Ảnh Shutter

Ảnh Shutter

Góc nhìn giao dịch chứng khoán tuần mới: Nguy hiểm nếu chạy theo sóng ngành

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong thời gian vừa qua, thị trường đã chứng kiến một số nhóm ngành tạo sóng, như nhóm vật liệu xây dựng, nhưng theo các chuyên gia, không phải doanh nghiệp nào trong ngành cũng tốt.

Chỉ số VN-Index đang chạm vùng cản mạnh tại ngưỡng 856 điểm. Đúng như dự báo tuần trước, thị trường đang có phần giao dịch giằng co tại đây để quan sát thêm về tình hình dịch bệnh. Ông/bà có góc nhìn như thế nào về xu hướng giao dịch trong tuần tới?

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Thị trường đã có sự phân phối đỉnh sau khi có đợt phục hồi đáng kể hơn 70 điểm kể từ vùng đáy 780. Dù có vài phiên rung lắc, nhưng thị trường vẫn duy trì giao dịch ổn định ở mức khá cho thấy dòng tiền vẫn ở lại thị trường.

Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn có mức tăng trưởng tốt tạo sự kỳ vọng cho nhà đầu tư.

Các yếu tố kỹ thuật cho thấy khi càng gần vùng đỉnh cũ 860 - 880 điểm thì áp lực bán sẽ càng mạnh hơn. Thị trường tuần sau sẽ tiếp tục phân hóa mạnh hơn khi hầu hết các doanh nghiệp đã công bố báo cáo quý II, vì vậy nhà đầu tư sẽ hướng trọng tâm vào nhóm cổ phiếu có câu chuyện riêng như tăng vốn, chia cổ tức hay các hoạt động M&A, thoái vốn. Việc rung lắc điều chỉnh sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư nhiều hơn để tích lũy cổ phiếu.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán MBS

Theo phân tích kỹ thuật, sau 2 tuần tăng liên tiếp, chỉ số VN-Index đang gặp vùng cản mạnh ở ngưỡng 856 điểm, đây cũng là lần thứ 4 thị trường không thể vượt được đường xu hướng giảm kể từ đầu năm đi qua các đỉnh tháng 6 và tháng 7, thanh khoản tuần vừa qua cũng tăng 9% so với tuần trước đó, đạt hơn 4.069 tỷ đồng trên sàn HOSE cho thấy áp lực bán ở vùng cản mạnh.

Do vậy, dòng tiền có xu hướng dịch chuyển từ nhóm cổ phiếu trụ hoặc nhóm bluechips sang nhóm smallcap để tìm kiếm cơ hội. Nhóm smallcap đã có 2 tuần tăng cao hơn so với các nhóm còn lại, bên cạnh đó là sự hỗ trợ của thanh khoản.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc điều hành Khối Môi giới trong nước, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC)

Về yếu tố kỹ thuật, tín hiệu kỹ thuật trung hạn của VNMidcap quay trở lại trạng thái Trung tính, tương tự như tín hiệu của VN-Index và VN30. Trong khi đó, tín hiệu trung hạn của HNX-Index, VNSmallcap tạm thời vẫn duy trì trạng thái Tích cực.

Góc nhìn giao dịch chứng khoán tuần mới: Nguy hiểm nếu chạy theo sóng ngành ảnh 1

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh

Dự báo trong phiên giao dịch đầu tuần tới, việc VN-Index được hỗ trợ bởi đường MA5 và MA100 tại 848-850 điểm có thể giúp thị trường có sự hồi phục nhất định. Tuy nhiên, nếu nhịp phục hồi này có dấu hiệu không mạnh thể hiện bởi 1) khối lượng giao dịch không cao trong nhịp tăng; 2) mức điểm tăng không vượt qua được đỉnh của phiên cuối tuần tại 860 điểm, thì nhiều khả năng áp lực bán sẽ quay trở lại.

Khi đó, VN-Index có thể sẽ cần kiểm định lại hỗ trợ tại 848-850 điểm mà nếu đóng cửa phía dưới ngưỡng này, chỉ số sàn HOSE có thể đối diện với một nhịp điều chỉnh dài và mạnh hơn, hướng về các hỗ trợ phía dưới tại 840 điểm (MA10), 830 điểm (MA20) hoặc 825 điểm (MA50).

