Ngân hàng Quân đội (MB) và công ty con lãi 3.800 tỷ đồng sau khi kết thúc hoạt động 2 quý đầu năm, tăng mạnh so với lợi nhuận trước thuế hợp nhất cùng kỳ năm trước (2.514 tỷ đồng). Năm nay, MB đặt mục tiêu lãi trước thuế hợp nhất 6.800 tỷ đồng, trong đó riêng Ngân hàng đạt 6.500 tỷ đồng. Với kết quả 6 tháng đầu năm khả quan, MB cho biết, Ngân hàng có thể hoàn thành vượt mức kế hoạch lợi nhuận năm 2018.
Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đạt 7.700 tỷ đồng lợi nhuận sau nửa đầu năm, dự báo sẽ hoàn thành vượt mục tiêu 13.000 tỷ đồng lợi nhuận khi kết thúc năm 2018, nhất là khi hoạt động thoái vốn khỏi Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) và MB theo lộ trình có thể giúp Ngân hàng ghi nhận thêm cả nghìn tỷ đồng vào lợi nhuận. Một số công ty chứng khoán nhận định, nhờ yếu tố thoái vốn này, nhiều khả năng lợi nhuận của Vietcombank trong năm nay sẽ đạt mức 14.000 tỷ đồng.
Với Ngân hàng Phương Đông (OCB), 6 tháng đầu năm 2018 đạt hơn 1.300 tỷ đồng lợi nhuận, nên việc đạt 700 tỷ đồng lợi nhuận trong nửa cuối năm để hoàn thành mục tiêu cả năm được đánh giá là “dễ như trở bàn tay”. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB chia sẻ, Ngân hàng tự tin với kế hoạch 2.000 tỷ đồng lợi nhuận đã đề ra.
Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) cho hay, với kết quả kinh doanh tích cực trong nửa đầu năm và triển vọng tốt hơn trong thời gian tới, cả năm 2018, VIB có thể lãi trên 2.500 tỷ đồng, vượt 25% so với kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua từ tháng 4.
Trong khi đó, tại Ngân hàng Phát triển nhà TP.HCM (HDBank), Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hơn 3.900 tỷ đồng cho năm nay. Mới đây, lãnh đạo nhà băng này cho biết, sau khi việc sáp nhập với PGBank được hoàn tất thì lợi nhuận có thể đạt hơn 4.700 tỷ đồng.
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng Á Châu (ACB) cũng là các nhà băng được dự báo sẽ có đột phá về lợi nhuận trong nửa đầu năm nay và có khả năng thực hiện vượt chỉ tiêu lợi nhuận khi kết thúc năm.
Lợi nhuận của cả hệ thống ngân hàng năm 2018 được kỳ vọng tăng trên 19% so với năm 2017. Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh tại các tổ chức tín dụng được tiến hành vào đầu tháng 6/2018 của Vụ Dự báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước, hầu hết các tổ chức tín dụng đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh tăng trưởng tốt trong quý II/2018 và kỳ vọng kết quả cả năm sẽ tăng trưởng so với năm trước. 88% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế trong năm 2018 của đơn vị tăng trưởng dương so với năm 2017. Lợi nhuận toàn hệ thống kỳ vọng tăng trưởng 19,05% trong năm 2018, cao hơn so với mức kỳ vọng tăng 18,2% ghi nhận tại cuộc điều tra quý I/2018.
Theo TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế, ngoài hoạt động chính là tín dụng, lợi nhuận mà các ngân hàng thu về còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như chi phí hoạt động, trích lập dự phòng rủi ro, thu hồi nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu của VIB đến cuối tháng 6/2018 ở mức 2,3%, tỷ lệ nợ xấu của ACB trên dưới 1%... Nợ xấu của các ngân hàng có xu hướng giảm trong nửa đầu năm nay, kéo theo dự phòng rủi ro giảm, thậm chí một số ngân hàng còn được hoàn nhập dự phòng.
Toàn hệ thống đã xử lý được 100.500 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội, tính lũy kế từ tháng 8/2017 đến tháng 3/2018. Tổng nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng chiếm 2,18% tổng dư nợ.
Tuy nhiên, chi phí hoạt động của các ngân hàng thường có xu hướng tăng trong những tháng cuối năm khi buộc phải hạch toán đầy đủ các khoản chi phí phát sinh trước khi kết thúc năm tài chính, trong đó có những khoản đã chi trong 6 tháng đầu năm nhưng chưa được hạch toán. Đồng thời, các nhà băng thường chi thưởng Tết không nhỏ. Do đó, lợi nhuận 6 tháng cuối năm của một số ngân hàng có thể sẽ không bằng 6 tháng đầu năm.