Ngân hàng nỗ lực tăng vốn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các ngân hàng đang trong xu hướng nâng cấp tiêu chuẩn quản trị rủi ro theo Basel III nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh và một trong những yêu cầu quan trọng là đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn.

Tăng vốn: Chiến lược đột phá và cẩn trọng

Tại đại hội đồng cổ đông vừa qua, cổ đông BIDV đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 70.213,6 tỷ đồng lên 91.869,7 tỷ đồng, tăng 30,8% so với thời điểm cuối quý I/2025. Kế hoạch tăng vốn sẽ được thực hiện theo 3 phương án:

Thứ nhất, phát hành cổ phiếu từ thặng dư vốn cổ phần (7,1%), trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận giữ lại năm 2023 (19,9%) và chào bán riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng (3,84%); phát hành cổ phiếu từ quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ: 498,5 triệu cổ phiếu (7,1%), bổ sung 4.985 tỷ đồng vào vốn điều lệ, phát hành cho cổ đông hiện hữu.

Thứ hai, trả cổ tức bằng cổ phiếu: 1.397,3 triệu cổ phiếu (19,9%) từ lợi nhuận giữ lại, phát hành cho cổ đông hiện hữu.

Thứ ba, chào bán riêng lẻ/chào bán ra công chúng tối đa 269,8 triệu cổ phiếu (3,84%) cho nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư cá nhân trong và ngoài nước.

Được biết, việc phát hành cổ phiếu từ quỹ dự trữ sẽ chuyển một phần quỹ này thành vốn điều lệ, trong khi cổ tức bằng cổ phiếu là phân phối lợi nhuận tích lũy cho cổ đông, đồng thời cũng làm tăng vốn điều lệ. Việc tăng vốn này sẽ giúp BIDV bổ sung, phân bổ vốn vào các lĩnh vực kinh doanh như tín dụng, cơ sở vật chất, công nghệ, hoạt động đầu tư; đồng thời cải thiện tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR), đặc biệt trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang tiến tới áp dụng các tiêu chuẩn Basel III trong tương lai gần. Sau khi hoàn tất các đợt tăng vốn, BIDV sẽ trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống, vượt qua Vietcombank, VPBank và Techcombank.

Ban lãnh đạo Vietcombank cho biết, đã nhận được phản hồi tích cực ban đầu từ các nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư chuyên nghiệp sau khi thông qua kế hoạch phát hành riêng lẻ tối đa 6,5% số cổ phiếu đang lưu hành trong giai đoạn 2025-2026, nhằm huy động 5.431 tỷ đồng để tăng cường vốn cấp 1. Ngoài ra, Vietcombank cũng có kế hoạch sử dụng toàn bộ khoản lợi nhuận giữ lại năm 2024 (khoảng 23.149 tỷ đồng) để chi trả cổ tức và đang chờ cơ quan quản lý phê duyệt. Như vậy, nếu hoàn thành kế hoạch phát hành riêng lẻ này, vốn điều lệ Vietcombank dự kiến được nâng từ 83.557 tỷ đồng lên gần 88.988 tỷ đồng.

Tại Techcombank, sau khi thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 100% trong năm 2024 (gấp đôi vốn điều lệ và pha loãng mạnh cổ đông hiện hữu), ngân hàng này sẽ không phát hành thêm cổ phiếu thưởng hay cổ tức bằng cổ phiếu trong năm 2025. Thay vào đó, Techcombank dự kiến chi trả cổ tức tiền mặt 10% (1.000 đồng/cổ phiếu), thực hiện trước ngày 31/12/2025 và phát hành 21,4 triệu cổ phiếu ESOP (khoảng 0,3% tổng số cổ phiếu lưu hành) trong nửa sau năm 2025, như một công cụ chiến lược để giữ chân và khuyến khích nhân sự chủ chốt.

Bà Nguyễn Thảo Linh - chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định: “Những động thái trên phản ánh chiến lược vốn được lên kế hoạch cẩn trọng, đồng thời duy trì lợi ích ổn định cho cổ đông Techcombank”. Nếu hoàn thành phương án phát hành trên, vốn điều lệ của Techcombank sẽ tăng từ gần 70.649 tỷ đồng lên hơn 70.862 tỷ đồng nhằm nâng cao năng lực đảm bảo đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn ở mức cao trong hoạt động của ngân hàng, tăng nguồn vốn trung - dài hạn để phục vụ nhu cầu tăng trưởng tín dụng.

Tương tự, TPBank có kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức. Cụ thể, TPBank dự kiến phát hành hơn 132 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Tỷ lệ phát hành là 5%, tương đương mỗi 100 cổ phiếu sở hữu, cổ đông sẽ được nhận thêm 5 cổ phiếu. Sau phát hành, vốn điều lệ TPBank sẽ tăng tối đa thêm 1.320 tỷ đồng, lên hơn 27.740 tỷ đồng.

Ông Phan Duy Hưng - CFA, MBA, Giám đốc, chuyên gia phân tích cao cấp VIS Rating cho biết, hiện tại, quy mô vốn toàn ngành ngân hàng vẫn khiêm tốn do lợi nhuận ổn định và hạn chế trong việc huy động vốn mới. Tỷ lệ vốn chủ sở hữu hữu hình/tổng tài sản hữu hình (TCE/TA) toàn ngành ổn định ở mức 8,5% trong năm 2024. Trong đó, NCB là ngân hàng duy nhất tăng vốn đáng kể trong quý IV/2024 theo kế hoạch tái cấu trúc của ngân hàng này. 20% ngân hàng trong phân tích của VIS Rating có quy mô vốn yếu do lợi nhuận thấp và/hoặc khả năng huy động vốn hạn chế. Mặc dù tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLCR) của ngành đã cải thiện đáng kể, nhưng chủ yếu ở các ngân hàng lớn và hầu hết ngân hàng nhỏ vẫn duy trì LLCR ở mức dưới trung bình ngành do lợi nhuận tăng trưởng thấp và tỷ lệ hình thành nợ xấu cao hơn.

