Với nhiều giao dịch dân sự, công việc hành chính, người ta có thể dùng một trong cả chục loại giấy tờ tùy thân để chứng minh nhân thân như: thẻ Đảng viên, giấy phép lái xe, thẻ nhà báo, thẻ Đại biểu Quốc hội… Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng chỉ chấp nhận giao dịch với 3 loại giấy tờ nhân thân căn bản, gồm giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu và thẻ căn cước công dân.
Để có thể giao dịch gửi tiền, rút tiền, chuyển tiền… với ngân hàng, khách hàng được kiểm tra kỹ lưỡng về họ tên, địa chỉ thường trú, mã số định danh, các yếu tố khác bảo đảm sự khớp đúng tuyệt đối. Tất cả những điều kiện này được thực hiện gắn liền với các công cụ quản lý nhà nước về nhận dạng cá nhân, đó là giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc thẻ căn cước.
Liệu ngân hàng có quá khắt khe? Không hề, bởi rủi ro tiền bạc là câu trả lời khách quan nhất. Những người đến giao dịch với ngân hàng hoặc là chủ nợ hoặc là con nợ của ngân hàng. Hai bên gắn quyền lợi, nghĩa vụ với nhau bằng những khoản tiền lớn nên các quy tắc giao dịch được đặt ra để bảo đảm quyền lợi về tiền bạc cho mỗi bên.
Không một cơ quan nhà nước hay cá nhân nào có quyền áp đặt tư tưởng gây rủi ro cho mỗi bên trong giao dịch ngân hàng. Do vậy, chuyện lựa chọn giấy tờ tùy thân để giao dịch là quyền của ngành ngân hàng.
Ấy vậy mà cái quyền được bảo đảm rủi ro này cũng đang đứng trước một vấn đề khá nan giải. Trong số các giấy tờ tùy thân căn bản, chứng minh nhân dân là loại giấy tờ nhân thân phổ biến nhất. Nhưng giấy chứng minh nhân dân cũng có 2 loại, loại 9 số và loại 12 số.
Đáng ngại là hệ thống ngân hàng vẫn đang giao dịch chủ yếu đối với giấy chứng minh nhân dân loại 9 số. Thông tin của hàng triệu giấy chứng minh nhân dân loại này vẫn đang được cập nhật trên những sổ tiết kiệm, chứng nhận tiền gửi, hợp đồng tín dụng và vô số chứng từ giao dịch ngân hàng.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật Căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân loại 9 số và loại 12 số sẽ dần phải thay thế bằng thẻ căn cước công dân. Vấn đề nằm ở sự lộn xộn trong chuyển đổi của các loại mã số định danh.
Luật Căn cước công dân quy định số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc và cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác.
Khác với loại chứng minh nhân dân 9 con số phổ biến hiện nay, thẻ căn cước sẽ có mã số định danh 12 con số. Với những người tới đây làm thủ tục cấp thẻ căn cước lần đầu thì không có vấn đề gì. Nhưng với những người đã được cấp Chứng minh thư nhân dân kiểu cũ thì có thể phát sinh rắc rối.
Cùng một họ tên đấy, nhưng giữa chứng minh thư nhân dân (mẫu cũ) và thẻ căn cước công dân lại khác hoàn toàn về mã số định danh. Vậy, cơ sở nào để bảo đảm ngân hàng đang giao dịch đúng với cá nhân khách hàng?
Liệu có thể dựa vào yếu tố khác như địa chỉ, quê quán? Trong vô số trường hợp, ngân hàng không thể dựa vào các yếu tố này để định dạng nhân thân khách hàng, đó là khi khách hàng thay đổi địa chỉ đăng ký hộ khẩu, nhất là từ thành phố này sang thành phố khác.
Cũng may mà Thông tư số 07/2016/TT-BCA của Bộ Công an có quy định khi thu nộp chứng minh nhân dân cấp đổi thẻ căn cước công dân, nếu chứng minh nhân dân 9 số còn rõ nét, thì cắt góc phía trên bên phải mặt trước của chứng minh nhân dân đó và trả chứng minh nhân dân đã được cắt góc cho người đến làm thủ tục. Hoặc, nếu công dân có yêu cầu thì cơ quan tiến hành cắt góc Chứng minh nhân dân 9 số có trách nhiệm cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân cho công dân.
Vậy là cũng còn có giải pháp cho việc thay đổi mã số định danh. Bên cạnh thẻ căn cước công dân, các ngân hàng cần yêu cầu khách hàng cung cấp thêm giấy chứng minh nhân dân đã bị cắt góc để đối chiếu.
Tuy nhiên, cán bộ ngân hàng và cả khách hàng cần lưu ý, thẻ căn cước có thể đổi lại, nhưng giấy chứng minh nhân dân bị cắt góc không thể cấp lại. Giấy tờ bị cắt góc này cùng giấy xác nhận số chứng minh nhân dân là sự kết nối duy nhất với thẻ căn cước công dân, chứng minh yếu tố định danh một khách hàng.
Xét về thực tế, chứng minh thư bị cắt góc còn có giá trị hơn cả thẻ căn cước công dân. Do vậy, để tránh rủi ro trong các giao dịch, đặc biệt là giao dịch ngân hàng, mỗi công dân Việt đừng quên lưu lại giấy chứng minh nhân dân bị cắt góc và bảo đảm an toàn cho loại giấy tờ tùy thân này.