Việc tham gia của NĐT nước ngoài chỉ được xem xét với nhóm các TCTD yếu kém

Việc tham gia của NĐT nước ngoài chỉ được xem xét với nhóm các TCTD yếu kém

Ngân hàng yếu, không phải “miếng bánh ngon”

(ĐTCK) Mở cửa cho ngân hàng ngoại mua lại các ngân hàng yếu kém là một giải pháp được kỳ vọng tạo đột phá cho tái cấu trúc ngân hàng. Nhưng nghịch lý đang được chỉ ra, các ngân hàng ngoại thích các ngân hàng nội "khỏe" hơn!

Trong nhiều giải pháp Đề án nêu ra thì giải pháp bán vốn cho NĐT nước ngoài, cụ thể là “xem xét, cho phép TCTD nước ngoài mua lại, sáp nhập TCTD yếu kém của Việt Nam và tăng giới hạn sở hữu cổ phần của TCTD nước ngoài tại các ngân hàng TMCP yếu kém phải cơ cấu lại” được nhìn nhận là một trong những giải pháp quan trọng nhất.

Ngân hàng yếu, không phải  “miếng bánh ngon” ảnh 1

Việc tham gia của NĐT nước ngoài chỉ được xem xét với nhóm các TCTD yếu kém

không dễ hút vốn ngoại

Nhìn nhận về giải pháp tái cơ cấu TCTD yếu kém thông qua bán cổ phần cho đối tác ngoại, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tham gia của NĐT nước ngoài là vô cùng cần thiết trong giai đoạn hiện nay, khi một trong những yếu tố quan trọng nhất để đưa tới tái cơ cấu thành công là cần một dòng tiền thực được bơm vào ngân hàng.

Không những thế, NĐT nước ngoài có thể hỗ trợ TCTD trong nước về công nghệ, kỹ năng quản trị, giúp quá trình tái cơ cấu diễn ra nhanh hơn, hiệu quả hơn.

“Tuy nhiên, thời điểm và đối tượng NĐT nước ngoài nào được tham gia mua vốn TCTD yếu kém trong nước vẫn cần được thảo luận sâu hơn”, TS. Cấn Văn Lực bày tỏ quan điểm.

Theo định hướng của Quyết định 254, NĐT nước ngoài được hiểu là các TCTD, các định chế tài chính nước ngoài có quy mô và uy tín lớn. Thị trường cũng đã rõ nguyên nhân chính của quá trình cơ cấu lại một NHTM là sự suy giảm chất lượng tài sản có và các tỷ lệ an toàn, khả năng chi trả, sự gia tăng của tỷ lệ nợ xấu, lỗ lũy kế kéo dài làm vốn chủ sở hữu suy giảm.

Trong khi đó, quá trình tái cơ cấu là quá trình thường xuyên, liên tục và tốn không ít thời gian cũng như nguồn lực tài chính của các bên liên quan. Việc tham gia của NĐT và TCTD nước ngoài chỉ được xem xét với nhóm các TCTD yếu kém.

“Về lý thuyết, đây là chủ trương đúng và sẽ rất tốt nếu NĐT nước ngoài tham gia vào việc tái cơ cấu các TCTD này. Tuy nhiên, trên thực tế, việc này dường như rất khó thực hiện. Bởi xét về mặt kinh tế, các chủ sở hữu của TCTD yếu kém không sẵn sàng bán phần vốn của họ cho đối tác nước ngoài trong bối cảnh TCTD đang gặp khó khăn, bởi e ngại bị ép giá khi thương lượng”, một chuyên gia ngân hàng phân tích và nhấn mạnh.

“Mặt khác, về phía các định chế tài chính nước ngoài (bên mua), họ chỉ chấp nhận đầu tư vào các thương vụ và tài sản có tiềm năng, có khả năng sinh lời nhanh. Việc đầu tư vào một TCTD yếu kém có thể ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của bên mua, nhìn chung không thuộc “khẩu vị” đầu tư ưa thích của các định chế tài chính quy mô lớn.

