Di tích Nhà tù Hỏa Lò đóng cửa để phòng, chống Covid-19.
Thị trường du lịch “tụt dốc không phanh”
Thời điểm tháng 3, tháng 4, thị trường du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội khởi sắc trở lại, ngay khi dịch Covid-19 lần ba được khống chế. Đặc biệt, “Lễ hội kích cầu du lịch và giới thiệu văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2021” diễn ra từ ngày 16-18/4, tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội do Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với Trung tâm Xúc tiến, Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội đã chào bán tới du khách hàng ngàn tour du lịch, sản phẩm du lịch mới mẻ, nên lượng du khách đặt tour, dịch vụ dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 và du lịch hè tăng cao.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 bùng phát cuối tháng 4 khiến thị trường du lịch tụt dốc không phanh. Hầu hết các doanh nghiệp lữ hành cho biết đã phải dừng toàn bộ tour khởi hành trong tháng 5.
Tại VietSense Travel, đơn vị vừa phục vụ hàng trăm khách hàng có những kỳ nghỉ an toàn dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, với các tuyến Đông - Tây Bắc, Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang)… Tuy nhiên, đơn vị này không nhận được thêm booking nào kể từ đầu tháng 5 đến nay. Đau đầu hơn là gần 1.000 khách hàng tham gia các tour khởi hành trong tháng 5 của đơn vị lữ hành này đều yêu cầu hoãn, hủy tour.
Ông Nguyễn Văn Tài, CEO VietSense Travel cho biết, hơn bao giờ hết, chúng tôi đang rất tỉnh táo để hỗ trợ, tư vấn cho khách chứ không phải hoang mang theo. Tuy nhiên, vì nguồn lực đã cạn kiệt nên doanh nghiệp buộc phải cho một số nhân viên tạm nghỉ, chỉ giữ lại lực lượng nòng cốt để làm việc với các đối tác nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho khách hàng.
Đáng buồn hơn, ông Tài vừa khai trương nhà hàng Tái Dê ngày 28/4 với dự định phát triển hệ thống chuỗi nhà hàng tại Hà Nội. Tuy nhiên, Covid-19 đã làm thay đổi toàn bộ kế hoạch khi nhà hàng đang phải chuyển sang phục vụ khách mua về. “Phần lợi nhuận lớn nhất của nhà hàng là đồ uống lại không thu được nên nhà hàng vẫn đang phải bù lỗ”, như ông Tài than thở.
Tình trạng khách hoãn, hủy toàn bộ tour trong tháng 5 cũng diễn ra ở hầu hết các doanh nghiệp lữ hành. Ông Lương Duy Doanh, CEO Fivestar Travel buồn rầu cho biết: “Hai homestay Bản Bon và Nặm Đíp của tôi đã đóng cửa để phòng, chống Covid-19. Hoạt động kinh doanh lữ hành tạm dừng, các tour khởi hành trong tháng 5 đều đã hoãn, hủy cho đến khi có khuyến cáo mới của Chính phủ và các cơ quan chức năng”.
Ông Doanh cho biết, qua ba đợt dịch trước, du khách đã hiểu và chia sẻ với những chính sách, điều khoản của các công ty cung ứng dịch vụ du lịch như hàng không, điểm đến, khách sạn, vận chuyển, nhà hàng nên đợt dịch thứ tư họ rất chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp, không gây áp lực và khó khăn nhiều như trước. Tuy nhiên, CEO Fivestar Travel bày tỏ lo ngại đợt dịch này sẽ kéo dài, có thể đến trung tuần tháng 6 hoạt động du lịch mới có thể khởi động lại.
Tại Flamingo Redtours, nhiều tour khởi hành trong tháng 5 đã tạm hoãn. Một số khách đặt tour các tháng sau đang nghe ngóng, tùy tình hình dịch bệnh mới quyết định. CEO Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan cho hay, công ty đã chủ động liên lạc với khách để trao đổi thông tin tình hình dịch bệnh, điều kiện để có thể thực hiện và không thể thực hiện tour. Đồng thời, đưa ra phương án để khách lựa chọn như hoãn tour, thay đổi lịch trình tour từ điểm này sang điểm khác, nếu có thể thực hiện được hoặc hủy tour.
Nhiều đoàn đổi thời gian khởi hành từ tháng 5 sang tháng 9
Theo bà Trịnh Mỹ Nghệ, Giám đốc Công ty Du lịch quốc tế ITC, với tính chất khách đăng ký qua công ty hầu hết là khách đoàn nên các đoàn không hủy chuyến mà chỉ chuyển thời gian khởi hành.
Đến nay, có khoảng 80% các đoàn chuyển sang đi vào các tháng 6,7. Tuy nhiên, các tour tháng 5 hầu hết là tour có mức giá rẻ hơn những tháng cao điểm hè nên việc chuyển tour sẽ chịu chi phí vận chuyển, khách sạn cao hơn. Chính vì vậy, nhiều đoàn khách đổi thời gian khởi hành vào tháng 9.
