút ròng sang mua ròng. Nếu các quỹ nước ngoài quay lại mua ròng, thị trường có thể sẽ hồi phục trong ngắn hạn”, MBS đánh giá.

VCSC cũng cho rằng: “Hai chỉ số có thể dần hồi phục về cuối phiên và lực cầu có thể gia tăng khi hai chỉ số tiến về các mức hỗ trợ 540 của chỉ số VN-Index và 80.0 của chỉ số HNX-Index”.

BSC thì nhận định: “Nhìn bên ngoài, có vẻ như khối ngoại là nhân tố tiêu cực với điểm số thị trường hiện tại. Tuy nhiên, sau khi bóc tách giá trị bán ròng VIC, chúng tôi nhận thấy diễn biến giao dịch khối ngoại tích cực hơn. Chúng tôi kỳ vọng vào một phiên hồi phục ngày mai 31/3. Dù vậy, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư mạo hiểm giảm tỷ trọng nếu các cổ phiếu bắt đáy giảm so với dự kiến. Nhà đầu tư thận trọng tiếp tục kiên nhẫn đứng ngoài thị trường thời điểm này”.

Trong khi đó, sau phiên tiếp tục giảm khá mạnh đầu tuần, có vẻ như giải pháp nhận định trung lập của những “gương mặt thân quen” BVSC, MBKE, SSI, VDSC... tiếp tục được ủng hộ, bởi có thêm sự góp mặt của cả SHS, KIS, IVS hay MSBS.

Sau những phút hồi phục yếu ớt vào phiên sáng thì thị trường đã nhanh chóng quay lại xu hướng giảm điểm. Khối ngoại vẫn liên tục bán ròng, các mốc hỗ trợ liên tục bị phá vỡ khiến tâm lý nhà  đầu tư hoang mang. Trạng thái mua trong thị  trường hiện tại chỉ phù hợp với nhà đầu tư chấp nhận rủi ro ở mức cao và chỉ nên giải ngân 1 phần tài khoản quanh mốc 545 điểm với mục tiêu năm giữ trung hạn. Chúng tôi cho rằng, thị trường chưa thể hồi phục ngay trong tuần này mà cần có thời gian để lấy  lại cân bằng sau một thời gian giảm điểm mạnh. Khuyến nghị nhà đầu tư thận trọng và không tham gia đầu cơ cổ phiếu”, MSBS nhận định. 

Tới phiên giao dịch 1/4, sau phiên tăng được đánh giá chỉ là hồi phục kỹ thuật, đúng như lo ngại, thị trường đã nhanh chóng thiết lập sắc đỏ ngay khi bước vào phiên sáng. VN-Index giảm nhẹ, nhưng thanh khoản đã tăng cao so với nhiều phiên gần đây, đạt gần 64 tỷ đồng.

Đà giảm ngày càng nới rộng khi sắc đỏ lan tỏa toàn thị trường, nhóm cổ phiếu bluechip cũng là tác nhân chính kéo các chỉ số suy giảm mạnh. Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 0,93% xuống 546,03 điểm, HNX-Index giảm 0,58% xuống 81,8 điểm.

Các trụ cột như MSN, PVD, GAS, VIC, BVH cùng có mức giảm khá mạnh và là lực cản chính của chỉ số. GAS giảm 2.500 đồng, MSN giảm 1.000 đồng, VIC và HSG cùng giảm 600 đồng… PVD giảm tiếp 1.400 đồng, các mã dầu khí nhỏ khác như PVT, PXI, PXS cũng chung số phận, PXL và PXT thậm chí còn nằm sàn. Nhóm ngân hàng hầu hết duy trì việc đi ngang, ngoại trừ điểm sáng là VCB với mức tăng 200 đồng.

Mã FLC vẫn là đầu tàu về thanh khoản trên HOSE với 6,19 triệu đơn vị khớp lệnh, giảm 300 đồng về 10.900 đồng. HAI cũng giảm 300 đồng về 11.800 đồng và khớp 2,83 triệu đơn vị.

Cổ phiếu mới chào sàn phiên trước DCM tiếp tục giảm khá mạnh 700 đồng xuống 12.900 đồng, nhưnh thanh khoản không cao như phiên trước, chỉ khớp gần 0,8 triệu đơn vị.

Mã KLF trên HNX cũng giống như HPG trên HOSE, là cổ phiếu duy nhất bảo toàn sắc xanh trong cả phiên sáng, với mức tăng nhẹ 1 bước giá và khớp 3,63 triệu đơn vị.

