Gia đình anh Quang (TP.HCM) vừa đầu tư lắp các thiết bị điện mặt trời công suất 3,84 kW, với hệ thống 12 tấm pin mono ae solar, chi phí đầu tư khoảng 75 triệu đồng.
Theo tính toán, hệ thống này sẽ cho ra công suất điện giá trị khoảng 1 triệu đồng/tháng, phù hợp với gia đình đông người ở. Vì thế, anh Quang đã quyết định tìm đến ngân hàng để được hỗ trợ vốn vay lắp đặt tấm pin mono ae solar.
Rất nhiều người dân đô thị đã làm theo mô hình này, bởi lợi ích khi lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời hòa lưới là nếu gia đình sử dụng điện vào ban ngày, hệ thống sẽ ưu tiên sử dụng trực tiếp điện mặt trời được sản sinh ra từ chính các tấm pin của gia đình.
Như vậy, họ sẽ tiết kiệm được số điện phải mua từ lưới điện của EVN. Với việc giá điện hộ gia đình đang được EVN tính theo mức bậc thang hiện nay, việc sử dụng điện năng lượng mặt trời sẽ giúp hộ gia đình hưởng giá điện ở mức thấp.
Mặt khác, nếu năng lượng mặt trời tạo ra không được sử dụng hết, người dân có thể tận dụng bán lại cho EVN.
Chính phủ đã có chính sách mua lại điện dư từ hệ thống năng lượng mặt trời với giá 9,35 cents/kWh (tương đương 2.134 đồng/kWh) và trả tiền hàng tháng cho khách hàng.
Với nhu cầu lớn, nhiều ngân hàng đã rót vốn cho các hộ gia đình lắp đặt tấm pin điện mặt trời.
Chẳng hạn, HSBC Việt Nam phối hợp với Công ty cổ phần Ðầu tư GIC tung ra gói “tín dụng xanh” hỗ trợ khách hàng lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái tại 2 thành phố lớn là TP.HCM và Ðà Nẵng.
Khoản vay có mức lãi suất ưu đãi thấp hơn 3 điểm phần trăm so với lãi suất cho vay thông thường, khoảng 11,99 - 12,99%/năm.
Ngoài ra, trong gói tín dụng nói trên của HSBC, người đi vay còn được hưởng chiết khấu trực tiếp cho hệ thống điện năng lượng mặt trời của GIC với mức giảm 14% cho khách hàng Premier và 12% cho khách hàng cá nhân khác.
Nam A Bank cũng rộng cửa cho nhiều doanh nghiệp ngành năng lượng tái tạo thông qua chính sách “tín dụng xanh” với lãi suất ưu đãi chỉ từ 7%/năm.
Là ngân hàng ngoài quốc doanh đầu tiên ký kết với Quỹ hợp tác khí hậu toàn cầu (Global Climate Partnership Funds - GCPF) triển khai chương trình tín dụng xanh, Nam A Bank cấp vốn cho cá nhân và khách hàng pháp nhân với thời gian lên đến 24 tháng.
Với Ngân hàng Bản Việt, các hộ gia đình có thể sử dụng nguồn vốn đầu tư năng lượng mặt trời từ gói vay tín chấp với hạn mức 200 triệu đồng để trang bị trọn gói hệ thống điện mặt trời (tấm pin, công tơ 2 chiều, thiết bị phụ trợ và cả công lắp đặt...).
Với chi phí khá cao, trung bình một hộ gia đình sẽ phải bỏ ra 50 - 100 triệu đồng cho hệ thống điện mặt trời quy mô nhỏ, trong khi hộ kinh doanh và sản xuất phải đầu tư nhiều hơn, dao động từ 150 - 800 triệu đồng tùy quy mô và công suất. Do đó, việc vay vốn được nhiều người tính đến.
Ðó cũng là lý do hầu như ngân hàng nào cũng có các gói cho vay điện mặt trời cả với pháp nhân và cá nhân. Ðầu năm nay, OCB hợp tác thu xếp nguồn vốn tài trợ bổ sung vốn lưu động với TTC Energy, tài trợ đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời cho thuê.
VietinBank công bố tài trợ 1.000 tỷ đồng, tương đương 62,5% tổng vốn đầu tư cho dự án điện mặt trời TTC 01 tại Tây Ninh.
HDBank cho vay doanh nghiệp đầu tư xây lắp các dự án điện mặt trời trên mái nhà, hạn mức tối đa 10 tỷ đồng, thời hạn 5 năm...
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, các nhà băng cho biết, sẽ quy định điều kiện cho vay tương đối chặt chẽ ,do đặc tính của những khoản vay này là trung, dài hạn.
Ðiều kiện để các doanh nghiệp làm điện mặt trời được hưởng giá bán 9,35 cent/kWh (mức giá cao so với nhiều nước khác) là có chứng chỉ vận hành thương mại (COD) trước ngày 30/6/2019.
Nguyên nhân, do có quá nhiều người đổ tiền làm điện mặt trời, nên nhu cầu về vốn trung, dài hạn lớn, trong khi nguồn cung có giới hạn.
Ông Phương Tiến Minh, Giám đốc toàn quốc Khối ngân hàng bán lẻ và quản lý tài sản Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng, khó khăn lớn nhất của nhiều dự án là không dễ để tiếp cận được nguồn đất sạch.
Vấn đề thứ hai là không phải dự án nào triển khai thì sẽ được đấu nối vào lưới điện quốc gia. Cuối cùng là việc bán điện.
Các chuyên gia nhận định, sự bùng nổ điện mặt trời khiến việc nâng cấp hạ tầng mạng lưới điện quốc gia trở nên cấp thiết. Nếu quá trình này không theo kịp tốc độ phát triển của điện mặt trời, các dự án có thể sẽ không được hòa lưới hoặc bị sa thải phụ tải dù có hợp đồng mua bán điện (PPA). Khi đó, doanh nghiệp và ngân hàng có thể rơi vào bế tắc.