Bà Trịnh Mỹ Nghệ cho biết thêm, Công ty đang tư vấn cho khách, cập nhật thông tin từ các hãng hàng không, khách sạn để có những điều chỉnh phù hợp.
Lần thứ tư dịch Covid-19 bùng phát cũng là lần thứ tư ngành du lịch chịu khủng hoảng, do vậy, thời điểm này, các doanh nghiệp đều bình tĩnh xử lý, đảm bảo an toàn cho du khách và toàn ngành cũng như quyền lợi của khách hàng. Nhiều doanh nghiệp chủ động thực hiện giải pháp đảm bảo an toàn, đàm phán với các đối tác cung cấp dịch vụ để hoàn hủy dịch vụ.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Hiệp hội Du lịch Hà Nội hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên xử lý tình huống trong hoạt động du lịch, nhất là tình huống phát sinh khi khách hoãn, hủy tour.
Hiệp hội đề nghị doanh nghiệp đề xuất vướng mắc về vé máy bay, khách sạn, điểm đến. Trên cơ sở đó, Hiệp hội sẽ có văn bản gửi các cơ quan, tổ chức liên quan để kịp thời tháo gỡ. Hiệp hội triển khai đến hội viên các văn bản liên quan đến chính sách du lịch trong thời điểm hiện nay.
Sở Du lịch Hà Nội yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch thực tốt việc phòng, chống dịch Covid-19. Các điểm tham quan du lịch cần chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, lữ hành điều phối đoàn khách tham quan, hạn chế tập trung đông người cùng thời điểm, theo dõi tình hình sức khỏe của du khách.
Đơn vị lữ hành, vận chuyển khách du lịch, hướng dẫn viên du lịch thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, như đo thân nhiệt khách trước khi khởi hành; yêu cầu khách, lái xe đeo khẩu trang trong suốt hành trình; khai báo y tế, bố trí xà phòng, dung dịch sát khuẩn cho du khách.
Các cơ sở lưu trú du lịch nghiêm túc thực hiện việc khai báo y tế, khai báo lưu trú trực tuyến đối với khách theo quy định; nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác phòng, chống cháy nổ, an ninh trật tự.
Hà Nội yêu cầu các khách sạn làm nơi cách ly triển khai hệ thống camera giám sát
Sở Du lịch Hà Nội vừa có văn bản số 327/SDL-QLCSLT gửi các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động du lịch trên địa bàn.
Tại văn bản này, Sở Du lịch Hà Nội yêu cầu các đơn vị thực hiện đầy đủ các quy định, biện pháp trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng chỉ đạo của thành phố như: Dừng các hoạt động hội họp, sự kiện tập trung đông người không cần thiết; thực hiện giãn cách tối thiểu; thực hiện nghiêm "thông điệp 5K"... Các nhà hàng trong khách sạn, cơ sở ăn, uống đạt chuẩn phục vụ khách du lịch bảo đảm giãn cách chỗ ngồi tối thiểu theo đúng quy định.
Các cơ sở lưu trú trên địa bàn Thủ đô đăng ký và thường xuyên tự đánh giá, cập nhật lên hệ thống an toàn Covid-19 quốc gia tại địa chỉ http://safe.tourism.com.vn. Cơ sở nào tạm dừng hoạt động, không kinh doanh vẫn phải đăng ký và đánh dấu vào mục "Cơ sở kinh doanh tạm dừng hoạt động trên hệ thống".
Đối với 19 khách sạn được UBND thành phố Hà Nội quyết định thành lập làm khu cách ly y tế tập trung, phải thực hiện nghiêm quy trình cách ly theo quy định; siết chặt công tác quản lý, giám sát hoạt động tại khách sạn.
Các cơ sở này phải có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan đánh giá thực trạng, triển khai hệ thống camera giám sát để tích hợp, kết nối với hệ thống giám sát tập trung do Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai bảo đảm đúng tiến độ; tuân thủ điều chỉnh thời gian cách ly tập trung đối với các trường hợp phải cách ly theo quy định hiện hành của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, đơn vị vận hành, vận chuyển khách du lịch, các khu, điểm du lịch cần cập nhật từ nguồn thông tin chính thức về tình hình diễn biến dịch; cập nhật đầy đủ thông tin, danh sách khách, lịch trình di chuyển hằng ngày để khai báo y tế, truy xuất thông tin khi có yêu cầu.
Ngoài ra, Sở Du lịch yêu cầu các đơn vị đáp ứng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch, chủ động tạo lập và sử dụng mã QR Code; cài đặt ứng dụng Bluezone để phục vụ giám sát, truy vết tiếp xúc dịch Covid-19.