Năm vừa qua, Công ty cổ phần Xi măng Vicem Bỉm Sơn (BCC), một trong những doanh nghiệp thành viên của Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) đã có một năm kinh doanh “bội thu”, khi các chỉ số về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách… đều vượt xa so với Nghị quyết Đại hội cổ đông. Tuy nhiên, không vì kết quả có được của năm cũ mà BCC dám đặt mục tiêu kinh doanh kỳ vọng hơn.
Ông Ngô Sỹ Túc, Giám đốc BCC cho hay, tính đến thời điểm này, công suất của ngành xi măng đã lên tới 81 triệu tấn. Gần đây nhất, cuối năm 2015 đã có thêm 1 dây chuyền 3,6 triệu tấn của Xi măng Công Thanh được đưa vào hoạt động. Dự kiến, cuối năm nay sẽ có thêm 4 triệu tấn nữa từ Nhà máy Xi măng Sông Lam, công suất sẽ tiếp tục được tăng lên. Cạnh tranh dữ dội về tiêu thụ giữa các nhà sản xuất nên năm 2016, các mục tiêu đặt ra đối với BCC khá thận trọng.
Cụ thể, năm 2016, BCC đặt mục tiêu sản xuất 2,95 triệu tấn clinker, tiêu thụ 4,1 triệu tấn sản phẩm, trong đó xi măng 3,65 triệu tấn và clinker là 450.000 tấn, doanh thu đạt 4.061 tỷ đồng và lợi nhuận ước đạt 260,6 tỷ đồng. Điều đáng nói, với mức cổ tức dự kiến 10%, các mục tiêu về doanh thu và lợi nhuận của BCC trong năm 2016 đều giảm so với mức thực hiện được năm 2015.
BCC là doanh nghiệp có thâm niên trong ngành xi măng, được thừa hưởng nhiều lợi thế về thị trường, thương hiệu của công ty mẹ mà còn thận trọng đến vậy, thì áp lực về tiêu thụ sản phẩm với những doanh nghiệp mới còn lớn hơn nhiều.
Trường hợp Công ty cổ phần Xi măng Công Thanh thuộc Tập đoàn Công Thanh là một ví dụ. Cuối năm 2015, Tập đoàn Công Thanh đã khánh thành, đưa vào hoạt động dây chuyền 2 Nhà máy Xi măng Công Thanh (Thanh Hóa) với công suất lên tới 12.500 tấn clinker/ngày, tương đương 3,6 triệu tấn xi măng/năm, là một trong những dây chuyền có công suất lớn nhất trong ngành xi măng.
Cần phải nói thêm, việc đưa dây chuyền 2 vào hoạt động đã nâng tổng công suất của Nhà máy Xi măng Công Thanh lên 6 triệu tấn/năm.
Mặc dù đại diện Tập đoàn Công Thanh khẳng định, đã lựa chọn và ký kết cùng đối tác phân phối chính thức sản phẩm, mục tiêu trong năm 2016 sẽ tiêu thụ sản phẩm với cơ cấu thị phần 70% tiêu thụ nội địa, 30% xuất khẩu tại các nước ASEAN. Tuy nhiên, trước thông tin mới đây về tình trạng chậm lương và nợ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của Công Thanh, dư luận đã đặt câu hỏi, phải chăng việc tiêu thụ sản phẩm của nhà máy không thuận lợi, dẫn đến hạn chế về dòng tiền để chi trả lương, bảo hiểm?
Theo các đơn vị chức năng tỉnh Thanh Hoá, tính đến ngày 8/4/2016, Chi nhánh Công ty cổ phần Xi măng Công Thanh tại Thanh Hoá và Chi nhánh dây chuyền 2 Nhà máy Xi măng Công Thanh đã nợ BHXH lên tới 5,8 tỷ đồng.
Trong đó, Chi nhánh Công ty cổ phần Xi măng Công Thanh tại Thanh Hoá có tổng số nợ lên đến trên 4,92 tỷ đồng, gồm nợ bảo hiểm xã hội 4,4 tỷ đồng, nợ bảo hiểm y tế là 22,4 triệu đồng, nợ bảo hiểm thất nghiệp là 9,13 triệu đồng, lãi chậm đóng là 481 triệu đồng.
Chi nhánh dây chuyền 2 Nhà máy Xi măng Công Thanh cũng có số nợ lớn, với tổng số tiền trên 1,75 tỷ đồng, bao gồm: nợ bảo hiểm xã hội gần 1,4 tỷ đồng, nợ bảo hiểm y tế 170 triệu đồng, nợ bảo hiểm thất nghiệp 72,5 triệu đồng, lãi chậm đóng 116 triệu đồng.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp trong ngành, việc lo đầu ra cho nhà máy công suất 5 - 6 triệu tấn trong bối cảnh thị trường dư dả nguồn cung những năm gần đây là vô cùng nặng nề, Công Thanh cần có chính sách điều hành sản xuất linh hoạt, tiết kiệm tối đa chi phí trong các quy trình sản xuất, thiết lập mạng lưới phân phối ổn định…