Nhà đầu tư dần “chuộng” quỹ mở

Nhà đầu tư dần “chuộng” quỹ mở

(ĐTCK) Với ưu điểm có tính thanh khoản cao, ít rủi ro khi thị trường chứng khoán giảm điểm, nhiều nhà đầu tư đang có xu hướng chọn mua chứng chỉ tại các quỹ mở, thay vì trực tiếp đầu tư vào cổ phiếu.

Giao dịch sôi động

Báo cáo tổng kết hoạt động dịch vụ quỹ năm 2016 của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết, năm 2016, số chứng chỉ quỹ (CCQ) được giao dịch tăng gần 80%, trong đó giao dịch mua tăng đến 2,5 lần.

Trong những tháng đầu năm nay, VSD đã ký thêm 6 hợp đồng cung cấp dịch vụ đại lý chuyển nhượng cho 6 quỹ mở, trong đó có 3 quỹ mở thành lập mới đang chờ phát hành lần đầu của Công ty TNHH Quản lý quỹ Bảo Việt, CTCP Quản lý quỹ Vinawealth, Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam. Cùng với đó, VSD cũng sẽ cung cấp dịch vụ cho 2 quỹ của Công ty liên doanh Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Vietcombank, do chuyển tổ chức cung cấp dịch vụ đại lý chuyển nhượng từ tổ chức khác sang cho VSD. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 18 quỹ mở chọn VSD làm nơi cung cấp dịch vụ, với tổng số tài khoản tăng thêm là 2.703 tài khoản (tăng 31% so với năm 2015), nâng tổng số hiện nay lên 8.609 tài khoản giao dịch quỹ mở trên toàn thị trường chứng khoán Việt Nam.

Về việc giao dịch, theo VSD, năm 2016 được đánh giá là năm chứng chỉ qũy (CCQ) được giao dịch sôi động nhất. Theo đó, thông qua 818 phiên giao dịch định kỳ, đã có hơn 1.100 tỷ CCQ được giao dịch, với tổng giá trị giao dịch trên 1.667 tỷ đồng (tăng 76,29 % về số phiên và 76,12% về giá trị giao dịch so với năm 2015). Trong đó, lệnh mua CCQ tăng đột biến với 5.231 lệnh có số lượng giao dịch gần 80 triệu CCQ và giá trị hơn 1.000 tỷ đồng, tăng 258,24% về giá trị so với năm 2015.

Ông Nguyễn Minh Đăng Khánh, Phó tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam cho biết, từ khi chuyển đổi loại hình từ quỹ đóng sang quỹ mở, số lượng CCQ được nhà đầu tư mua tăng 4 lần. Lý do được đón nhận, như phân tích của ông Phạm Minh Trung, Trưởng phòng Đăng ký chứng khoán VSD là: “Các quỹ mở có nhiều ưu thế, khi được quản lý chuyên nghiệp, có danh mục đầu tư tốt, tính thanh khoản CCQ ngày càng cao, nên theo thời gian, nhà đầu tư sẽ “chuộng” mua chứng chỉ quỹ mở”. 

Nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ

Báo cáo của VSD cho biết, trong năm 2016, VSD đã thực hiện cung cấp dịch vụ quỹ an toàn, ổn định. Tính đến 18/10, VSD đã ký hợp đồng cung cấp dịch vụ đại lý chuyển nhượng cho 15/17 quỹ mở (chiếm 90% thị phần) và 2/2 quỹ ETF đang hoạt động.

Theo ông Dương Văn Thanh, Tổng giám đốc VSD, việc tự phát triển và làm chủ hệ thống phần mềm đã giúp VSD về cơ bản đáp ứng được các yêu cầu phát sinh của các công ty quản lý quỹ và hỗ trợ các bên tham gia rút ngắn thời gian, chi phí. Trên cơ sở các lợi thế của mình, VSD sẽ cùng các đơn vị cung cấp dịch vụ quỹ  trong và ngoài nước trao đổi về việc nâng cấp dịch vụ đại lý chuyển nhượng để phục vụ cho các sản phẩm quỹ mở mới, đồng thời tìm hiểu cụ thể thêm các dịch vụ để tiến tới cung cấp các dịch vụ khác như quản trị quỹ, dịch vụ cho quỹ hưu trí tự nguyện, kiểm tra KYC/AML và FATCA…

Bên cạnh đó, ông Thanh cũng thẳng thắn nhìn nhận, hệ thống hiện tại của VSD được xây dựng với chi phí thấp, quy mô nhỏ theo hướng tiếp cận dần dần và cung cấp các dịch vụ cơ bản cho một số lượng quỹ mở nhất định. Với việc gia tăng đột biến về số lượng quỹ mở, hệ thống hiện tại chưa đáp ứng đủ, một số chức năng trên hệ thống không thể bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp.

Về phía Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông Nguyễn Hải Nam, Vụ trưởng Vụ Quản lý quỹ cho rằng, nhìn sang một số thị trường lân cận như Hồng Kông, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc…, CCQ có tốc độ tăng rất mạnh (có năm tăng đến 95%) cho thấy, sản phẩm này là xu hướng tất yếu của thị trường. Với hành lang pháp lý hiện tại (Luật Chứng khoán, một số nghị định, các Thông tư 183/2011/TT-BTC, 15/2016/TT-BTC, 229/2012/TT-BTC), ông Nam cho rằng, nhà quản lý quỹ đủ điều kiện để tăng tốc, mở rộng sản phẩm quỹ trên thị trường chứng khoán Việt Nam.           

Nhà đầu tư dần “chuộng” quỹ mở ảnh 1

Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch HĐQT VSD 

Hơn 10 năm qua, VSD luôn chú trọng cải tiến quy trình nghiệp vụ, mở rộng nâng cao chất lượng dịch vụ, nổi bật là nổ lực rút ngắn thời gian thanh toán giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ từ T+3 xuống T+2 và đang tiếp tục rút ngắn hơn từ T+2 buổi chiều xuống trước 10 giờ sáng cùng ngày. Bên cạnh đó, VSD cũng đang triển khai đồng bộ nhiều sản phẩm quy trình tác nghiệp chuyển chức năng thanh toán tiền trái phiếu chính phủ từ ngân hàng thương mại sang Ngân hàng Nhà nước vào đầu năm tới.

Nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, chúng tôi đang cùng nhà thầu quốc tế thiết kế “kho” lưu trữ dữ liệu đủ lớn và nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin cho toàn chỉnh hệ thống, đủ sức phụ vụ nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường.

Tin bài liên quan