Với nhóm dầu khí, hầu hết các mã như PVC, PVS, PGS vẫn duy trì đà giảm từ đầu phiên, trong khi PVX đã vượt qua mốc tham chiếu với mức tăng nhẹ 100 đồng và khớp 1,88 triệu đơn vị.

Trong buổi giao dịch chiều, không biết vì lý do gì, ngay từ đầu phiên, lực bán gia tăng rất mạnh và trên diện rộng, khiến VN-Index rời mốc 545 điểm và kích hoạt lệnh bán tháo, kéo thị trường giảm sâu hơn về cuối phiên.

Đóng cửa, VN-Index giảm 12,12 điểm (-2,22%) xuống 538,91 điểm, HNX-Index giảm 1,8 điểm (-2,19%) xuống 80,47 điểm. So với phiên trước, thanh khoản đã được cải thiện nhiều, đạt gần 2.500 tỷ đồng. Khối ngoại tranh thủ nhà đầu tư khác tháo chạy đã mạnh tay gom hàng, họ mua ròng hơn 10,6 triệu đơn vị, giá trị trên 173 tỷ đồng.

Từ nhóm cổ phiếu lớn đến những mã vừa và nhỏ đều cắm đầu giảm giá. Khởi xướng cho xu hướng này là nhóm dầu khí, khi hai đầu tàu GAS và PVD giảm mạnh. GAS chốt phiên tuy thoát khỏi mức giá sàn nhưng vẫn giảm đến 6% và khớp được hơn 1 triệu cổ phiếu. PVD giảm 4,5%. Nhiều mã dầu khí khác rơi xuống giá sàn như PTL, PXL, PXS…

Tương tự, 2 mã FLC và HAI dù đạt thanh khoản mạnh nhất HOSE, nhưng cũng đều nằm sàn trước áp lực bán tháo. Trong đó, FLC khớp hơn 24,4 triệu đơn vị, HAI khớp 9,18 triệu cổ phiếu.

Ở nhóm ngân hàng, ngoại trừ STB về tham chiếu, còn lại đều giảm điểm: VCB giảm 100 đồng, MBB giảm 200 đồng, BID, CTG giảm 300 đồng, EIB giảm 400 đồng.

Ở chiều tăng, toàn sàn chỉ có 38 mã tăng. Hầu hết đều là những cổ phiếu nhỏ với thanh khoản chỉ ở mức vài chục đến vài trăm đơn vị, nên hầu như không có tác dụng giúp nâng đỡ cho chỉ số.

Trên sàn HNX, diễn biến không có nhiều khác biệt. Trong nhóm HNX30 chỉ có duy nhất 1 mã giao dịch tại tham chiếu, còn lại đều chìm trong sắc đỏ. Cặp đôi KLF và FIT cùng nằm sàn và cùng dẫn đầu thanh khoản với 8,66 triệu và 3,37 triệu đơn vị khớp lệnh.

Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua ảnh 3

Về phần các Dự, đã có nhiều Dự có đánh giá rằng phiên tăng điểm 31/3 chỉ là hồi phục kỹ thuật, nhưng chỉ có IVS là có nhận định khá là chính xác về phiên giao dịch ngày Cá tháng 4 (1/4).

“Thị trường đã có nhịp hồi phục khá mạnh, chỉ số VN-Index gần như đã lấy lại được số điểm mất phiên trước đó và quan trọng đã tái chiếm mốc 550 điểm. Đây là một tín hiệu tốt, và nhà đầu tư sẽ nhìn nhận rằng mốc 550 điểm sẽ là mốc hỗ trợ cứng nên họ sẽ mua nếu giảm xuống dưới ngưỡng đó. Đó là lực cầu đầy tiềm năng và nó sẽ giúp thị trường hồi phục trở lại. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng cũng không dễ dàng để phiên ngày 1/4 thị trường sẽ tiếp tục tăng. Nhưng dù thế nào thì giảm cũng là lúc nhà đầu tư có thể mua, đặc biệt là những nhà đầu tư có cổ phiếu sẵn để tận dụng lợi thế T+. Vì nhịp tăng này, cũng rất nhiều nhà đầu tư đều nhìn nhận chỉ là hồi phục kỹ thuật nên áp lực bán sẽ sớm gia tăng khi VN-Index tiệm cận lại mốc 570 điểm”, IVS nhận định.

Ngược lại, phiên giảm sâu nhất kể từ đầu năm 2015 này đã phủ nhận những nhận định của SSI, MSBS, BSC, VCSC.

