1 Tôi vừa có chuyến công tác dài ngày tại Đà Nẵng và Huế. Ở Đà Nẵng, rất hên, tôi không phải trả tiền khách sạn. Cậu em học chung trường thời phổ thông, hiện đang là nhà đầu tư bất động sản đã hứa rằng, có căn villa đang không có người thuê nên sẽ dành cho tôi ở vài đêm. Từ sân bay, cậu đón tôi để đưa cho chùm chìa khóa cùng những lời dặn dò chu đáo.
Phải rất khó khăn, tôi mới mở được khóa cổng - chiếc khóa vòng đơn giản giống như khóa xe đạp đã bị rỉ sét, vì lâu ngày không có hơi người. Trước đây, căn nhà cùng khu vườn rộng 170 mét này được cho người nước ngoài thuê với giá 600 USD. Rồi nhà cũ đi, lại nằm lọt trong khu dân cư ít tiện ích, nên khách chẳng mặn mà lắm. Chủ nhân lại có series các căn villa rộng hơn nằm ở vị trí khác nên trưng biển bán. Tuy vậy, tấm biển đã bị nắng gió ăn bạc màu mà chưa thấy có ai điện thoại hỏi mua, dù tính ra chỉ 13 triệu đồng/m2. Mấy người bạn tôi có qua lại ngắm nghía, nhưng vẫn chê giá còn cao. Đất trống xung quanh đó nhiều, cỏ cao lút đầu dù chỉ cách biển chưa đầy 15 phút đi bộ.
Cách nay 4 năm, trong một lần đi công tác, anh bạn làm giảng viên Đại học Bách Khoa Đà Nẵng đã chở tôi vòng vòng khắp thành phố biển được coi là “đáng sống nhất Việt Nam” này để chiêm ngưỡng các dự án đang xây dang dở. Anh khoe, vừa rồi bán liền chục lô đất nên dư tiền mua được chiếc xe hơi Camry đời mới. Mà thú vị nhất là tất cả những nhà đầu tư mua đất của anh, đều là người Hà Nội. Có người không chuyển tiền qua tài khoản, mà để cả bao tải tiền trong cốp xe, chạy từ Thủ đô vào. Coi như vừa đi vừa chơi. Chơi vậy được đánh giá là… chơi sốc!
Ít có nhà đầu tư nào từ Sài Gòn. Chẳng hiểu lý do vì sao…
Những miếng đất trống ở gần biển cỏ lút đầu, anh kể, cũng là của các nhà đầu tư ngoài Bắc hết. Cứ mua và cứ để đó, chẳng ai mang đất đi được. Cũng không lo mối mọt, chẳng lo xuống cấp, không nơm nớp kẻ gian vào đục két. Khi nào có lời thì bán, vậy thôi.
2 Cậu em khẳng định, 5 năm nữa, khu đất vàng ven biển của Đà Nẵng sẽ có bộ mặt khác. “Em cá cược với chị, khi đó không còn đất và mặt bằng giá cả như hiện nay đâu”. Ờ, có thể vậy. Nhưng tôi cũng hơi tặc lưỡi xót tiền khi xe chạy qua căn biệt thự đang xây dở dang của người bạn, tất nhiên cũng từ Hà Nội. Cách nay 3 năm, anh được người quen rủ rê vào Đà Nẵng mua đất để có ngôi nhà thứ hai nghỉ dưỡng cho cả gia đình. Miếng đất 350 m2 thiệt là đã mắt, vuông vắn, nằm trên con đường lớn được sang tay với giá 11 tỷ đồng.
Chỉ 1 năm sau, giá rớt thảm xuống còn 4 tỷ và giờ thì vớt vát lên 8 tỷ đồng. Mà con số 8 tỷ này là dự đoán vậy thôi, chứ giao dịch thực tế tới đâu thì chẳng rõ. Cứ cuối tuần, chủ nhà mua vé máy bay từ Hà Nội vô, đôn đốc thi công rồi đến sáng thứ Hai lại sấp ngửa bay về đi làm. Hy vọng trong 5 năm tới, như lời cậu em nói, giá đất sẽ tăng gấp nhiều lần bởi trị giá của biển mang lại thì ai cũng đã biết rành 6 câu vọng cổ.
3 Từ Đà Nẵng tôi ra Huế, lại nạp thêm ít hiểu biết về chuyện mua bán đất động sản ở vùng đất này. Huế cách Đà Nẵng chỉ 2 tiếng chạy xe, cũng là vùng đất du lịch nổi tiếng. Ấy nhưng, như cách ví von so sánh mắc cười của người đồng nghiệp: “Giá đất ở Huế 50 năm không thay đổi”, khiến tôi cảm thấy lạ lùng. Nếu ở trung tâm thành phố, người ta có thể mua được căn nhà chỉ với giá 20 triệu đồng/m2 thì ở ngoại thành, gần biển hơn, hoặc gần sân bay hơn, giá chỉ còn 5 triệu đồng/m2.
Dân Huế có tiền vài năm nay không thích sự chật chội của các khu phố cổ nữa. Ra ngoại thành kiếm miếng đất cả ngàn m2 để xây biệt thự, villa để hưởng không khí trong lành. Mà giá lại rẻ. Huế cứ mỗi năm đều có tổ chức các lễ hội, khi thì Festival Huế đã có thương hiệu trên thế giới, khi thì Festival làng nghề truyền thống. Khách sạn những ngày diễn ra lễ hội đều chật kín khách cả Tây lẫn Ta. Ấy nhưng giá đất bò lên chậm chạp vô cùng. Rất đáng để người ta suy nghĩ và đánh giá cũng như so sánh với các vùng miền khác, đặc biệt là khu vực phía Bắc.
Phải chăng, các bàn tay thao túng giá đất đã để quên những vùng đất này, hay người ta đã ăn đến mức ngán đi rồi ở nơi khác, nên chưa đói để kiếm miếng gì bỏ vô bụng nữa?
Hoặc cũng có khi, sự thật tồn tại như vậy đấy, chẳng vì điều gì khác!