Ngân hàng nội không còn là “miếng bánh ngon” cho ngân hàng ngoại

Ngân hàng nội không còn là “miếng bánh ngon” cho ngân hàng ngoại

(ĐTCK) Cách đây 10 năm, hệ thống NHTM Việt Nam là “miếng bánh ngon”, bây giờ không còn như trước nữa. Tuy nhiên, những ngân hàng có vốn nhà nước, những ngân hàng TMCP thuộc Top 15 vẫn luôn nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư nước ngoài. Đó là nhận xét của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng trong cuộc trao đổi với ĐTCK. 

Đánh giá của ông về hệ thống NHTM Việt Nam như thế nào?

Cùng với quá trình đổi mới và hội nhập, hệ thống NHTM Việt Nam đã có nhiều thay đổi quan trọng, đóng góp vào quá trình đổi mới và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá. Các NHTM không chỉ tiếp tục khẳng định là một kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế, mà còn góp phần ổn định sức mua đồng tiền. Tính đến nay, vốn cho sản xuất - kinh doanh chủ yếu vẫn do các NHTM đáp ứng, với tổng tài sản của hệ thống lên tới khoảng 140% GDP.

Cùng với sự xuất hiện của các ngân hàng 100% vốn nước ngoài và việc loại bỏ dần các hạn chế đối với hoạt động của chi nhánh ngân hàng, mức độ cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt, buộc các ngân hàng Việt Nam phải tái cấu trúc để tiếp tục phát triển. Tất cả các động thái này nhằm hướng tới sự phát triển bền vững trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Những ngân hàng thuộc Top 15 vẫn luôn nằm trong tầm ngắm của các NĐT nước ngoài

Một số ý kiến cho rằng, ngân hàng nội là “miếng bánh ngon” cho ngân hàng ngoại. Ông có nhận xét gì?

Cách đây 10 năm, hệ thống NHTM Việt Nam là miếng bánh ngon, nhưng bây giờ không còn như trước nữa. Nguyên do là bởi sổ sách không minh bạch, nợ xấu cao, sai phạm liên quan đến luật pháp…, làm các ngân hàng ngoại - vốn đặt tính minh bạch và quản trị công ty lên hàng đầu - chùn chân, thậm chí “sợ” thị trường ngân hàng Việt Nam.

Tất nhiên, ngoại trừ một số ngân hàng ngoại có những hiểu biết về môi trường, đồng điệu trong một chừng mực nhất định về văn hóa của Việt Nam và dám mạo hiểm hơn.

Ông có thể nói rõ hơn về e ngại của ngân hàng ngoại khi mua ngân hàng nội?

Vấn đề chính khi ngân hàng nước ngoài mua cổ phần tại ngân hàng Việt Nam là phải thẩm định giá trị tài sản, nhưng ở Việt Nam, không phải lúc nào con số cũng chuẩn xác, khiến giá trị thực của ngân hàng khó có thể tính đúng được.

Theo thông lệ, khi một ngân hàng mua ngân hàng khác thì ngân hàng chào mua sẽ điều tra kỹ lưỡng sổ sách, cách thức kinh doanh, loại khách hàng, các loại nợ, nợ khó đòi và nợ xấu, vốn huy động, các nguồn vốn khác, chi phí hoạt động và tổ chức nhân sự… Tiến trình khảo sát (due diligence) này đòi hỏi ngân hàng chào bán phải “phơi bày tất cả ruột gan” của mình, nhất là chất lượng tài sản, trong đó có nợ xấu, để ngân hàng chào mua có thể định giá. Các ngân hàng chào mua cảm thấy e ngại khi thấy nhiều khoản tín dụng đã được ngân hàng nội cung cấp cho những người liên quan của ngân hàng là những món nợ xấu tồn đọng trên sổ sách.

Hơn nữa, để làm việc này, các ngân hàng ngoại chào mua phải có nhân viên và chuyên gia, đặc biệt là những chuyên gia kiểm toán phải “cố thủ” tại ngân hàng trong nước nhiều ngày để thực hiện tiến trình khảo sát nghiêm ngặt này.

Một vấn đề khác là ngôn ngữ và văn hóa DN có sự khác biệt. Trong khi người phương Tây rất chính xác trong ngôn từ và cách truyền thông, thì người Á Đông lại có khuynh hướng dung hòa và đồng thuận. Có lần, một đồng nghiệp trong ngành ngân hàng đến từ Mỹ nói với tôi: “Các bạn người Việt cũng giống như người Nhật, khi tranh luận với chúng tôi, các bạn người Việt thường gật đầu tỏ ý hiểu và đồng thuận, nhưng khi nói xong, chúng tôi hỏi họ có đồng ý hay không đồng ý với những điều chúng tôi trình bày, thì họ yêu cầu chúng tôi trình bày lại một lần nữa”.