“Chúng tôi kỳ vọng quy mô vốn toàn ngành sẽ duy trì ổn định trong năm 2025 khi mức cải thiện của lợi nhuận và khả năng tạo vốn nội bộ sẽ đi cùng với tốc độ tăng trưởng tài sản”, ông Hưng nói.

Ngăn ngừa vốn thao túng, chi phối

Vốn điều lệ cũng là một trong những vấn đề được nhà điều hành đặc biệt quan tâm. Ở góc độ cơ quan quản lý, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong năm 2024, để củng cố năng lực tài chính của các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, NHNN đã trình cấp có thẩm quyền chấp thuận bổ sung vốn điều lệ cho Vietcombank, BIDV thông qua hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu và đang lấy ý kiến trình cấp có thẩm quyền đối với VietinBank. Ngoài ra, các ngân hàng này đang thực hiện các thủ tục phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ theo quy định của pháp luật.

“Đối với các ngân hàng cổ phần và các công ty tài chính, trên cơ sở đề xuất của các tổ chức tín dụng (TCTD), NHNN đã chấp thuận tăng vốn điều lệ theo quy định. Trong đó, việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng chủ yếu là từ nguồn vốn chủ sở hữu (lợi nhuận để lại và các quỹ dự trữ)”, bà Hồng nói.

Xung quanh câu chuyện vốn điều lệ, Thống đốc tiết lộ, những năm qua, NHNN đã hoàn thiện cơ sở pháp lý và quyết liệt triển khai các giải pháp ngăn ngừa, xử lý sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo, cho vay, đầu tư không đúng quy định cùng với quá trình cơ cấu lại TCTD. Theo đó, sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo trong hệ thống TCTD từng bước được xử lý, tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn thao túng, chi phối ngân hàng đã được hạn chế.

Cũng theo Thống đốc, thời gian qua, cùng với công tác quản lý nhà nước, thanh tra, giám sát, NHNN đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và quan tâm chỉ đạo các TCTD xử lý các tồn tại. Do đó, tình trạng sở hữu này đã giảm đáng kể, khắc phục được tình trạng sở hữu cổ phần của ngân hàng tại một TCTD khác vượt tỷ lệ quy định trên 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của TCTD khác. Trường hợp cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định chủ yếu còn tại các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước cần tiếp tục chỉ đạo xử lý để tập trung vốn cho hoạt động kinh doanh chính và sử dụng vốn có hiệu quả hơn.

“Mặc dù chủ yếu phát sinh trước khi Luật Các TCTD năm 2010 có hiệu lực, sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo trực tiếp giữa các TCTD với nhau và giữa TCTD với doanh nghiệp dần được xử lý. Bên cạnh đó, Luật Các TCTD năm 2024 đã quy định chặt chẽ hơn về sở hữu cổ phần. Theo đó, các TCTD có sở hữu cao hơn quy định tại Luật Các TCTD năm 2024 sẽ tiếp tục xây dựng lộ trình đảm bảo tuân thủ quy định tại luật này và Thông tư hướng dẫn có liên quan của NHNN”, Thống đốc cho hay.

Mặc dù vậy, Thống đốc cũng cho biết, trong công tác phát hiện, ngăn ngừa và xử lý tình trạng sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các TCTD đối mặt với không ít khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, trong trường hợp cổ đông và người có liên quan cố tình che giấu, nhờ cá nhân/tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định của pháp luật về sở hữu chéo/sở hữu vượt mức quy định, hoặc lách quy định về giới hạn cấp tín dụng nhóm khách hàng liên quan, tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông và người có liên quan.

“Điều này tiềm ẩn nguy cơ hoạt động của TCTD thiếu công khai, minh bạch, đồng thời việc này chỉ có thể được phát hiện và nhận diện thông qua công tác điều tra, xác minh của cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật”, Thống đốc nhận định.

Cũng theo Thống đốc, việc phát hiện mối liên quan giữa các doanh nghiệp còn hạn chế, nhất là các doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng. NHNN không chủ động được trong việc tra cứu thông tin cũng như xác định được độ chính xác, tin cậy của các nguồn thông tin, đặc biệt trong bối cảnh thị trường chứng khoán, công nghệ… phát triển nhanh như hiện nay.

Thống đốc thông tin: “Việc sở hữu chéo có thể liên quan đến nhiều đối tượng thuộc sự quản lý của các bộ/ngành, trong đó còn tồn tại tình trạng sở hữu cổ phần vượt giới hạn tại ngân hàng là doanh nghiệp nhà nước với tỷ lệ sở hữu khá lớn, các ngân hàng gặp khó khăn trong việc yêu cầu cổ đông này thực hiện thoái vốn”.

Số liệu thống kê từ NHNN cho biết, tính đến hết tháng 11/2024, tổng vốn điều lệ toàn hệ thống các TCTD đạt 1.100.635 tỷ đồng, tăng 9,74% so với cuối năm 2023. Tỷ lệ CAR của nhóm ngân hàng áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN đạt 12,51%. Trong đó, nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối đạt 10,57% và nhóm ngân hàng cổ phần đạt 12,21%.

Tin bài liên quan