Trong bối cảnh thanh khoản chưa được cải thiện, dòng tiền vẫn thận trọng và có sự phân hóa rộng trên thị trường. Nếu so với tổng thể, dòng tiền vẫn có sự “ưu ái” đối với nhóm vật liệu xây dựng (đặc biệt VCG). Nhưng thực tế, nhóm ngành vật liệu xây dựng nói chung đã tăng tương đối tốt giai đoạn vừa rồi, nhờ sự kỳ vọng vào đầu tư công. Việc chạy theo nhóm này ở có tiềm ẩn rủi ro không, theo các ông/bà?

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Khi các dòng cổ phiếu bluechip trụ chính đi ngang thì các nhóm cổ phiếu tầm trung và penny sẽ thay phiên nhau tạo sóng điều tiết thị trường. Những đợt sóng ngành ngắn như nhóm bất động sản khu công nghiệp, vật liệu xây dựng, bán lẻ… tạo sự hưng phấn cho nhà đầu tư giúp xoay vòng vốn chứng khoán nhanh hơn thay vì đầu tư trung và dài hạn.

Các nhóm vật liệu xây dựng trên sàn hiện nay khá đa dạng với nhiều doanh nghiệp đầu ngành lớn như dạng VCG, HPG, HSG…, nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp tầm trung và nhỏ.

Hoạt động kinh doanh cũng rất đa dạng mà đợt dịch Covid kéo dài cũng ảnh hưởng rất nghiêm trọng những doanh nghiệp nhỏ có vốn thấp nhưng nợ vay cao, nên rất khó khăn xoay vòng vốn.

Có những phiên chỉ vì một thông tin tốt nào đó về ngành xuất hiện thì đồng loạt tất cả cổ phiếu thuộc nhóm ngành đó đều tăng mạnh. Việc đua theo mua giá cao ở những cổ phiếu chất lượng kém nhưng ăn theo ngành sẽ khá nguy hiểm, vì sự tăng trưởng chỉ kéo dài vài phiên.

Cách hiệu quả nhất là trong một nhóm ngành chỉ nên chọn từ 3 - 5 cổ phiếu tốt nhất để theo dõi và chờ cơ hội mua khi giá điều chỉnh sẽ an toàn hơn là mua theo xu hướng.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán MBS

Nhóm ngành vật liệu xây dựng có mức độ tập trung vốn khá tốt, chiếm tỷ trọng khoảng 16% và chỉ đứng sau nhóm ngân hàng trên toàn thị trường. Tỷ suất lợi nhuận bình quân của nhóm này đang có mức tăng trưởng 9,5% kể từ đầu năm so với mức giảm 11,47% của chỉ số VN-Index.

Góc nhìn giao dịch chứng khoán tuần mới: Nguy hiểm nếu chạy theo sóng ngành ảnh 2

Ông Ngô Quốc Hưng

Các cổ phiếu nổi bật trong nhóm này có mức tăng khá tốt kể từ đầu năm như: HPG (+25,36%), HSG (+50,58%), VGC (+21,18%), BMP (+21,75%), VCG (+8,2%)… Như vậy, so với thị trường chung, nhóm cổ phiếu vật liệu xây dựng đang có tỷ suất lợi nhuận tốt hơn, đồng thời lại rất thanh khoản, phù hợp với dòng tiền đầu cơ như hiện nay.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc điều hành Khối Môi giới trong nước, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC)

Theo tôi là có sự rủi ro vì nhiều lý do. Thứt nhất, dịch Covid giai đoạn 2 diễn biến vẫn còn khó lường, do vậy quá trình hồi phục kinh tế còn chậm, tương ứng với việc giải ngân đầu tư công có nhưng chỉ mới bắt đầu.

Thứ hai, ngành vật liệu xây dựng bị ảnh hưởng nhiều bởi ngành bất động sản, trong khi đó dịch Covid-19 và việc trì hoãn thủ tục cấp phép dự án đang diễn ra ảnh hưởng đến cả nguồn cung và cầu trong 6 tháng đầu năm 2020.