“Thị trường có phiên hồi phục khá mạnh sau khi giảm điểm vào phiên trước đó. Tuy nhiên, thanh khoản vẫn ở mức thấp và lực mua vẫn còn khá dè dặt. Nhà đầu tư ưa mạo hiểm có thể tiến hành mua vào với tỷ trọng thấp. Sắp tới, các công ty niêm yết sẽ tiến hành công bố báo cáo  tài  chính quý I, đây có thể là thông tin hỗ trợ và thị trường khó có thể giảm tiếp. Tuy nhiên, việc hồi phục ngay lại được đánh giá là khó xảy ra. Các tín hiệu kỹ thuật đã bắt đầu bước vào vùng quá bán và cho tín hiệu mua dần. Ngày 1/4, thị trường vẫn có thể sẽ tăng điểm, nhưng thanh khoản vẫn ở mức thấp”, MSBS đánh giá.  

BSC cũng cho rằng: “Nhịp phục hồi này chưa thực sự thu hút được dòng tiền. Do vậy, nếu trong 1-2 phiên tới, nếu thanh khoản không cải thiện đáng kể thì đợt phục hồi này là không tin cậy. Chúng tôi cho rằng phiên ngày mai (1/4) thị trường tiếp tục tăng điểm nhờ thông tin kinh tế vĩ mô tích cực công bố gần đây”.

Tương tự là SSI: “VN-Index đóng cửa tháng 3 trên ngưỡng tâm lý 550 điểm nhưng đường giá hiện tại đang nằm dưới MA20 đồ thị tháng trong khi các chỉ báo trung hạn không thực sự tích cực. Ẩn số giao dịch của khối ngoại nhất là các quỹ ETF đang đóng vai trò quyết định đến xu hướng trong ngắn hạn. Phiên đầu tháng 4, khả năng có mức hồi nhỏ với thanh khoản không cao do cả bên mua và bên bán vẫn còn dò xét xu hướng của khối ngoại”.

VCSC nhận định: “Hai chỉ số có thể sẽ tiếp tục hồi phục trong phiên kế tiếp, nhưng nếu khối lượng giao dịch vẫn tiếp tục sụt giảm thì chúng tôi lo ngại đây chỉ là các nhịp hồi kỹ thuật sau giai đoạn giảm kéo dài. Đồng thời, theo hệ thống các chỉ báo xung lượng, mức độ rủi ro ngắn hạn đã có dấu hiệu giảm dần cho nên các nhà đầu tư ngắn hạn cần hạn chế bán tháo ở vùng giá hiện tại”.

Với những BVSC, MBKE, VDSC, SHS, MBS, KIS thì yếu tố “an toàn” đã được đảm bảo khi tiếp tục trung thành với phương án nhận định trung lập.

Đến phiên giao dịch 2/4, cả hai sàn đều mở cửa trong sắc xanh. Tuy nhiên, sau những phiên giảm điểm liên tiếp, đặc biệt phiên lao dốc 1/4 càng khiến tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn, dòng tiền theo đó vẫn chỉ nhúc nhắc vào thị trường.

Kịch bản thị trường phiên sáng nay khá giống phiên trước “xanh là cơ hội thoát hàng”. Khi áp lực bán dần gia tăng, đà tăng chững lại và sau gần 50 phút giao dịch, các chỉ số quay trở lại giao dịch trong sắc đỏ. Dù vậy, cung giá thấp đã được hãm lại nên thị trường không giảm điểm mạnh. Dần về cuối phiên sáng, tuy sắc đỏ vẫn chiếm áp đảo so với sắc xanh, nhưng với sự hồi phục của nhóm bluechip, cả hai sàn cùng lấy lại được sắc xanh nhạt.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 0,26% lên 540,29 điểm, HNX-Index tăng 0,21% lên 80,64 điểm. Sự thận trọng cao khiến thanh khoản tiếp tục rơi xuống thấp, tổng giá trị giao dịch trên 2 sàn chỉ nhỉnh hơn 800 tỷ đồng.

Nhóm VN30 và HNX30 là các lực đỡ chính của thị trường. Trong khi PVD lấy lại sắc xanh nhạt thì GAS vẫn giữ nguyên sắc đỏ. Nhóm ngân hàng chỉ nhúc nhắc, trong đó VCB và BID cùng tăng 300 đồng, còn STB, MBB, EIB cùng giảm 100 đồng.

