Hiệp hội Thép Việt Nam đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị cấm xuất khẩu quặng sắt để dành nguyên liệu cho sản xuất trong nước.

Hiệp hội Thép Việt Nam đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị cấm xuất khẩu quặng sắt để dành nguyên liệu cho sản xuất trong nước.

Nghịch lý quặng thừa, nhưng khó mua

Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Công thương hướng dẫn các doanh nghiệp có nhu cầu tiêu thụ quặng sắt liên hệ với các cơ sở sản xuất, chế biến có nhu cầu để đảm bảo đủ nguyên liệu quặng sắt phục vụ sản xuất trong nước.

Trước đó (tháng 4/2013), Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị cấm xuất khẩu quặng sắt để dành nguyên liệu cho sản xuất trong nước.

 

Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VSA cho hay, việc Bộ Công thương mới đây cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác khoáng sản được xuất khẩu hàng tồn kho như một giải pháp chủ yếu nhằm giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp khiến việc hạn chế xuất khẩu khoáng sản thô theo Chỉ thị 02/CT-TTg về quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản khó có thể được thực hiện triệt để.

 

Trong khi đó, các cơ sở sản xuất phôi của doanh nghiệp trong nước luôn bị đe dọa thiếu nguyên liệu do các doanh nghiệp khai thác chỉ thích xuất, không thích tiêu thụ trong nước.

 

“Khi giai đoạn II của Dự án Đầu tư mở rộng Công ty Gang thép Thái Nguyên hoàn tất với công suất 1 triệu tấn gang/năm, khoảng 30% nguyên liệu đầu vào cho lò cao hoạt động không biết mua ở đâu. Trong khi đó, việc xuất khẩu quặng sắt tại các địa phương như Hà Giang, Cao Bằng lại không ít và có xu hướng doanh nghiệp tận dụng quyết định hợp pháp của Bộ trong tháo gỡ khó khăn, giải quyết hàng tồn kho để đẩy mạnh xuất khẩu”, ông Cường nói.

 

Cũng theo ông Cường, không ít doanh nghiệp khai thác quặng sắt chào giá bán quặng có hàm lượng Fe trên 50% cho các đơn vị sản xuất gang thép trong nước là 1,1 triệu đồng/tấn, nhưng giá xuất khẩu quặng sắt cho đối tác ở Trung Quốc lại rẻ hơn rất nhiều, thậm chí chỉ bằng nửa giá chào với các doanh nghiệp trong nước.

 

Trên thực tế, khi cánh cửa cho phép xuất khẩu khoáng sản tồn kho của doanh nghiệp khai thác được mở ra, đã có không ít địa phương đề nghị cho được xuất khẩu số lượng khoáng sản nhiều hơn năng lực khai thác được cấp phép. Bộ Công thương cũng đã phải từ chối cấp khối lượng xuất khẩu theo như đề nghị của một loạt doanh nghiệpvà UBND các tỉnh, bởi cho rằng, có sự bất hợp lý giữa năng lực sản xuất và khối lượng tồn kho của doanh nghiệp.

 

Cụ thể, với tỉnh Nghệ An, Bộ Công thương chỉ cho phép xuất khẩu 214.000 tấn quặng sắt trên 471.000 tấn quặng sắt được đề nghị. Tại tỉnh Thái Nguyên, cũng có 4 doanh nghiệp khai thác khoáng sản, hoặc bị Bộ Công thương từ chối chưa xem xét, hoặc không cấp số lượng theo đề nghị của UBND tỉnh và doanh nghiệp.

 

Trong số này, doanh nghiệp tư nhân Anh Thắng được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp phép khai thác mỏ sắt Hoan tại huyện Đồng Hỷ với công suất 186.000 tấn/năm, trong thời hạn 14 năm chưa được xem xét xuất khẩu trong lần 1. Ở lần thứ hai, UBND đề nghị cho xuất khẩu 150.000 tấn quặng sắt tồn kho, nhưng Bộ Công thương chỉ cho xuất khẩu tối đa 100.000 tấn quặng sắt với hàm lượng Fe từ 54% trở lên. Phần còn 50.000 tấn để lại cung cấp cho Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco).

 

Cũng từ chối khối lượng 230.000 tấn tinh quặng của Hợp tác xã Công nghiệp và Vận tải Chiến Công theo đề nghị của UBND tỉnh Thái Nguyên, Bộ Công thương đã chỉ cho xuất khẩu tối đa 100.000 tấn quặng sắt có hàm lượng từ 54% trở lên; 130.000 tấn quặng còn lại được Bộ Công thương yêu cầu cung cấp cho Tisco.

 

Đối với Công ty TNHH Vương Anh, Bộ Công thương chỉ giải quyết cho xuất khẩu 85.000 tấn tinh quặng sắt đủ điều kiện xuất khẩu. Trước đó, DN này đã đề nghị được xuất khẩu 103.897 tấn.

 

Ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương) cho hay, khi cấp phép cho xuất khẩu khoáng sản, ngoài kết quả kiểm tra của UBND tỉnh và công suất các giấy phép khai thác tận thu được UBND cấp, một số mỏ còn phụ thuộc cả vào hợp đồng tiêu thụ khoáng sản tại trong nước đã được ký. “Cũng có tình trạng, một số doanh nghiệp trong nước không có tiền và đang giảm công suất sản xuất, nên không mua khoáng sản. Song không phải vì thế mà cho doanh nghiệp khai thác xuất khẩu toàn bộ khoáng sản tồn kho như đề nghị, bởi dễ xảy ra tình trạng sản xuất trong nước phục hồi lại không có nguyên liệu”, ông Quân nói.

 

Tuy vậy, như ông Cường nhận xét, nếu cứ tiếp tục cho xuất khẩu khoáng sản tồn kho để tháo gỡ khó khăn cho DN khai thác, thì việc động viên sản xuất, chế biến sâu khoáng sản thô tại nội địa chỉ là nửa vời. Đó là chưa kể có giấy phép xuất khẩu rồi, việc kiểm soát doanh nghiệp có gian lận khối lượng để tranh thủ xuất được nhiều hơn không cũng có khó khăn nhất định, nhất là khi các DN khai thác khoáng sản ở địa phương đều có máu mặt, thông tỏ đường đi để xuất khẩu nhanh nhất.