Ngân hàng lớn “ôm” ngân hàng nhỏ,  không thiệt!

Ngân hàng lớn “ôm” ngân hàng nhỏ, không thiệt!

(ĐTCK) Trong 2 cuộc họp gần đây tại Vietcombank và Vietinbank, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đều nhấn khá đậm về một nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng, được gọi là giai đoạn 2 tái cấu trúc hệ thống ngân hàng trong năm 2015. Một thông điệp rõ ràng đã được đưa ra là ngân hàng lớn phải “ôm” ngân hàng nhỏ.

Giải pháp cho giai đoạn 2

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh 2015 của VietinBank cuối tuần trước, Thống đốc NHNN cho biết, cơ quan này đã triển khai thành công giai đoạn 1 quá trình tái cơ cấu là xử lý các ngân hàng “rất yếu kém”.

Như vậy, có thể hiểu các ngân hàng rất yếu kém ở đây là Habubank (sáp nhập vào SHB), 3 ngân hàng Tín Nghĩa, Sài Gòn, Đệ Nhất sáp nhập với nhau, Phương Tây sáp nhập với PVFC…

Thống đốc cũng chia sẻ lý do tại sao lại chỉ là các ngân hàng rất yếu kém, là bởi khi đó NHNN cũng còn yếu kém vì là giai đoạn đầu của nhiệm kỳ trong bối cảnh tình hình kinh tế vĩ mô cũng như thị trường tiền tệ nói chung và chính sách tiền tệ nói riêng còn rất nhiều bất cập.

Cụ thể là hệ thống ngân hàng có thanh khoản yếu, lãi suất cao, tỷ giá biến động…, nên nội lực của NHNN để có thể can thiệp vào các NHTM cũng bị hạn chế bởi còn tập trung nguồn lực để phục vụ điều hành chính sách tiền tệ ổn định.

“Giai đoạn 1 tái cơ cấu chỉ tập trung vào xử lý các ngân hàng cực kỳ yếu kém, không làm ngân hàng này “đổ” vì nếu việc đó xảy ra sẽ khiến sự đổ vỡ mang tính dây chuyền trong hệ thống. Nhưng, việc xử lý đã dựa trên nguyên tắc lấy lực lượng thị trường giải quyết vấn đề thị trường trên cơ sở tự nguyện trong khuôn khổ. Và đến nay, tình hình đã khác hẳn, thị trường ổn định, khả năng chi phối của NHNN được nâng lên đáng kể, tiến dần lên khống chế và dẫn dắt thị trường”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình chia sẻ.

“Từ góc độ đó, NHNN quyết tâm triển khai giai đoạn 2 trong tái cơ cấu các TCTD Việt Nam với điểm mới là sẽ có sự tham gia rất tích cực của các NHTM quốc doanh”.

Dù Thống đốc không chỉ rõ tên các ngân hàng quốc doanh này, nhưng thông tin không chính thức trước đó được cho là dẫn nguồn từ NHNN tiết lộ sẽ có từ 6 đến 8 ngân hàng dự kiến sáp nhập trong năm 2015.

Cụ thể, Ocean Bank có thể “chung nhà” với VietinBank và đặc biệt phương án PGBank “kết hôn” với VietinBank đang được để ngỏ; còn SaigonBank có thể sáp nhập với Vietcombank và BIDV có thể có bước đi tương tự với MHB. 

Sáp nhập để “thành hàng đầu khu vực”

Trong Chiến lược tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đã đặt mục tiêu ngành ngân hàng sẽ có 1-2 ngân hàng ngang tầm khu vực và cái tên cụ thể đã được người đứng đầu ngành ngân hàng chỉ ra là Vietinbank và Vietcombank.

Hai ngân hàng này không chỉ “hàng đầu tại Việt Nam mà hàng đầu khu vực”. Đây là mục tiêu không hề nhỏ và cũng không hề dễ. Trong khu vực, những ngân hàng của Malaysia, Thái Lan từ rất lâu đã bước ra thế giới và đều đã hiện diện tại Việt Nam.

“Muốn là số 1 mà VietinBank tập trung vào bán buôn là không phù hợp, cần đẩy mạnh bán lẻ và NHNN ủng hộ chủ trương này. Mà muốn phát triển bán lẻ, cần hệ thống mạng lưới dày đặc để phát triển. Vậy thì, chỉ có con đường sáp nhập”, Thống đốc bình luận.