Hai mã FLC và HAI là những mã đóng góp tích cực nhất vào thanh khoản chung của HOSE. FLC khớp 9,19 triệu đơn vị và HAI khớp 5,84 triệu đơn vị, nhưng cũng đều giảm điểm, FLC giảm 100 đồng, còn HAI giảm 400 đồng.

Tương tự, nhóm dầu khí trên sàn HNX cũng tăng tích cực. Ngoài những PVS, PVB…, hầu hết các cổ phiếu vừa và nhỏ khác như PV2, PVG, PVL, PVR, PVV… cũng đồng loạt tăng điểm. Bên cạnh đó, các mã VCG, VND, KLS, SCR… cũng đều tăng điểm để hỗ trợ cho chỉ số.

FIT đóng cửa tăng 500 đồng lên 16.500 đồng/CP, thanh khoản dẫn đầu toàn sàn đạt hơn 3 triệu đơn vị. Tiếp đó, KLF đứng giá tham chiếu 9.000 đồng/CP và khớp hơn 1,81 triệu đơn vị.

Trong buổi giao dịch chiều, trái với hoàn cảnh đua nhau tháo chạy ở ngay phiên trước, nhà đầu tư lại đua nhau mua vào, kéo nhiều mã tăng mạnh, thậm chí BVH, OGC còn được kéo lên mức giá trần. Càng về cuối phiên, sắc xanh càng lan rộng bảng điện tử, các cổ phiếu hòa nhịp trong khúc ca khải hoàn.

Đóng cửa, VN-Index tăng 1,47% lên 546,85 điểm, HNX-Index tăng 1,4% lên 81,6 điểm. Tuy nhiên, sau thời gian dài thị trường điều chỉnh giảm mạnh khiến tâm lý nhà đầu tư vẫn còn thận trọng thăm dò,  vì vậy mà thanh khoản thị trường vẫn chỉ duy trì ở mức thấp. Tổng giá trị giao dịch thị trường chỉ đạt trên 1.800 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục việc mua ròng nhẹ, đạt hơn 2,2 triệu đơn vị, giá trị 7,42 tỷ đồng.

Các cổ phiếu tác động lớn tới thị trường như BVH, VNM, PVD, GAS, HSG… đồng loạt tăng giá. Trong đó, BVH từ mốc tham chiếu vươn lên giá trần 35.300 đồng/CP, tức tăng 2.300 đồng. Đáng chú ý nhất là OGC, lực cầu hấp thụ mạnh giúp OGC tăng trần lên 4.700 đồng/CP với lượng dư mua trần chất đống 3,58 triệu đơn vị, trong khi đã khớp hơn 4 triệu đơn vị.

GAS cũng hồi phục khá mạnh với mức tăng 1.000 đồng, trong khi PVD tiếp tục củng cố sắc xanh khi tăng 1.100 đồng và khớp được hơn 1,6 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng cũng đồng thời khởi sắc. CTG, BID, VCB cùng tăng từ 500-700 đồng, HCM tăng 600 đồng, SSI tăng 400 đồng. CTG, BID, SSI cùng khớp hơn 1 triệu đơn vị.

FLC và HAI tiếp tục dẫn đầu thanh khoản trên sàn. FLC khớp 13,53 triệu đơn vị, tăng nhẹ 100 đồng lên 10.600 đồng/CP. HAI sau 6 phiên liên tiếp giảm điểm mạnh, đã dừng tại tham chiếu 11.300 đồng/CP và khớp 9,21 triệu đơn vị.

Trên HNX, nhóm dầu khí hỗ trợ tích cực cho thị trường, trong đó PVS và PVB tăng 800 đồng, PVC tăng 500 đồng… Đáng chú ý, PVX với lợi nhuận sau thuế bị điều chỉnh giảm gần 70 tỷ đồng sau kiểm toán, song cổ phiếu vẫn đóng cửa với mức tăng nhẹ 100 đồng lên 4.600 đồng/CP và khớp được 1,49 triệu đơn vị.

FIT và KLF tiếp tục là hai cổ phiếu thanh khoản tốt nhất HNX, lần lượt đạt 4,69 triệu và 3,47 triệu đơn vị. Đóng cửa, FIT tăng 1.000 đồng lên 17.000 đồng/CP trong khi KLF chỉ nhích nhẹ 100 đồng lên 9.100 đồng/CP.

Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua ảnh 4

Về phía các Dự, ngay sau phiên lao dốc mạnh ngày 1/4, thị trường đã ngay lập tức bật dậy với mức tăng khá mạnh, điều này đã khiến những MBS, IVS, MSBS, KIS, VDSC, BSC “ngã ngửa”, nhất là đối với VDSC.