Chúng tôi nhận thấy nhiều chủ đầu tư đã trì hoãn kế hoạch mở bán ban đầu do gián đoạn kinh tế đến từ dịch Covid-19 và chỉ thị giãn cách xã hội toàn quốc diễn ra vào tháng 4/2020, do đó tiến độ xây dựng các dự án xây dựng cũng còn chậm.

Thị trường quan tâm nhất vẫn là câu chuyện về cổ phiếu. Với tỷ trọng vốn hóa trên thị trường lớn, cổ phiếu ngân hàng vẫn có sức ảnh hưởng nhất định đến TTCK. Ngoại trừ P/B (thị giá cổ phiếu/giá trị sổ sách) của VCB đang ở mức 3,2, của BID là 1,9 thì phần lớn P/B của nhóm cổ phiếu ngân hàng đang ở mức quanh 1. Ông/bà đánh giá ra sao về triển vọng của nhóm cổ phiếu ngân hàng, tài chính ở thời điểm hiện tại và từ nay đến cuối năm?

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng hiện tại vẫn chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn nhất và cũng là nhóm ngành có tầm ảnh hưởng hàng đầu trong điều hành vĩ mô vì vậy nhà đầu tư luôn có sự quan tâm đặc biệt hơn hẳn các nhóm ngành khác.

Đợt dịch Covid năm nay rõ ràng đã tác động rất lớn đến ngành này và làm chậm lại đà tăng trưởng của hầu hết các ngân hàng trong năm nay. Các ngân hàng sẽ chịu nhiều áp lực lớn khi nợ xấu đang gia tăng đi kèm với việc phải xử lý các khoản nợ còn tồn động một mặc khá vẫn tiếp tục hỗ trợ cho vay ưu đãi các nhóm khách hàng cũ cùng với việc giãn nợ để doanh nghiệp có thời gian hồi phục là điều khá khó khăn.

Góc nhìn giao dịch chứng khoán tuần mới: Nguy hiểm nếu chạy theo sóng ngành ảnh 3

Ông Nguyễn Hồng Khanh

Chưa kể, các ngân hàng phải giải quyết bài toán tăng vốn từ nay đến cuối năm trong bối cảnh khó khăn hiện tại. Một điều chắc chắn là hầu hết các ngân hàng sẽ phải cơ cấu lại hoạt động để tiết giảm chi phí, tăng tốc đầu tư phát triển hạ tầng để chuyển đổi số hóa.

Nhiều ngân hàng sẽ phải ráo riết tăng vốn thông qua các hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu hay phát hành trái phiếu để sớm hoàn thành chuẩn mực Basel II. Những ngân hàng có chất lượng tốt qua giai đoạn này sẽ có sự cách biệt ngày càng lớn hơn so với phần còn lại và cũng dễ vượt qua khủng hoảng tốt hơn nhờ chất lượng quản trị rủi ro tốt hơn. Sẽ cần có một thời gian tích lũy, nhưng tôi cho rằng kể từ quý IV/2020 nhóm ngân hàng sẽ sớm khởi sắc trở lại.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán MBS

Theo tôi, nhóm cổ phiếu ngân hàng nếu không đóng vai trò là “nhạc trưởng” dẫn dắt thị trường thì cũng là nhóm không thể thiếu được trong danh mục của các nhà đầu tư khi hội tụ đủ 3 yếu tố để vừa là nhóm cổ phiếu có thể đầu tư giá trị vừa có thể đầu cơ như:

1)Thanh khoản cao nhất thị trường: Nhóm cổ phiếu ngân hàng có mức tập trung vốn lớn nhất thị trường hiện nay, trong cơ cấu thanh khoản toàn thị trường, thanh khoản nhóm này chiếm gần 30%. Nhờ thanh khoản cao như vậy, với lượng vốn giải ngân lớn nhóm cổ phiếu ngân hàng luôn mặt trong danh mục của các quỹ đầu tư và các quỹ ETF nội.

2) Giá đang chiết khấu dưới tác động của Covid-19 và trích lập dự phòng: Kể từ đầu năm, nhóm này đang bị tụt lại phía sau khi tỷ suất lợi nhuận bình quân vẫn âm 6,4% do VCB (-9,1%), BID (-15,5%), MBB (-17,3%), TCB (-15,92%)…, đã lấn át mức tăng của các cổ phiếu khác trong nhóm như: CTG (+12,44%), STB (+6,47%), ACB (+10,96%), VIB (+17,34%)...