“Cho dù tôi có phấn khởi lắm nhưng cũng không thể một lúc phê chuẩn cho mở hàng loạt chi nhánh mà mỗi năm chỉ được mở vài ba chi nhánh thì đến bao giờ VietinBank mới trở thành ngân hàng lớn được. Do vậy, tham gia cùng xử lý một ngân hàng, một đêm ngủ dậy bỗng dưng biên giới của ngân hàng mình được mở rộng hút với mấy trăm chi nhánh… Nói theo cách khác, thông qua chương trình tái cơ cấu không chỉ để xử lý ngân hàng yếu kém (việc nhỏ) mà còn xây dựng các ngân hàng có quy mô lớn (việc chính), chứ để triển khai như bình thường sẽ rất lâu, mất hết thời cơ”.

Trong câu chuyện trước đó tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh Vietcombank năm 2015, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng đã đề cập rằng “Để được coi là số 1 thì Vietcombank phải thể hiện được vị thế số 1 trong nhiều lĩnh vực, từ việc xử lý nợ xấu, đến tổng tài sản, chiếm thị phần lớn cả lĩnh vực bán buôn, bán lẻ…”

“Mặc dù tổng tài sản Vietcombank đã lần đầu tiên vượt mức 500.000 tỷ đồng, nhưng để trở thành số 1 về tổng tài sản thì có thể mất nhiều năm, nếu không có những bước đột phá. Hơn thế, muốn trở thành số 1 về mặt quy mô, thị phần thì không có cách nào tốt hơn và nhanh hơn việc sáp nhập, hợp nhất. Hiện Vietcombank có thế mạnh truyền thống bán buôn, việc nhận sáp nhập một ngân hàng có thế mạnh bán lẻ sẽ giúp Vietcombank mở rộng nhanh chóng thị phần bán lẻ, tiến nhanh hơn trong chiến lược trở thành ngân hàng số 1”, Thống đốc gợi mở.

Rủi ro cho M&A

Trao đổi với ĐTCK, Phó tổng giám đốc một ngân hàng chưa được nêu tên trong danh sách sáp nhập cho biết, việc sáp nhập nếu diễn ra ông cũng có tâm tư.

Còn lãnh đạo cấp cao một ngân hàng trong diện bị sáp nhập chia sẻ, ông cũng có những trăn trở khi mất đi quyền lợi nhưng xét về đại cục, một ngân hàng rất nhỏ cũng không đóng góp quá nhiều cho nền kinh tế, tồn tại cũng được mà mất đi cũng không sao.

Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, các cổ đông không muốn/không được bỏ tiền góp vốn nữa, ngân hàng thiếu người “cầm trịch” dẫn đến ngày càng có sự phân hóa lớn giữa các ngân hàng.

“Tôi đành chấp nhận cuộc chơi”, vị lãnh đạo trên nói.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, có 4 rủi ro chính khi sáp nhập một ngân hàng nhỏ vào ngân hàng lớn. Thứ nhất, ngân hàng lớn phải sử dụng nhiều nguồn lực để tái cơ cấu ngân hàng nhỏ, và việc tái cơ cấu lại từ con người, quy chế, quy trình, sản phẩm sẽ khiến ngân hàng lớn mất nhiều năng lực, dẫn đến rủi ro hệ thống.

Thứ hai, nợ xấu của ngân hàng bị sáp nhập thường rất lớn nên khi “ôm” vào, ngân hàng lớn buộc phải xử lý. Trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay không phải là điều dễ dàng. Thứ ba, hai ngân hàng có mô hình tổ chức khác nhau, văn hóa khác nhau và để hòa hợp được là mất nhiều thời gian. Cuối cùng là rủi ro tài chính như trong nguồn vốn của ngân hàng nhỏ có những thiếu sót về tính thanh khoản, sử dụng dòng vốn trước đây không chuẩn mực… gây ra tốn phí và nhiều rủi ro.

Còn đối với ngân hàng lớn nhận sáp nhập, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT VietinBank đã chia sẻ: “Có thể nói, PGBank cũng là một ngân hàng khá tốt và nếu đánh giá khách quan PGBank và VietinBank có thể kết hợp được với nhau thì đây là một cuộc hôn nhân hoàn hảo”.

Câu chuyện về thiệt hơn này chắc chắn sẽ còn bàn nhiều, trong quá khứ, giai đoạn tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cổ phần 1998-2001, các ngân hàng lớn cũng từng một lần được huy động để xử lý ngân hàng nhỏ. Không phải cuộc xử lý nào cũng “xuôi chèo mát mái”. 

Đứng trước vấn đề này, Thống đốc NHNN cho biết: “Sẽ đảm bảo về cơ chế không để các ngân hàng phải thiệt thòi và mất tiền khi được giao nhiệm vụ chính trị hợp nhất, sáp nhập theo định hướng của NHNN. NHNN với tư cách là một cổ đông lớn chỉ nhờ hỗ trợ ở 3 góc độ: con người, quản trị, uy tín của chính ngân hàng, chứ không để ngân hàng thiệt về mặt tài chính, vì dẫu sao các ngân hàng cũng đã được cổ phần hóa”.

Tin bài liên quan