“Chúng tôi cho rằng cú giảm sâu 1/4 đã đưa nhiều cổ phiếu về mức giá hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trung và dài hạn. Tuy nhiên, chúng tôi cảm thấy thị trường vẫn đang chưa quen với việc thiếu vắng “vitamin đội lái” trong khi lại thừa tin đồn, điều này dẫn đến tâm lý thận trọng bao trùm trong suốt các phiên vừa qua. Chúng tôi vẫn cho rằng kịch bản giảm mạnh và tăng nhanh là khó xảy ra nhưng kỳ vọng sự phục hồi chậm rãi trong các phiên tới là có cơ sở”, VDSC nhận định.

BSC đánh giá: “Trong báo cáo trước, chúng tôi đã cảnh báo cẩn trọng khi tín hiệu kém tin cậy từ đợt phục hồi không kèm thanh khoản. Dù vậy, sự suy yếu của các chỉ số đến nhanh hơn chúng tôi dự định. Quan sát diễn biến phiên giao dịch ngày 1/4, chúng tôi nhận thấy thị trường vẫn tồn tại một số điểm tích cực như sự quay lại của khối ngoại, hay áp lực giảm chủ yếu đến từ nhóm cổ phiếu dầu khí chứ chưa lan rộng ra thị trường. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng thị trường vẫn giảm điểm trong phiên ngày 2/4, có thể dừng đà giảm khi về vùng 525-530 điểm”.

Tương tự là IVS: “Cuối cùng cũng đã không có được bất cứ sự hồi phục nào như kỳ vọng mà thay vào đó là sự hoảng loạn của nhiều NĐT. Cổ phiếu GAS tiếp tục giảm mạnh đã đẩy thị trường rơi sâu mà không tạo nên bất cứ sự hồi phục đáng kể nào. Việc giảm mạnh ngày 1/4 chắc hẳn đã liên quan đến hoạt động giải chấp, khi mà hàng loạt cổ phiếu đầu cơ như HAI, FLC, HQC...đều giảm sàn. Và với việc rơi khỏi mốc 550 điểm với biên độ lớn như vậy thì thật khó kỳ vọng gì lúc này. Việc thị trường bắt đầu tăng tốc rơi nhanh như vậy cho thấy tín hiệu đáy đang đâu đó. Có thể thị trường sẽ còn tiếp tục sụt giảm thêm mà ngưỡng điểm kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho VNI là 520 điểm. Nhưng ở góc độ giá cổ phiếu thì đang có rất nhiều mã có mức giá vô cùng hấp dẫn. Trong sự hoảng loạn kiểu này dường như luôn tạo cơ hội tốt cho những NĐT có chiến lược”.

Ngược lại, SSI và VCSC có những đánh giá hợp lý về phiên giao dịch này.

VN-Index dừng lại vùng hỗ trợ 527-538. Có khả năng một đợt hồi kỹ thuật nhẹ vào buổi sáng nhưng chưa thể kết luận sóng giảm điểm sẽ kết thúc. Các giao dịch ngắn hạn cần thận trọng cho tới khi vùng đáy ngắn hạn được xác lập. Khối ngoại và quỹ ETF mua ròng là một tín hiệu tích cực cần lưu ý bởi cùng với đà hồi phục kinh tế, dòng tiền nước ngoài sẽ tạo cú hích tốt đến thị trường”, SSI nhận định.

VCSC thì đánh giá: “Hai chỉ số có thể sẽ sớm chững lại đà giảm trong phiên giao dịch tới, đặc biệt chỉ số HNX-Index đã giảm về gần vùng giá đáy của tháng 12/2015 cho nên lực mua sẽ dần gia tăng khi nhiều cổ phiếu cũng đã rơi vào trạng thái bị quá bán mạnh. Đồng thời, nếu đồ thị giá hồi phục trong phiên kế tiếp thì các trạng thái phân kỳ tăng giá sẽ hình thành trên chỉ báo xung lượng ngắn hạn và chỉ báo tâm lý, điều này sẽ giúp hai chỉ số cải thiện tích cực hơn trong những phiên tới”.

Bước sang phiên giao dịch cuối tuần 3/4, thị trường có sự hưng phấn nhẹ do ảnh hưởng từ phiên giao dịch chiều qua, tuy nhiên sau đó nhanh chóng trở lại với sự thận trọng cần thiết. Lượng đặt mua giá cao ít xuất hiện, nhưng lượng cung giá thấp cũng giảm mạnh nên thị trường giao dịch ở trạng thái cân bằng hơn. 

