Tại Triển lãm Hàng không Paris đang diễn ra, Mitsubishi Aircraft vừa ra mắt máy bay mới có tên MRJ.
Máy bay chở khách sức chứa 92 người này được quảng cáo sẽ thay đổi việc bay nội địa tại Mỹ và chen chân và thị trường từ lâu do Bombardier (Canada) và Embraer (Brazil) thống trị.
Đây là máy bay thương mại đầu tiên do Nhật sản xuất kể từ năm 1962. MRJ vẫn có hai động cơ, hai cánh và cabin nhỏ hơn một chút so với các đối thủ. Tuy nhiên, điểm nổi bật của nó là phần mũi nhọn khá giống các tàu cao tốc nổi tiếng của Nhật.
Mitsubishi cho biết máy bay này sẽ tiết kiệm 20% nhiên liệu, nhờ thiết kế khí động học hoàn toàn mới và bộ đôi động cơ tiên tiến.
Chúng sẽ giúp các hãng bay mở thêm các tuyến ngắn, vốn không mang lại lợi nhuận với các dòng máy bay ngày nay. Động cơ Pratt & Whitney mới cũng sẽ giảm ồn, giảm xả thải, cho phép máy bay ra vào các sân bay bị kiểm soát chặt.
Dù vậy, phải đến năm 2020, máy bay này mới có thể chở khách. Trong vài năm tới, nó sẽ thực hiện các chuyến bay thử tại Mỹ, do vùng trời Nhật Bản hiện khá chật hẹp.
MRJ được lắp ráp tại Nagoya (Nhật Bản) và là một sản phẩm đa quốc gia, với nửa thành phần được sản xuất bởi các công ty Mỹ.
All Nippon Airways sẽ là hãng bay đầu tiên sử dụng MRJ. Tuy vậy, 80% trong số 400 đơn hàng và cam kết mua MRJ lại đến từ các hãng bay nội địa Mỹ.
Từ nhiều thập kỷ nay, Mitsubishi Heavy Industries - công ty mẹ của Mitsubishi Aircraft đã sản xuất linh kiện phức tạp cho các hãng máy bay, như Boeing.
Tuy nhiên, đến năm 2000, họ quyết định gia nhập cuộc chơi. Mitsubishi muốn chứng minh họ có thể tự thiết kế và tạo ra một chiếc máy bay - việc mà chỉ vài nước trên thế giới có thể làm được.
Ban đầu, MRJ dự kiến chở khách từ năm 2013. Tuy nhiên, đến năm 2015, nó mới cất cánh lần đầu tại Nhật Bản.
Năm ngoái, Mitsubishi bắt đầu nhận thấy việc thiếu kinh nghiệm cũng gây ra khá nhiều vấn đề. Họ chỉ muốn thay đổi một thiết bị điện tử. Tuy nhiên, thay đổi này lại kéo theo cái khác, liên quan đến cả máy bay.
Cuối cùng, Mitsubishi phải thiết kế lại cả hệ thống dây điện. Vì thế, thời hạn chở khách được lùi sang năm 2020.
Họ đã tuyển thêm nhiều chuyên gia trong lĩnh vực hàng không tại Mỹ, châu Âu và Canada để giám sát dự án này. 13 người trong nhóm lãnh đạo chương trình đến từ 10 nước khác nhau.
Dù Mitsubishi sản xuất MRJ khá chật vật, các đối thủ của họ vẫn tỏ ra dè chừng. “Họ là đối thủ mới. Chúng tôi sẽ thận trọng quan sát”, CEO Embraer - Paulo Cesar de Souza e Silva cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm qua.