Cũng ở trong nội dung này, không ít người nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng chia sẻ với tôi là nhiều người trong ngành ngân hàng ở Việt Nam khi phải thực hiện những cam kết thì họ dễ dàng đồng ý và chấp thuận cam kết và các điều kiện ràng buộc, nhưng đến giai đoạn thực hiện lại không thực sự tuân thủ. Theo một số chuyên gia nước ngoài, việc hay thay đổi ý định và lập trường làm trở ngại tiến trình đàm phán, đó là chưa nói đến yếu tố tâm lý khi những nhà đàm phán cảm thấy mệt mỏi và ức chế.

Một trong những điểm khiến nhà đầu tư nước ngoài phải suy nghĩ nhiều khi khảo sát ngân hàng Việt, đó là cách quản trị DN của một số ngân hàng. Tại một vài HĐQT, chủ tịch HĐQT và người đại diện các cổ đông lớn có ảnh hưởng gần như tuyệt đối. Trong khi đó, tại các nước phát triển, sự vận hành và quản trị của HĐQT phải theo những chuẩn mực của Basel hay OECD, HĐQT không thể can thiệp vào công việc của Ban điều hành.

Vậy còn câu chuyện nới “room” cho các ngân hàng ngoại lên trên 30%?

Kế hoạch tăng tỷ lệ sở hữu tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài tại một ngân hàng Việt lên trên 30% hiện vẫn chưa chắc chắn, nên nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy không an tâm khi bắt đầu tiến trình đàm phán với ngân hàng trong nước về việc mua cổ phần. Cách đây ít lâu, có ý kiến cho rằng, nhiều ngân hàng nước ngoài đang xếp hàng chực chờ “nhảy” vào thị trường ngân hàng trong nước, nhưng tôi cho là nhận định đó không thực tế, khi mà một số ngân hàng ngoại là cổ đông chiến lược tại ngân hàng nội đã thoái vốn khỏi ngân hàng.

Có lẽ nào hệ thống NHTM Việt Nam lại thiếu sức hút đến vậy?

Thực tế, sức hút của hệ thống NHTM Việt Nam vẫn có đối với ngân hàng nước ngoài, vì những lý do sau: lợi ích mang lại từ thị trường bản địa đông dân, đang phát triển; các ngân hàng Việt có mạng lưới rộng khắp cả nước, các ngân hàng nước ngoài tự thân không đủ sức thực hiện, hiểu được địa hình địa lý, nền kinh tế và phong tục, tập quán địa phương như các ngân hàng Việt. Cụ thể, ngân hàng Việt hiểu người Việt và cách làm ăn của người Việt hơn ai hết và đa số người Việt vẫn cảm thấy thoải mái hơn khi tiếp xúc với các cán bộ, nhân viên của ngân hàng trong nước, đặc biệt là khi họ gặp khó khăn và cần sự tư vấn, đồng cảm của ngân hàng Việt.

Nhiều ngân hàng Việt vẫn còn hấp dẫn đối với giới đầu tư nước ngoài. Những ngân hàng có vốn nhà nước, những ngân hàng TMCP thuộc Top 15 của Việt Nam vẫn luôn nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo ông, hệ thống NHTM Việt Nam cần làm gì để hấp dẫn hơn dưới con mắt các ngân hàng nước ngoài?

Để các ngân hàng Việt trở thành những đích ngắm của nhà đầu tư ngoại thì tiến trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam cần phải đẩy nhanh hơn nữa. Vấn đề nợ xấu, việc cải thiện chất lượng tài sản của các ngân hàng, quản trị DN để đưa cả hệ thống ngân hàng Việt Nam vào trong quỹ đạo của hệ thống ngân hàng thế giới là những điều kiện tiên quyết.

Bài viết này nằm trong Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2014, do Báo Đầu tư Chứng khoán - Báo Đầu tư xuất bản ngày 5/5/2014. Tinnhanhchungkhoan.vn sẽ lần lượt đăng tải bài viết của Đặc san này trong thời gian tới.

Quý vị độc giả có thể theo dõi tất cả các bài viết trong Đặc san tại:Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2014: “Đón vận hội mới”

Tin bài liên quan