Sang đợt khớp lệnh liên tục, thị trường sôi động hơn khi có thời điểm VN-Index vượt qua ngưỡng 550 điểm. Tuy nhiên, bới lực cầu yếu, sắc xanh của thị trường không duy trì được lâu. 

Sau khi VN-Index vượt qua mốc 550 điểm, dường như đã đạt được mục đích đẩy chỉ số, nhà đầu tư bắt đầu thực hiện đẩy bán. Lượng cung giá thấp nhanh chóng được gia tăng khá rộng kéo chỉ số quay đầu giảm điểm rơi thẳng qua ngưỡng 545 điểm. Dẫu vậy, chút nỗ lực mua vào ở cuối phiên sáng cũng đủ giúp VN-Index giữ lại được sắc xanh nhạt.

Diễn biến trên sàn HNX cũng không khác gì mấy so với HOSE. Áp lực bán gia tăng cũng khiến HNX-Index rơi gần về mốc 81 điểm. Tuy nhiên, lực cầu quá yếu trên sàn này khiến chỉ số sau đó chỉ lình xình cho đến hết phiên sáng.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 0,08% lên 547,27 điểm, còn HNX-Index giảm 0,27% xuống 81,38 điểm. Sự thận trọng cao độ của nhà đầu tư khiến thanh khoản hết sức èo uột, chỉ hơn 800 tỷ đông trên 2 sàn. Giao dịch chỉ thực sự diễn ra ở một vài mã cổ phiếu.

Hai sàn kết thúc phiên sáng trong tình trạng trái chiều khi nhóm 2 rổ cổ phiếu lớn trên 2 sàn cũng trong tình trạng tương tự. Đà tăng có được từ đầu phiên của MSN, BVH, FPT, HAG, HSG... đã giảm đi đáng kể. VIC và VNM thậm chí cùng giảm dưới tham chiếu 1 bước giá. GAS lùi về mốc tham chiếu 63.000 đồng/CP, PVD chỉ còn tăng 1.100 đồng đạt 45.000 đồng/CP.

Ở nhóm ngân hàng, chỉ CTG là giữ được mức tăng tối thiểu và có thanh khoản cao nhất đạt 1,18 triệu đơn vị, còn lại BID, EIB, VCB và STB dừng ở tham chiếu, MBB giảm 100 đồng.

Dòng tiền chỉ tập tại một số mã trong nhóm cổ phiếu thị trường như FLC, OGC, ASM, DLG, HQC, CDO, HAI. Tuy nhiên, riêng FLC với lực cầu mạnh đã bứt hẳn lên về mặt thanh khoản so với các mã còn lại, đạt 9,86 triệu đơn vị, tăng 100 đồng lên 10.800 đồng/CP. 

Trên HNX, nhóm cổ phiếu lớn trong đó có nhóm dầu khí đã hỗ trợ không tốt cho HNX-Index. Cặp đôi FIT và KLF khớp lần lượt 2 triệu và 1,1 triệu đơn vị, nhưng cũng đều giảm 100 đồng. NDN là mã hiếm hoi thứ 3 trên sàn HNX khớp được hơn 1 triệu đơn vị. NDN tăng 500 đồng lên 18.200 đồng/CP.

Đáng chú ý, mã SHN đã nằm sàn ngay từ đầu phiên giao dịch và còn dư bán giá sàn chất đống tới hơn 3,5 triệu đơn vị. SHN đã công bố BCTC kiểm toán hợp nhất 2014 với kết quả lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ, do đó sẽ bị hủy niêm yết.

Trong phiên giao dịch chiều, sắc xanh có được ở cuối phiên sáng nhanh chóng chuyển sang đỏ khi cầu mua vẫn gần như bất động. May mắn là lượng cung giá thấp giảm theo giúp thị trường theo đó dần chuyển màu xanh, dù rất nhẹ nhàng.

Diễn biến trong phiên chiều thực sự gây chán nản đối với các nhà đầu tư ngồi trước bảng điện tử. Mặc dù tăng điểm, nhưng đà tăng không đến từ nỗ lực đẩy giá của bên mua, mà chủ yếu là do lượng cung giá thấp được rút bớt.

Đóng cửa, VN-Index tăng 0,18% lên 547,85 điểm, HNX-Index tăng 0,41% lên 81,93 điểm. Sức cầu đã yếu đi rất nhiều ở buổi giao dịch chiều, khiến tổng giá trị giao dịch trên 2 sàn chưa đầy 1.400 tỷ đồng. Dù vậy, khối ngoại vẫn mua ròng phiên thứ 3 liên tục giá trị 45 tỷ đồng. 

Điểm xuyên suốt trong buổi chiều nay chính là việc sức mua yếu đi một cách bất ngờ. GAS tăng trở lại với mức tăng 1.000 đồng góp công không nhỏ giúp VN-Index vẫn giữ được sắc xanh.

Cả FLC và OGC đều chững lại. OGC vẫn giữ mức giá sát mức trần là 4.900 đồng, khớp lệnh 4,93 triệu đơn vị và còn dư bán trần 1,49 triệu đơn vị. FLC chỉ khớp thêm 3 triệu đơn vị, nâng mức tổng cả phiên lên 12,6 triệu đơn vị, đóng cửa lùi về mốc tham chiếu 10.600 đồng/CP. Dù lùi sâu dưới phong độ vốn có, nhưng nhiều nhà đầu tư phải cảm ơn FLC vì đã giúp họ bớt... buồn ngủ.

Nhóm ngân hàng phiên này khá nhợt nhạt. Sắc xanh nhạt còn ở lại với STB và EIB, nhưng thanh khoản không cao. Thanh khoản cao như CTG và BID với lượng khớp tương ứng 1,68 triệu và 1,45 triệu đơn vị lại cùng giảm dưới tham chiếu 1 bước giá. Trong nhóm VN30 cũng chỉ có thêm ITA, CII và HPG là những mã khớp lệnh đạt hơn 1 triệu đơn vị. Nhóm có sự phân hóa khá mạnh.

Cũng như phiên sáng, dòng tiền vẫn chỉ tập trung vào các mã thị trường như HQC, HAI, DLG, CDO, GTN, ASM, DXG, SAM, TSC, VHG. Trong đó, HQC, HAI, DLG khớp trên 3 triệu đơn vị, CDO và GTN khớp trên 2 triệu đơn vị, còn lại khớp trên 1 triệu đơn vị.

Trên HNX, nhóm cổ phiếu dầu khí đã không còn mã nào giảm điểm. PVB và PVS cùng tăng 500 đồng, còn PLC tăng 100 đồng. FIT và KLF vẫn dẫn đầu thanh khoản với lượng khớp tương ứng 3,69 triệu và 2,35 triệu đơn vị, đóng cửa FIT tăng 200 đồng, KLF giảm 100 đồng.

Ngoài 2 mã này, đạt thanh khoản trên 1 triệu đơn vị cũng chỉ có SCR, NHP, NDN và CEO, trong đó NDN cũng đã chững hẳn lại so với phiên sáng.

Trong khi đó, SHN tiếp tục đo sàn ở mức giá 3.000 đồng/CP, khớp hơn 166.000 đơn vị, còn dư bán sàn và ATC hơn 4 triệu đơn vị.

Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua ảnh 5

Về phía các Dự, diễn biến tăng giảm “chóng mặt” như những phiên vừa qua cho thấy những nhận định mang tính trung lập là có lý. Bởi vậy, phương án này tiếp tục được nhiều Dự như SHS, KIS, MBS, BSC, BVSC, VDSC, SSI “ưu ái” dành cho nhận định về phiên cuối tuần.

Trong khi những VCSC, MBKE, MSBS, IVS đã đưa ra những nhận định khá hợp lý.

“Hai chỉ số có thể sẽ tiếp tục hồi phục trong phiên kế tiếp khi đồ thị giá của hai chỉ số đã giữ vững được các mức hỗ trợ quan trọng 540 của chỉ số VN-Index và 80.0 của chỉ số HNX-Index trong phiên giao dịch 2/4. Đồng thời, tín hiệu phân kỳ xuất hiện ở hầu hết các chỉ báo xung lượng ngắn hạn và chỉ báo tâm lý của hai chỉ số cho thấy mức độ rủi ro ngắn hạn tiếp tục giảm dần và dần có chuyển biến tích cực hơn cho nên chúng tôi tiếp tục kỳ vọng vào nhịp hồi phục trong các phiên tới”, VCSC nhận định.

