SCB đang dành mọi nguồn lực để đẩy mạnh tái cấu trúc

SCB đang dành mọi nguồn lực để đẩy mạnh tái cấu trúc

Nhiều ngân hàng nói “không” với cổ tức 2014

(ĐTCK) Trước bối cảnh thị trường khó khăn, nợ xấu không ngừng tăng, buộc phải hy sinh lợi nhuận trích dự phòng rủi ro, nhiều ngân hàng cho biết, có thể sẽ không còn lợi nhuận để chia cổ tức 2014 và có thể cả năm 2015.

Ưu tiên cho trích lập dự phòng rủi ro

Khép lại năm 2014, một số nhà băng đã công bố hoàn thành hoặc vượt chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra. Sau những ngân hàng thuộc tốp đầu như BIDV hay Vietinbank công bố con số lợi nhuận “khủng”, nhiều ngân hàng quy mô nhỏ và vừa như Nam A Bank, DongA Bank, OCB, SCB… cũng cho biết đạt kế hoạch lợi nhuận trước thuế. Cụ thể, NamA Bank đạt hơn 240 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vượt gần 30% chỉ tiêu đưa ra; SCB hoàn thành 100% chỉ tiêu đưa ra. Hay với DongA Bank, lợi nhuận trước thuế năm 2014 được ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng cho biết, đạt khoảng 800 tỷ đồng.

Đáng chú ý, ở những ngân hàng có thế mạnh về cho vay phân tán, nhỏ lẻ như Sacombank, lợi nhuận ước tính cả năm 2014 đạt mức khá cao. Ngân hàng hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2014, với trên 3.000 tỷ đồng.

Nhiều ngân hàng công bố đạt kế hoạch, nhưng nhìn vào con số thực tế, có thể thấy chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra cho năm 2014 khá khiêm tốn. Dẫu vậy, theo khẳng định của các nhà băng, để hoàn thành được kế hoạch lợi nhuận cũng không dễ dàng gì. Trong bối cảnh nợ xấu vẫn tiếp tục tăng mạnh, các ngân hàng phải hy sinh lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro.

Tuy nhiên, theo quan điểm của các nhà băng, cần phải trích lập dự phòng đầy đủ đối với các khoản nợ xấu, dù có phải hy sinh lợi nhuận để đảm bảo an toàn cho hoạt động của ngân hàng và đây cũng là chủ trương mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra. Mặt khác, khoản dự phòng rủi ro bản chất là “của để dành” cho tương lai, nếu không cần dùng tới thì nó sẽ quay trở lại thành khoản thu nhập bất thường cho ngân hàng. 

Nhiều ngân hàng sẽ không có cổ tức

Ưu tiên cho việc trích lập dự phòng rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động, không ít ngân hàng sẽ khó có thể thực hiện nghĩa vụ cổ tức năm 2014 với cổ đông.

Đơn cử như tại Eximbank, nhìn vào con số dư nợ tín dụng năm 2014, với biên lợi nhuận 3%, thì ước tính, Ngân hàng sẽ có lợi nhuận ròng trước trích lập dự phòng rủi ro khoảng 2.600 tỷ đồng. Song theo lãnh đạo Eximbank, với chủ trương của HĐQT Eximbank là trích lập đủ dự phòng rủi ro để đảm bảo an toàn trong hoạt động, nên khả năng năm nay, Ngân hàng chỉ có lợi nhuận vài chục tỷ đồng.

Lãnh đạo Eximbank cũng khẳng định, nếu trích đủ dự phòng rủi ro, lợi nhuận còn lại sau thuế sẽ không nhiều nên khả năng chính sách cổ tức năm 2014 cũng sẽ phải được xem xét lại, thậm chí không loại trừ trường hợp không chia. Theo kế hoạch đã được ĐHCĐ Ngân hàng thông qua, cổ tức năm 2014 ở mức 8,5%. Đến nay, Eximbank chưa thực hiện tạm ứng đợt cổ tức nào cho cổ đông.

Eximbank là một trong những ngân hàng tích cực trong xử lý nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.

Trên thực tế, những năm gần đây, trước bối cảnh khó khăn của thị trường, ảnh hưởng hoạt động ngân hàng, lợi nhuận làm ra phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu, nên cổ đông nhiều ngân hàng khó kỳ vọng chính sách cổ tức, dù chỉ 1 - 2%.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cũng cho hay, OCB đang trong quá trình thực hiện Đề án Tái cấu trúc đến năm 2015. Theo ông Tùng, nếu chỉ để đáp ứng theo yêu cầu tái cấu trúc theo Đề án của NHNN thì không quá khó khăn, nhưng để đáp ứng được kỳ vọng tái cấu trúc của OCB thì còn nhiều thách thức, vì đòi hỏi phải có nhiều thời gian và sự đầu tư.

“Chúng ta cũng cần phải hiểu rằng, với những ngân hàng đang giai đoạn tái cấu trúc thì không thể kỳ vọng hiệu quả ngay sau giai đoạn tái cơ cấu, mà cần phải có thời gian để hồi phục. Vì thế, không thể nhìn kết quả tái cấu trúc của ngân hàng ngay sau 1 năm hay mà là cả một thời gian dài”, ông Tùng nói và cho biết, với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 350 tỷ đồng cũng khó hoàn tất, vì dự phòng cao. Vì thế, năm qua OCB chưa lần nào tạm ứng cổ tức và vẫn bỏ ngỏ chính sách này.

Thách thức lớn nhất đối với các ngân hàng đang gặp phải là nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi khó khăn, dẫn đến một bộ phận doanh nghiệp và người dân gặp khó trong việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ với ngân hàng. Đồng thời, biên lãi ngày càng giảm dẫn đến thu nhập từ tín dụng ngày càng giảm, cộng chính sách trích lập dự phòng ngày càng chặt chẽ hơn đang thách thức khả năng sinh lời của tất cả các ngân hàng, nên khó kỳ vọng cổ tức.

Tin bài liên quan