Do đây không phải là một thương vụ truyền thống và phổ biến với những định chế tài chính này, quá trình thẩm định và thương lượng thường phức tạp và kéo dài, gây khó khăn cho các bên liên quan.

không nên để yếu mới mời!

Theo vị chuyên gia trên, kinh nghiệm xử lý nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống tín dụng ở Hàn Quốc trong khủng hoảng tài chính châu Á trước đây cho thấy, trong giai đoạn đầu, bên mua nợ xấu không phải là các NHTM, mà chỉ là các quỹ đầu tư mạo hiểm, sau khi mua lại một ngân hàng yếu kém sẽ tiến hành thuê một đội ngũ chuyên gia vào xử lý và từng bước vực dậy ngân hàng được mua…

Ngoài ra, cũng cần lưu ý tới một nét đặc thù của các TCTD yếu kém tại Việt Nam là việc cho vay đối với các bên liên quan khá phổ biến, do đó, nếu NĐT nước ngoài tiến hành thẩm định trước khi mua cổ phần, việc xử lý và đánh giá về tài chính thường không đạt được những kết quả khả quan theo tiêu chuẩn quốc tế của bên mua lại.

“Do đó, cần nghiên cứu kỹ việc tham gia của NĐT nước ngoài vào quá trình tái cơ cấu các TCTD Việt Nam có thể được thực hiện với những đối tượng TCTD nào, trong giai đoạn cụ thể nào? Khái niệm ‘TCTD yếu kém’ còn mang tính tương đối và cần được hiểu dưới nhiều góc độ khác nhau. Tình hình kinh tế trong nước khó khăn cùng với việc xử lý hiện tượng sở hữu chéo trong hệ thống NHTM Việt Nam có thể dẫn đến thực trạng một số NHTM tuy chưa gặp khó khăn, yếu kém về tài chính, nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro về quản trị, cơ cấu sở hữu…

Những TCTD đó cũng cần tái cơ cấu không kém các TCTD được Quyết định 254 liệt vào nhóm TCTD yếu kém”, Tổng giám đốc một NHTM cổ phần nêu quan điểm.

Theo vị tổng giám đốc này, việc sử dụng NĐT nước ngoài tham gia vào quá trình tái cơ cấu ở ngay thời điểm TCTD chưa thực sự lâm vào khó khăn tài chính có lẽ sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn cho các bên liên quan: bên mua có động lực hơn khi đánh giá, thẩm định về mặt tài chính, bên bán cũng tránh được nguy cơ bị ép giá và những thiệt hại phát sinh nếu tự mình tái cơ cấu khi quá trễ, hệ thống TCTD Việt Nam cũng tránh được nguy cơ bất ổn do có những TCTD quá yếu, mất thanh khoản gây ra… Về dài hạn, cần có cơ chế thông thoáng hơn, cho phép NĐT nước ngoài nắm giữ cổ phần của TCTD với tỷ lệ cao hơn (49%, thậm chí cao hơn).

“Quá trình tái cơ cấu không nên chỉ tập trung vào việc tái cơ cấu những ngân hàng đã được xác định là yếu kém và có khó khăn về tài chính, mà còn phải tạo cơ chế giúp các NHTM hiện thời chưa rơi vào tình trạng yếu kém, nhưng có những dấu hiệu không lành mạnh.

Với một cơ chế thông thoáng và sự tham gia của NĐT nước ngoài như trên, quá trình tái cơ cấu hệ thống NHTM Việt Nam sẽ diễn ra nhanh hơn, hiệu quả hơn”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.  

>>Tranh kho hàng, 7 ngân hàng đều thua cuộc? 

>>Sẽ thúc đẩy các ngân hàng lên sàn

>>Sốt sắng yếu tố ngoại trong tái cấu trúc ngân hàng