Tương tự là MSBS: “Thị trường có phiên hồi kỹ thuật với việc tăng điểm mạnh của VN-Index. Thị trường đã tạo đáy ngắn hạn thành công ở mốc 537 - 540 điểm và đang có xu hướng tăng điểm ngắn hạn lên vùng kháng cự 550 - 570 điểm. Chúng tôi cho rằng phiên 3/4 thị trường sẽ tiếp tục tăng điểm và cơ hội trading ngắn hạn T+ hiện hữu với nhiều cổ phiếu”.  

IVS đánh giá: “Việc giảm mạnh rồi tăng mạnh thiết nghĩ nhà đầu tư đừng quá hưng phấn hay bi quan. Ở góc độ đầu tư, chúng tôi vẫn cho rằng cơ hội đang dần mở ra nhưng chưa thực sự rõ nét. Thị trường sẽ có sự phân hóa mạnh trong những phiên tới đây, có những cổ phiếu sẽ gia tăng mạnh, ngược lại có những mã sẽ quay đầu giảm. Phiên 3/4 thị trường duy trì được nhịp tăng nhẹ và tái chiếm mốc 550 điểm thì sự tích cực là tốt hơn. Tuy nhiên, sẽ còn mất một khoảng thời gian đối mặt tại mốc 550 điểm trước khi có diễn biến mới”.

Còn MBKE cho rằng: “Dù nhìn nhận thị trường đang có những diễn biến cân bằng hơn và pha phục hồi kỹ thuật có thể được tiếp tục trong thời gian tới, chúng tôi vẫn bảo lưu cái nhìn thận trọng trong bối cảnh hiện nay. Một tỷ trọng cân bằng giữa tiền và cổ phiếu vẫn là khuyến nghị chủ đạo của chúng tôi”.

Tổng kết tuần giao dịch từ 30/3 đến 3/4, diễn biến thị trường quả đúng không dành cho người yếu tim khi liên tục tăng giảm đan xen với biên độ dao động lớn. Điều này thể hiện tâm lý nhà đầu tư chưa thực sự ổn định ở thời điểm hiện tại. Dẫu vậy, điểm tích cực là khối ngoại đã nhức nhắc mua ròng trở lại sau chuỗi rút vốn ròng mạnh liên tục vừa qua.

Về các chỉ số, trong tuần qua, dù có số phiên tăng (3 phiên) nhiều hơn so với số phiên giảm (2 phiên), VN-Index vẫn giảm 3,47 điểm (-0,61%) xuống 547,85 điểm. Tương tự, HNX-Index cũng giảm 0,46 điểm (-0,52%) về 81,93 điểm.

Đối với các Dự, đây tiêp tục là tuần thành công đối với VCSC khi vươn lên dành vị trí số 1 với  04 phiên trúng. Đứng tiếp sau là IVS, MSBS, BSC, MBKE với cùng 2 phiên trúng. Trong khi SHS, MBS, SSI, cùng trúng 1 phiên.

Ở chiều ngược lại, trật nhiều nhất tuần là MSBS, BSC và IVS nhưng chỉ với 2 phiên. Trong khi SSI, VCSC, VDSC và KIS cùng trật 1 phiên.

Đối với danh hiệu “còi vàng”, BVSC chiếm thế “độc tôn” của tuần với cả 5 phiên nhận định trung lập. Bám sát phía sau là VDSC và KIS với cùng 4 phiên trung lập.

TRÚNG

TRUNG LẬP

TRẬT

T2/30/3

HOSE(-6,23/1,13%/545,19)

HNX(-0,81/0,98%/81,59)

BSC, MBKE, VCSC, MSBS, SHS

BVSC, MBS, KIS, SSI, VDSC

IVS

T3/31/3

HOSE(+5,94/1,09%/551,13)

HNX(+0,69/0,84%/82,27)

MBS, VCSC, BSC

BVSC, MSBS, MBKE, SHS, IVS, SSI, VDSC, KIS

T4/1/4

HOSE(-12,12/2,22%/538,91)

HNX(-1,8/2,19%/80,47)

IVS

BVSC, MBKE, VDSC, SHS, MBS, KIS

MSBS, BSC, SSI, VCSC

T5/2/4

HOSE(+7,94/1,47%/546,85)

HNX(+1,13/1,4%/81,6)

VCSC, SSI

SHS, BVSC, MBKE

MBS, IVS, MSBS, KIS, VDSC, BSC

T6/3/4

HOSE(+1/0,18%/547,85)

HNX(+0,33/0,41%/81,93)

MBKE, VCSC, MSBS, IVS

SHS, KIS, MBS, BSC, BVSC, VDSC, SSI

Tin bài liên quan