Ngân hàng kiến nghị được gia hạn Thông tư 02 từ 6 tháng đến 1 năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trước bối cảnh kinh tế khó khăn nhất định, sức cầu thị trường còn yếu đã tác động lên khả năng trả nợ của khách hàng, nên các ngân hàng kiến nghị gia hạn thêm Thông tư 02/2023/TT-NHNN từ 6 tháng đến 1 năm, thay vì đến 30/6/2024 đến hạn.
Ngân hàng kiến nghị được gia hạn Thông tư 02 từ 6 tháng đến 1 năm

Mong muốn gia hạn để khách hàng có thời gian trả nợ

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức sáng ngày 20/2/2024, ông Phạm Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank kiến nghị và mong muốn NHNN gia hạn Thông tư 02 về cơ cấu, gia hạn nợ để cả khách hàng và ngân hàng có điều kiện hơn trong việc trả nợ.

Tương tự, Phó tổng giám đốc BIDV ông Trần Long cũng cho hay, sở dĩ tín dụng giảm trong tháng đầu năm 2024 là do sức hấp thụ vốn chậm trong những tháng đầu năm. Trong đó, xuất khẩu, tiêu dùng còn yếu. Đối với doanh nghiệp còn một số vướng mắc về pháp lý và thị trường xuất khẩu khó khăn do ảnh hưởng của địa chính trị.

Chính những khó khăn trên sẽ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng. Đáng chú ý là khi Thông tư 02 sẽ hết hiệu lực từ ngày 30/6 tới đây nên khả năng nợ xấu sẽ tăng. Do đó, lãnh đạo BIDV cho rằng, nếu không được gia hạn Thông tư 02 sẽ khó khăn cho khách hàng và cả ngân hàng khi xu hướng nợ xấu tăng.

Ông Hồ Nam Tiến, Phó chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc LPBank cho biết, đến nay LPBank cơ cấu được khoảng 2.500 tỷ đồng dư nợ theo Thông tư 02. Tuy nhiên, việc trả nợ đến khi Thông tư 02 đến hạn vào 30/6 tới cũng là khó khăn, do đó các ngân hàng mong muốn được NHNN gia hạn thêm thời gian cơ cấu, gia hạn nợ theo Thông tư 02.

Về Thông tư 02, lãnh đạo MB cũng đề nghị gia hạn thêm 1 năm, tức đến tháng 6/2025 để giúp khách hàng và ngân hàng có điều kiện và thời gian trong việc trả nợ.

Ông Phạm Quang Thắng, Phó tổng giám đốc Techcombank cũng cho hay, nợ xấu của Techcombank đến cuối tháng 1/2024 ngang bằng với cuối 2023, với tỷ lệ 1,2%.

Về cơ cấu nợ của khách hàng tại Techcombank theo Thông tư 02 đến cuối tháng 1/2024 khoảng 6.000 tỷ đồng và hiện khách hàng cũng bắt đầu trả nợ dần. Tuy nhiên, theo ông Thắng, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thời gian trả nợ thì Techcombank cũng kiến nghị được gia hạn thêm thời gian đối với việc cơ cấu và trả nợ tại Thông tư 02.

Vì lo ngại nợ xấu tăng sau 30/6 nếu không được gia hạn

Tổng giám đốc VPBank, ông Nguyễn Đức Vinh cũng cho rằng, hiện lãi suất cho vay đã giảm, song nhu cầu vốn của thị trường chưa cao. Do đó, lãi suất không còn là vấn đề đối với người đi vay trong bối cảnh hiện nay mà chủ yếu là làm thế nào để kích cầu được sức mua.

Bên cạnh đó, cho vay tiêu dùng sụt giảm mạnh, với 16 công ty tài chính tiêu dùng nhưng trong năm qua dư nợ cho vay giảm hơn 20%, kể cả Fe Credit cũng khó tránh giảm.