3) Xu hướng dịch chuyển từ cổ phiếu tăng trưởng sang cổ phiếu giá trị: Các cổ phiếu ngân hàng sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ việc tái mở cửa nền kinh tế cũng như sự phục hồi của nền kinh tế, mặt khác nhóm cổ phiếu ngân hàng thuộc nhóm cổ phiếu giá trị, trong khi về định giá thì nhóm cổ phiếu giá trị đang bị định giá ở mức thấp so với nhóm cổ phiếu tăng trưởng đang được định giá quá cao trên toàn cầu.

Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc điều hành Khối Môi giới trong nước, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC)

Kết quả 6 tháng đầu năm của một số ngân hàng vẫn còn tốt do độ trễ của ảnh hưởng dịch Covid , tuy nhiên 6 tháng cuối năm sẽ ảnh hưởng nhiều hơn, dự phòng nợ xấu tăng lên, tăng trưởng tín dụng chậm lại...

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp thì việc nhiều tổ chức uy tín kỳ vọng GDP của Việt Nam sẽ hồi phục mạnh trong năm 2021 có thể xem là điểm sáng. Ông/bà nhìn nhận như thế nào về khả năng thị trường hình thành vùng đáy thứ 2 trong nhịp này để tạo nền cho một chu kỳ hồi phục dài hơn?

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Các thông tin về vắc-xin đang tạo một sự hưng phấn nhất định lên thị trường và có thể tạo một đợt hồi phục ngắn trong thời gian tới. Ở vùng giá hiện tại, nếu so sánh với hoạt động doanh nghiệp năm nay cho thấy định giá nhiều cổ phiếu hiện tại không hẳn là hấp dẫn do chất lượng tài sản suy giảm và lợi nhuận cũng khó đạt kế hoạch đề ra.

Thị trường sẽ có thêm vài nhịp rung lắc để tạo một mặt bằng giá hấp dẫn hơn cho năm sau. Nói vậy không phải nói thị trường đang đi vào downtrend, mà là thị trường đang rất gần điểm hồi phục và tăng trưởng trở lại.

Việt Nam vẫn đang là điểm sáng kinh tế toàn cầu trong năm nay nhờ khả năng chống dịch hiệu quả và là điểm đến chuyển dịch đầu tư nhiều tập đoàn kinh tế lớn vì vậy việc đầu tư cổ phiếu đón đầu trong thời điểm hiện tại là thích hợp nhất so với các kênh đầu tư khác.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán MBS

Thị trường chứng khoán vẫn chịu tác động từ diễn biến khó dự đoán của dịch bệnh, bên cạnh đó là căng thẳng thương mại và ngoại giao Mỹ - Trung và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 là những biến cố sẽ ảnh hưởng đến nhịp phục hồi của thị trường từ nay đến cuối năm.

Với nhiều biến số bất định như vậy thì việc dự báo cho một chu kỳ phục hồi dài hơi là rất khó hoặc còn quá sớm, do vậy thay vì dự báo thị trường nhà đầu tư nên chuẩn bị các phương án hoặc các kịch bản giao dịch phù hợp với diễn biến của thị trường.

Về kỹ thuật, thị trường hiện tại vẫn đang trong nhịp hồi phục kể từ vùng đáy 780 điểm, xu hướng tăng vẫn chưa bị ảnh hưởng. Tuy vậy, nếu nhìn dài hơn một chút thì thị trường vẫn đang trong xu hướng giảm kể từ đầu năm và chưa vượt qua trendline giảm giá từ đầu năm đi qua các đỉnh trong tháng 6 và tháng 7.

Do vậy, điều kiện cần để thị trường hình thành vùng đáy thứ 2 trong nhịp này để tạo nền cho một chu kỳ phục hồi dài hơn là phải bứt phá thành công qua ngưỡng cản kỹ thuật này và các yếu tố tác động như trên phải có chuyển biến tích cực cho đến khi có vác xin phòng dịch.

Tin bài liên quan