Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh cũng sẽ gia tăng khi các hiệp định TPP, FTA được ký kết, cũng như dự thảo Thông tư của Bộ Công thương cho phép các doanh nghiệp FDI được phân phối sản phẩm tại Việt Nam.
Triển vọng năm 2015
Trong giai đoạn 2010 - 2013, ngành dược Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng đều trên hai con số, trung bình khoảng 20%; trong đó, thuốc Generic chiếm tỷ trọng cao nhất (trên 51%) có tốc độ tăng trưởng 22%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của ngành đang trên đà giảm dần.
Dự báo về khối ngành dược đang phát triển (Pharmerging), trong đó có Việt Nam, tổ chức IMS cho rằng, tăng trưởng thuốc Generic đóng góp đến hơn 80% tốc độ tăng trưởng ngành. Do vậy, phát triển dòng sản phẩm Generic vẫn là xu hướng chung tại thị trường Việt Nam trong các năm tới. Trong khi đó, đà tăng trưởng của ngành, theo dự báo của tổ chức BMI, vẫn sẽ duy trì ở mức hai con số (15 - 17%) ít nhất trong ba năm tiếp theo. So sánh với mức tăng trưởng trung bình toàn cầu vào khoảng 4 - 7%, tốc độ này có thể thu hút sự tham gia mạnh từ các doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường Việt Nam.
Mặt khác, cùng với khả năng ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do như TPP, FTA trong năm 2015, việc tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài có thể mạnh mẽ hơn khi thuế suất ưu đãi giảm trung bình từ 2,5% xuống còn 0%.
Ngoài ra, theo Quyết định số 10/2007/QĐ-BTM về mua bán hàng hóa và hoạt động trực tiếp mua hàng của các doanh nghiệp có vốn nước ngoài, các doanh nghiệp này không được phép phân phối trực tiếp dược phẩm tại Việt Nam. Quy định này được cho là đã bị xóa bỏ khi từ năm 2013, Bộ Công thương đã ban hành dự thảo Thông tư cho phép các doanh nghiệp FDI phân phối một số mặt hàng tại Việt Nam, trong đó có dược phẩm. Tuy vậy, thời gian áp dụng dự thảo này vẫn chưa thực sự rõ ràng nên Rồng Việt Research cho rằng, trong năm 2015, phân phối vẫn chủ yếu thực hiện thông qua các đại lý nội địa. Do đó, việc gia nhập của các công ty lớn nước ngoài sẽ đi kèm với các hoạt động liên kết, sáp nhập với các doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là các đơn vị lớn có hệ thống phân phối rộng khắp.
Hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài giúp ngành dược Việt Nam nâng cao chất lượng, công nghệ; giá thuốc trên thị trường, nhờ đó, có thể điều chỉnh hợp lý hơn. Điều này cũng đồng nghĩa với áp lực cạnh tranh gia tăng mạnh mẽ trong ngành. Tỷ trọng chi phí bán hàng tăng vọt trong những năm gần đây là minh chứng cho sự chuẩn bị của các doanh nghiệp nội địa trước áp lực cạnh tranh.
Rồng Việt Research cho rằng, trong ngắn hạn, hoạt động này sẽ tiếp diễn đi kèm với việc mở rộng hơn hệ thống phân phối. Biên lợi nhuận ròng, vì vậy có thể ảnh hưởng đáng kể. Tuy nhiên, gần đây nhất, việc gỡ bỏ trần chi phí quảng cáo 15% (theo Luật số 71/2014/QH, có hiệu lực ngày 1/1/2015) phần nào giúp các doanh nghiệp giảm bớt chi phí không được khấu trừ thuế. Việc gỡ bỏ mức trần này còn có ý nghĩa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dược “làm thương hiệu” cho các nhóm sản phẩm riêng, sản phẩm tự nghiên cứu.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp bắt đầu nghĩ hướng đi mới. Một số doanh nghiệp chú trọng hơn vào phân khúc thực phẩm chức năng hoặc thuốc có nguồn gốc tự nhiên. Phân khúc này giúp các doanh nghiệp tận dụng nguồn nguyên liệu giá rẻ trong nước. Tuy nhiên, sự chuyển dịch này sẽ cần thời gian nhất định để định hình được vị thế trong ngành. Trong khi đó, cũng có doanh nghiệp tập trung phát triển và chuyên nghiệp hóa hệ thống phân phối để tạo vị thế cho những cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp dược lớn trong tương lai.
Năm 2015, các doanh nghiệp dược đang ở trong vị thế bắt buộc phải chọn một hướng đi tạo ra vị thế cạnh tranh cho riêng mình.
Chọn lọc doanh nghiệp
Với sự cạnh tranh ngày càng tăng và người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi nhiều hơn về chất lượng sản phẩm, Rồng Việt Research lựa chọn những doanh nghiệp có định hướng rõ ràng về phân khúc hoạt động và vị thế cạnh tranh của mình. Trước mắt, Rồng Việt Research cho rằng, doanh nghiệp có hệ thống phân phối mạnh sẽ có kết quả kinh doanh ổn định.