Trước diễn biến cổ phiếu HDB của Ngân hàng HDBank rớt mạnh, Tổng giám đốc của nhà băng này là ông Nguyễn Hữu Đặng vừa đăng ký mua 500.000 cổ phiếu HDB trong thời gian từ ngày 19/11 đến 30/11/2018. Hiện ông Đặng có hơn 26,1 triệu cổ phiếu HDB, chiếm 2,67% vốn của HDBank và có giá trị trên 753 tỷ đồng. Với 500.000 cổ phiếu mua thêm, dự kiến ông Đặng sẽ phải bỏ ra hơn 14 tỷ đồng.
Sau động thái trên, cổ phiếu HDB đã có chiều hướng nhích dần và chốt phiên giao dịch ngày 19/11 ở mức 30.900 đồng/cổ phiếu.
Tại Techcombank, 3 lãnh đạo cấp cao, gồm Tổng giám đốc Nguyễn Lê Quốc Anh, Phó chủ tịch Đỗ Tuấn Anh và Phó tổng giám đốc Phạm Quang Thắng đã mua vào mỗi người 100.000 cổ phiếu từ ngày 9/11 tới nay.
Trong khi lãnh đạo Techcombank thực hiện mua vào, thì Công đoàn Techcombank lại bán ra tới 1,2 triệu cổ phiếu trong tổng số gần 2,2 triệu cổ phiếu nắm giữ trước đó và giảm mức sở hữu xuống còn 988.000 cổ phiếu. Từ ngày 5/11 tới nay, cổ phiếu TCB của Techcombank chỉ có 3 phiên tăng giá và hiện được giao dịch ở mức 25.250 đồng.
Được biết, khi mới niêm yết, TCB có giá tới 105.000 đồng/cổ phiếu, rồi giảm về quanh mức 100.000 đồng trước khi chia tách cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 1:2. Sau khi có động thái mua vào, cổ phiếu TCB chốt ở mức 26.500 đồng/cổ phiếu sau nhiều phiên giảm điểm trước đó.
Trong khi đó, Chủ tịch VPBank và mẹ ruột ông đã mua vào 21 triệu cổ phiếu VPB. Giá cổ phiếu VPB đã nhích lên và hiện giao dịch ở mức 21.700 đồng/cổ phiếu.
Có duy trì đà tăng?
Cổ phiếu ngân hàng là một trong những nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường trong nhiều những năm qua. Số liệu của Hệ thống dữ liệu FiinPro cho thấy, cổ phiếu ngành này đã đạt mức tăng trưởng 3 con số trong 5 năm qua, tăng 154,1% so với mức tăng 2 con số của
VN-Index trong cùng kỳ là 96,5%. Nhưng liệu sức hấp dẫn của cổ phiếu ngành này có còn trong những tháng cuối năm 2018 và đầu năm 2019?
Theo kết quả kinh doanh vừa được các nhà băng công bố, lợi nhuận trong 3 quý đầu năm tăng trưởng tích cực. Nhiều nhà băng đạt mức lợi nhuận trước thuế cao sau 9 tháng, hoàn thành gần 80% chỉ tiêu, như ACB, HDBank, VCB, Techcombank đạt lần lượt là 4.776 tỷ đồng, 2.884 tỷ đồng, 11.600 tỷ đồng, 7.700 tỷ đồng. Chính điều này sẽ tác động tích cực lên cổ phiếu nhóm ngân hàng dịp cuối năm.
Thống kê của 20 ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý III/2018 cho thấy, tổng lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đạt gần 58.820 tỷ đồng, tăng gần 46% so với cùng kỳ năm ngoái. 5 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất là Vietcombank, Techcombank, BIDV, VPBank và MB.
Có thể thấy, chính sách thắt chặt tín dụng của Ngân hàng Nhà nước cũng như chi phí đầu vào tăng chưa phải là vấn đề đáng lo ngại đối với hoạt động ngân hàng quý cuối năm. TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, hoạt động ngành ngân hàng trong quý cuối năm thường tăng mạnh, do nhu cầu vốn của khách hàng tăng. Lợi nhuận ngân hàng cũng tăng mạnh nhất trong quý này. Do vậy, không ít nhà băng kỳ vọng vượt chỉ tiêu kinh doanh cả năm.
Tuy nhiên, bên cạnh điểm sáng, trong bức tranh lợi nhuận của ngành ngân hàng 9 tháng qua cũng nổi lên một “điểm tối” là nợ xấu có xu hướng tăng lên, trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng nhanh. Thêm nữa, đã qua kỳ hạn 5 năm đối với những khoản nợ xấu đầu tiên bán sang VAMC, nhưng vẫn không xử lý được, nên các ngân hàng phải nhận về, ghi nhận chính thức trên sổ sách.
Tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo chính thức đến hết quý III/2018 là hơn 2%, một phần do được chuyển từ hệ thống ngân hàng sang VAMC. Nếu tính cả nợ xấu do VAMC nắm giữ, thì tỷ lệ này sẽ cao hơn. Đây chính là một trong những lý do khiến giá cổ phiếu “vua” điều chỉnh theo chiều hướng giảm trong thời gian gần đây.