Mặc dù cần đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, song các ngân hàng cũng thận trọng cho vay để kiểm soát rủi ro nợ xấu, do đó không thể đẩy mạnh cho vay bằng mọi giá.

Ông Vinh cũng kiến nghị, cần gia hạn Thông tư 02 thêm thời gian khoảng 12 tháng so với quy định đến hạn vào tháng 6/2024 tới đây để tạo điều kiện cho khách hàng trong việc trả nợ.

Bởi theo ông Vinh, việc thu hồi nợ hiện nay gặp không ít khó khăn, nhất là đối với việc thu hồi nợ tín dụng tiêu dùng càng khó hơn nên nhân sự trong các bộ phận thu hồi nợ cũng sụt giảm mạnh. Riêng tại FE Credit nhân viên thu hồi nợ giảm đến 50%.

Lãnh đạo SeABank cũng kiến nghị kéo dài thời gian của Thông tư 02 thêm 6 tháng hoặc 1 năm để khách hàng có thời gian trả nợ.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng nêu ý kiến, năm 2024, room tín dụng không còn là vấn đề, dư địa cho vay nhiều nhưng quan trọng là ngân hàng phải kiếm được khách hàng tốt để cho vay.

Đáng chú ý là trước bối cảnh nợ xấu có xu hướng gia tăng hiện nay đòi hỏi ngân hàng tăng cường kiểm soát rủi ro, nhất là đối với tín dụng tiêu dùng. Hiện đối với tín dụng tiêu dùng xuất hiện các hội nhóm bùng nợ trên mạng xã hội gia tăng, nhưng không có cơ quan quản lý nào xử lý, người vay chây ì trả nợ... do đó các công ty tài chính không dám mạnh tay cho vay. Bởi khả năng trả nợ của khách hàng giảm.

Vì thế, ông Hùng cũng đưa ra kiến nghị NHNN gia hạn thêm thời gian Thông tư 02 từ 6 tháng đến 1 năm để người vay có thời gian trả nợ trong bối cảnh khó khăn, song cũng cần có biện pháp để xử lý các hội nhóm "bùng nợ" công khai hiện nay.

Trong khi đó, ông Võ Minh, Giám đốc NHNN Chi nhánh Đà Nẵng cho rằng, cần thiết gia hạn thêm thời gian của Thông tư 02, do thị trường hiện còn khó khăn, khách hàng cần thêm thời gian để cơ cấu và trả nợ.

Tuy nhiên, ông Minh cho rằng, cần có sự nghiên cứu, phân tích và dự báo về khó khăn cũng như sự phục hồi của nền kinh tế để lấy điểm mốc gia hạn thời gian, chứ không thể nói là gia hạn thêm 6 tháng hay 1 năm.

Lãnh đạo NHNN cho rằng, việc xây dựng Thông tư 02 là dựa trên cơ sở khó khăn của thị trường, khách hàng và dựa trên chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là một mặt phải tháo gỡ khó khăn của người dân, nhưng mặt khác là phải đảm bảo sự chặt chặt và đảm bảo an toàn, do đó đòi hỏi cơ quan quản lý luôn phải chặt chẽ. Trên cơ sở kiến nghị của các ngân hàng NHNN sẽ xem xét, lấy ý kiến của các ngân hàng thương mại về việc gia hạn Thông tư 02.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng cho hay, cần thiết để xem xét gia hạn thêm Thông tư 02, nhưng vấn đề gia hạn thêm 6 tháng hay 1 năm thì cần được xem xét kỹ.

Tuy nhiên, Phó thống đốc Tú cũng nhấn mạnh, mặc dù tín dụng có chậm lại trong tháng đầu năm nay, các ngân hàng cũng không nên cho vay bằng mọi giá, nhưng cũng không thể thắt chặt tín dụng. Đây là hai vấn đề cần được đảm bảo. Tín dụng cần được hướng vào lĩnh vực ưu tiên, đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp khó khăn, nhưng có điều kiện phục hồi.

Tin bài liên quan