Tại hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư vào BSR chiều 5/1 tại Hà Nội, ông Darrell Ec, đại diện Tập đoàn năng lượng Vitol Asian Pte cho biết, Vitol quan tâm tới thị trường lọc hoá dầu Việt Nam bởi đây là thị trường có tiềm năng phát triển lớn.
Theo đánh giá của Vitol, Việt Nam sẽ có nhiều nhà máy lọc hoá dầu trong tương lai nhưng với tốc độ tăng trưởng nhu cầu tiêu dùng xăng dầu của Việt Nam ở mức cao như hiện nay thì việc đầu tư vào các nhà máy lọc dầu như Bình Sơn sẽ là cơ hội tốt để các công ty nước ngoài mở rộng phạm vi hoạt động tại thị trường xăng dầu Việt Nam cũng như tham gia sâu vào lĩnh vực dầu khí nhiều tiềm năng.
Vì vậy, Vitol Asian Pte mong muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược của BSR để có cơ hội tham gia vào thị trường xăng dầu Việt Nam, ông Darell nhấn mạnh.
Còn bà Nguyễn Thanh Phượng, đại diện tại Việt Nam của Tập đoàn SNT (Hoa Kỳ) cho biết: Với kinh nghiệm về lọc dầu, thăm dò khai thác dầu khí và thương mại dầu khí lâu đời trên thế giới, SNT đã cân nhắc giữa cơ hội và rủi ro để quyết định sẽ mua tới 49% cổ phần của BSR.
Theo bà Phượng, với thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của BSR hiện nay và tiềm năng phát triển dài hạn trong tương lai của BSR sau khi mở rộng nâng cấp Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, SNT nhìn thấy cơ hội tốt để tham gia vào những khâu có tiềm năng lợi nhuận nhưng chưa được khai thác lớn tại BSR.
Đơn cử, lĩnh vực hoá dầu của BSR mới chỉ đóng góp tỷ trọng 10% lợi nhuận trong khi nhu cầu các sản phẩm hóa dầu tại thị trường Việt Nam đang rất lớn và Công ty có thể nâng lên mức 40%. Nếu có thêm kinh nghiệm, công nghệ của các tập đoàn năng lượng lớn trên thế giới, BSR có thể khai thác thêm nhiều dư địa tăng trưởng, bà Phượng nhận định.
Bà Phượng cho biết thêm, với triển vọng tăng trưởng kinh tế ổn định và bền vững của Việt Nam trong những năm tới đây, SNT thực sự muốn đầu tư lâu dài vào lĩnh vực dầu khí và các sản phẩm lọc hoá dầu tại Việt Nam,
Tại Hội thảo, Tổng Giám đốc BSR Trần Ngọc Nguyên cho biết, hiện dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã hoàn thành thiết kế kỹ thuật tổng thể, đang chuẩn bị lựa chọn nhà thầu EPC.
Sau khi dự án hoàn thành vào cuối năm 2021, công suất lọc dầu Dung Quất sẽ tăng từ 6,5 triệu tấn dầu thô/năm hiện nay lên 8,5 triệu tấn dầu thô/năm, đáp ứng tới 60% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước.
Đặc biệt, công nghệ của dự án cho phép có thể chế biến tới 300 loại dầu thô so với 15 loại như hiện nay. Như vậy, giá thành sản phẩm Dung Quất sẽ rất cạnh tranh nhờ sử dụng được rộng rãi nguồn dầu thô giá rẻ trong và ngoài nước.
Bên cạnh những lợi thế đã được đề cập, nhiều nhà đầu tư cũng đã đặt câu hỏi về các giải pháp ứng phó của BSR trước những rủi ro có thể phát sinh như sức ép cạnh tranh từ Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn (công suất tới 10 triệu tấn dầu thô/năm, đồng thời có hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong 10 năm) hay rủi ro về tỷ giá, chi phí lãi vay cho dự án nhà máy mở rộng…
Vào ngày 17/1, BSR sẽ là doanh nghiệp đầu tiên thực hiện IPO trong năm nay, mở màn cho công tác cổ phần hóa DNNN và thoái vốn trong năm 2018. Đợt IPO có quy mô chào bán hơn 3.500 tỷ đồng tính theo giá khởi điểm 14.600 đồng/cổ phần.
Sau đợt IPO, BSR sẽ triển khai việc bán 49% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược.