Trước bối cảnh đó, ngành ngân hàng đứng trước những cơ hội và thách thức lớn, đòi hỏi sự chuyển đổi sang mô hình kinh doanh mới, tích hợp công nghệ trong các hoạt động và số hóa các quy trình nghiệp vụ theo hướng tự động, thông minh nhằm giúp ngân hàng có thể tiến hành kinh doanh, cung ứng sản phẩm, dịch vụ dễ dàng trên nền tảng số, khai thác dữ liệu hiệu quả gia tăng trải nghiệm và gắn kết khách hàng.
Trong quá trình này chuyển đổi số, phát triển ngân hàng số (Digital Banking) trở thành nhu cầu tất yếu giúp các ngân hàng vượt lên thách thức, tạo lợi thế cạnh tranh, chủ động thích ứng và phát triển bền vững trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và sự nổi lên của kinh tế số.
Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngân hàng số nhờ quy mô dân số lớn với 96 triệu người, cơ cấu dân số vàng (56 triệu người tham gia thị trường lao động); tỷ lệ người dân sở hữu điện thoại thông minh ở mức cao (72%); 62 triệu thuê bao 3G/4G kết nối Internet, giới trẻ ưa thích công nghệ...
Các ngân hàng Việt Nam đã ý thức rõ về tầm quan trọng của việc chuyển đổi ngân hàng số và thực tế thời gian qua đã chủ động nghiên cứu các công nghệ mới để ứng dụng trong hoạt động kinh doanh, bước đầu ghi nhận kết quả nhất định.
Nhiều ngân hàng đã nghiên cứu và triển khai chiến lược chuyển đổi số bước đầu với ứng dụng IoT cho phép khách hàng truy cập sử dụng dịch vụ ngân hàng, kết nối với các hệ sinh thái số khác trên nền tảng Internet (dịch vụ ngân hàng số Timo của VPBank, Live Bank của TPBank, E-Zone của BIDV...), hoặc cung ứng các dịch vụ ngân hàng thông qua ứng dụng được cài đặt ngay trên điện thoại di động (Mobile Banking), khách hàng có thể dùng được nhiều tính năng, tiện ích hơn so với gặp mặt trực tiếp tại quầy giao dịch…
Các ngân hàng Việt Nam đã ý thức rõ tầm quan trọng của việc chuyển đổi ngân hàng số.
Theo Khảo sát tiêu dùng toàn cầu năm 2019 của PwC đối với 27 nước/vùng lãnh thổ, Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2019, tỷ lệ người tiêu dùng thanh toán bằng di động ở Việt Nam đã tăng lên 61%, từ mức 37% của năm 2018.
Một số ngân hàng bước đầu đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), robot và dữ liệu lớn (BigData) trong thu thập, phân tích, dự báo thị trường để xây dựng kế hoạch, chiến lược kinh doanh, cũng như phân tích dữ liệu khách hàng nhằm hỗ trợ việc đánh giá, phân loại khách hàng và ra quyết định giải ngân, cho vay rút ngắn thời gian từ nhiều ngày xuống trong ngày...
Với tinh thần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, lấy khách hàng làm trọng tâm và kịp thời nắm bắt, tận dụng hiệu quả những ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu tiên tiến của cuộc cách mạng 4.0, Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng thông qua một số định hướng chính sau:
Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế chính sách, khung khổ pháp lý trong hoạt động ngân hàng thích ứng với cuộc cách mạng 4.0, tạo thuận lợi và thúc đẩy các mô hình kinh doanh, quản trị điều hành trong lĩnh vực ngân hàng theo hướng bứt phá, đổi mới, sáng tạo, nhưng vẫn chú trọng tới công tác đảm bảo an ninh mạng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm hạn chế những rủi ro, thách thức trong bối cảnh bùng nổ công nghệ số;
Thứ hai, xây dựng và phát triển hạ tầng công nghệ theo hướng đồng bộ, tập trung, thống nhất, có khả năng tích hợp, kết nối với các ngành, lĩnh vực khác để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số, nâng cao chất lượng phục vụ và tăng tính tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng;
Thứ ba, ưu tiên đầu tư, ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ của cuộc cách mạng 4.0 vào hoạt động ngân hàng; ưu tiên phát triển ngân hàng theo mô hình ngân hàng số, trong đó lấy thanh toán số là làm cửa ngõ để kết nối liền mạch với các dịch vụ ngân hàng khác như huy động, cho vay, đầu tư, bảo hiểm... và giao tiếp thuận tiện với các hệ sinh thái số bên ngoài nhằm cung ứng các sản phẩm, dịch vụ an toàn, tiện lợi, cá nhân hóa với chi phí hợp lý và sự tường minh.
Thứ tư, coi nguồn nhân lực ngân hàng có chất lượng là nhân tố quyết định thành công trong chuyển đổi số ngân hàng, phát triển ngân hàng số tại Việt Nam; chú trọng công tác đào tạo, đào tạo lại, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành ngân hàng, giúp người lao động ngành ngân hàng được trang bị những kỹ năng, phát triển năng lực thích ứng với bối cảnh 4.0.
Về biện pháp thực thi, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ ưu tiên tập trung cho các công việc cụ thể sau:
Một là, nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý tạo thuận lợi cho việc cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số thông qua việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NÐ-CP của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc phát triển thanh toán điện tử; trình Thủ tướng Chính phủ về Ðề án cơ chế quản lý thử nghiệm hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (Regulatory Sandbox)…
Hai là, xây dựng và phát triển hạ tầng công nghệ, mà trước hết là hạ tầng thanh toán điện tử với việc nâng cấp Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng theo hướng tập trung hóa và thúc đẩy việc vận hành chính thức Hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ cho các giao dịch bán lẻ (ACH) hoạt động 24/7, xử lý thanh toán tức thời (real-time).
Ba là, triển khai các tiêu chuẩn về thanh toán QR Code, tiêu chuẩn thẻ chíp nhằm tăng cường tính kết nối, xử lý liên thông giữa các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán và phục vụ thanh toán an toàn, thuận tiện, tích hợp chặt chẽ với các ngành, lĩnh vực khác.
Bốn là, tiếp tục nghiên cứu ứng dụng công nghệ hiện đại để tiếp tục thiết kế, triển khai các sản phẩm dịch vụ ngân hàng với định hướng chủ yếu là cung ứng sản phẩm dịch vụ trên ứng dụng điện thoại thông minh với các tính năng an toàn, tiện lợi và tăng tính trải nghiệm cho khách hàng.