Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có vai trò quan trọng trong chiến lược an ninh lương thực và xuất khẩu gạo của quốc gia, là nơi cung cấp lương thực, trái cây, thủy sản lớn nhất của cả nước… Do vậy, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã chỉ đạo ngành ngân hàng xác định nông nghiệp nông dân nông thôn nói chung, lĩnh vực nuôi, trồng chế biến xuất khẩu lúa gạo, thủy sản và trái cây nói riêng vẫn là những lĩnh vực được ưu tiên. Hệ thống ngân hàng tập trung vốn để đầu tư, khai thác có hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của các sản phẩm này trong khu vực ĐBSCL...
Huy động vốn tại chỗ của vùng ĐBSCL năm 2011, 2012, 2013 lần lượt là 15%, 26,8% và 23,8%, trong khi mức huy động vốn của toàn nền kinh tế năm 2011, 2012, 2013 lần lượt là 12,51%, 4,66%, 3,82%. Số dư huy động của các TCTD trên địa bàn các tỉnh ĐBSCL đến ngày 30/9/2014 đạt 274.464 tỷ đồng, tăng 5,87% so với 31/12/2013, chiếm 6,5% tổng huy động vốn toàn quốc.
Trong những năm qua, tín dụng ngân hàng đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL. Mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2011, 2012, 2013 lần lượt là 14,12%, 8,85% và 12,51% trong khi tăng trưởng tín dụng tại vùng ĐBSCL tăng tương ứng và có thời điểm cao hơn, lần lượt là 14,6%, 10,7% và 12,4%. Tỷ trong cho vay luôn ở mức khá cao và chiếm khoảng 9% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế của hệ thống TCTD, trong đó dư nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng gần 70%, dư nợ trung dài hạn chiếm trên 30%. Đến 30/9/2014, tổng dư nợ tại các tổ chức tín dụng khu vực ĐBSCL đạt 332.576 tỷ đồng, tăng 7,64% so với 31/12/2013 và chiếm 8,98% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế của cả nước.
Quan trọng hơn, chính sách tín dụng của NHNN đã hướng dòng vốn tín dụng vào một số ngành lĩnh vực có thế mạnh nhằm tạo đột phá, góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và tái cấu trúc nền kinh tế, xây dựng mô hình nông thôn mới cả nước nói chung, khu vực ĐBSCL nói riêng. Nhờ nguồn vốn tín dụng ngân hàng nhiều DN, hộ nông dân, trang trại, gia trại tại vùng ĐBSCL có điều kiện mở rộng, phát triển sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản...
Tuy nhiên, tại Hội thảo, các DN, cán bộ ngành ngân hàng cùng chuyên gia kinh tế cũng đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động tín dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực ĐBSCL, bởi công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch để phát triển bền vững trong nông nghiệp còn hạn chế; Người dân vẫn còn giữ thói quen sản xuất theo kiểu truyền thống tự phát, nhỏ lẻ. Chuỗi liên kết trong sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm còn lỏng lẻo và chưa có các “kênh” phân phối hiệu quả cho các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, vấn đề xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chưa được đầu tư thỏa đáng từ đó ảnh hướng đến sức cạnh tranh của các sản phẩm có cùng chất lượng của Việt Nam trên thị trường quốc tế; Lúa gạo, thủy sản và cây ăn trái là những thế mạnh của khu vực ĐBSCL luôn đối mặt với nhiều rủi ro như rủi ro chịu tác động trực tiếp bởi các yếu tố bất lợi của môi trường, rủi ro khi các nước nhập khẩu sử dụng các hàng rào kỹ thuật thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp... để hạn chế các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam...
Những đánh giá thực trạng, đề xuất, gợi ý từ Hội thảo năm 2014 cũng như kết quả các Hội thảo do NHNN tổ chức tại các kỳ MDEC trước được đánh giá là thông tin quan trọng, những khuyến nghị chính sách có giá trị để các cơ quan quản lý, trong đó có NHNN và tổ chức, cá nhân tiếp thu và xây dựng các chính sách, cơ chế, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng vùng ĐBSCL trong giai đoạn tới.
Trước khi chính thức khai mạc Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long tổ chức tại tỉnh SócTrăng (MDEC), NHNN Việt Nam tổ chức lễ ký kết hợp đồng tín dụng giữa 6 DN của 6 tỉnh, thành phố Tiền Giang, Sóc Trăng, Hải Phòng, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Thanh Hóa đại diện cho DN được lựa chọn lần này với các NHTM.
Việc lựa chọn DN tham gia chương trình cho vay thí điểm, mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao lần này là đợt cuối cùng theo chỉ đạo của Chính phủ, nâng tổng số DN được phê duyệt tham gia chương trình là 27 DN thực hiện 30 dự án tại 22 tỉnh, thành phố với số tiền các NHTM đã ký kết với các DN tham gia chương trình lên tới hơn 4.600 tỷ đồng. Đây là 27 DN tiêu biểu đại diện cho 8 ngành nghề sản xuất nông nghiệp có thế mạnh tại 5 khu vực trên toàn quốc.