VPBank là một trong những ngân hàng đạt lợi nhuận khả quan trong năm qua

VPBank là một trong những ngân hàng đạt lợi nhuận khả quan trong năm qua

Ngân hàng dè dặt với chỉ tiêu lợi nhuận 2016

(ĐTCK) Mặc dù nợ xấu đã được kéo giảm về mức thấp, dưới mức yêu cầu 3%, song đòi hỏi dự phòng tăng theo từng năm, cùng với dự kiến siết lại tín dụng bất động sản khiến không ít ngân hàng khá dè dặt với chỉ tiêu lợi nhuận trình ĐHCĐ mùa này.

Lãi cao vẫn cân nhắc...

Là một trong những nhà băng đạt kết quả lợi nhuận khả quan trong năm 2015, nhờ đóng góp từ công ty tài chính tiêu dùng trực thuộc (VPB FC) gần 1.000 tỷ đồng lãi sau thuế, song chỉ tiêu lợi nhuận cho năm 2016 vừa được HĐQT VPBank trình ĐHCĐ thông qua trong ngày 28/3 cũng khá thận trọng. Cụ thể, mức lợi nhuận trước thuế VPBank đưa ra cho năm 2016 là 3.200 tỷ đồng, chỉ cao hơn 200 tỷ đồng so với mức thực hiện năm qua.

Theo lãnh đạo VPBank, đây là mức tăng trưởng hợp lý, giúp Ngân hàng thận trọng hơn trong lựa chọn khách hàng và tăng cường số dư dự phòng rủi ro, đảm bảo VPBank có thể đối phó mọi tình huống trên thị trường tài chính.

Diễn biến thị trường, tăng trưởng tín dụng và dự phòng rủi ro luôn là những vấn đề được các ngân hàng cân nhắc khi xây dựng chỉ tiêu lợi nhuận.

Đến cuối năm 2015, tỷ lệ nợ xấu của VPBank là 2,17% và nhà băng này đặt mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới 3% trong năm nay. 

Trong tài liệu ĐHCĐ thường niên 2016 vừa được ACB công bố, mục tiêu lợi nhuận trước thuế được nhà băng này đặt ra ở mức 1.500 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2016, ACB đặt chỉ tiêu tổng tài sản tăng 18%, đạt 237.000 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 3%. Đến cuối năm 2015, tỷ lệ nợ xấu ACB giảm mạnh về mức 1,32% so với mức 2,17% tại thời điểm cuối năm 2014. Nhưng do trong quý IV/2015, Ngân hàng lỗ thuần từ hoạt động chứng khoán đầu tư gần 1.000 tỷ đồng buộc phải trích lập tới 1.363 tỷ đồng nên đã “ăn” vào lợi nhuận.

Năm 2016, có hai vấn đề khiến các thành viên trên thị trường e ngại sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động ngân hàng là tỷ giá và lãi suất. Tỷ giá đã thay đổi bởi cơ chế của NHNN, được điều chỉnh và thay đổi theo cơ chế thị trường. Điều đó cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của khách hàng, mà trước hết là các DN.

Còn về lãi suất, ngay những tháng đầu năm, diễn biến lãi suất huy động trên thị trường đã theo chiều hướng tăng nhẹ, trong khi ngân hàng khó tăng lãi suất đầu ra. Bên cạnh đó, điều đáng nói là nợ xấu, mặc dù đã đẩy mạnh bán cho VAMC, song quá trình xử lý còn khó khăn nhất định, trong khi dự phòng đòi hỏi phải trích gia tăng theo từng năm khiến lợi nhuận nhiều ngân hàng bị ảnh hưởng.

Tại Nam A Bank, lợi nhuận trước dự phòng năm qua đạt mức tương đối khá, song do chi phí hoạt động tăng 27%, lên 588 tỷ đồng, khiến lợi nhuận cả năm của Ngân hàng bị ảnh hưởng, chỉ còn 194 tỷ đồng, đạt mức tăng khiêm tốn 3,7%.

Còn tổng số nợ xấu của Nam A Bank đến cuối năm 2015 là 189 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ, chiếm 0,9% tổng dư nợ cho vay. Nợ nhóm 5 cải thiện rõ rệt khi giảm 54%. Vì thế, chỉ tiêu lợi nhuận cho năm 2016 được bà Lương Cẩm Tú, Tổng giám đốc Nam A Bank cho biết, sẽ được HĐQT, Ban điều hành cân nhắc phù hợp với bối cảnh thị trường. Dự kiến ĐHCĐ Nam A Bank sẽ tiến hành vào ngày 15/4 tới.  

… bởi dự phòng tăng

Hầu hết lãnh đạo các nhà băng cho rằng, diễn biến thị trường, tăng trưởng tín dụng và dự phòng rủi ro luôn là những vấn đề được cân nhắc khi xây dựng chỉ tiêu lợi nhuận.

Bởi mục tiêu tăng trưởng tín dụng được NHNN đưa ra cho năm 2016 cao hơn năm 2015, ở mức 18-20%, nhưng theo dự thảo sửa đổi Thông tư 36 đang được NHNN lấy ý kiến thì tín dụng bất động sản đã bị “siết” lại khi buộc ngân hàng phải giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 60% xuống còn 40% và nâng tỷ lệ rủi ro các khoản phải đòi trong cho vay bất động sản từ 150% lên 250%.

Đồng thời, gói vốn ưu đãi 30.000 tỷ đồng, lãi suất 5%/năm đã được NHNN có chỉ đạo các NHTM dừng ký hợp đồng từ ngày 29/3 đối với khách hàng.

Mặt khác, dự phòng rủi ro vẫn là gánh nặng lớn, kể cả những khoản nợ xấu đã được bán lại cho VAMC, ngân hàng còn tăng trích dự phòng 20% mỗi năm. Dự phòng cao buộc các nhà băng thận trọng khi đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận.

Chẳng hạn, tại Sacombank, Ngân hàng báo lỗ 583 tỷ đồng trong quý IV/2015, khiến lợi nhuận cả năm qua chỉ còn 1.013 tỷ đồng trước thuế, do trích lập dự phòng rủi ro tăng đột biến trong quý cuối năm, gấp hơn 6 lần so với cùng kỳ. Một phần, do Sacombank phải “gánh” thêm cục “nợ” xấu lớn sau khi sáp nhập thêm SouthernBank.

Như vậy, kết quả kinh doanh quý IV/2015 đã làm cho lợi nhuận của ngân hàng này “bốc hơi” gần một nửa thành quả đạt được trong 9 tháng đầu năm là 2.140 tỷ đồng. Bên cạnh đó, do nhận sáp nhập SouthernBank nên mặc dù đã mạnh tay trích lập dự phòng, chất lượng nợ cũng có thay đổi theo chiều hướng gia tăng, với tỷ lệ nợ xấu từ 1,19% đầu năm lên 1,87% vào cuối năm.

Trong đó, nợ nhóm 5 tăng từ 980 tỷ đồng lên 3.029 tỷ đồng, buộc Sacombank thận trọng khi đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận năm 2016, dự kiến là 1.132 tỷ đồng trước thuế (sau thuế 883 tỷ đồng), do Ngân hàng dự kiến con số dự phòng rủi ro cho cả năm 2016 là 3.109 tỷ đồng.

Hiện Sacombank vẫn chưa có lịch tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2016 mà chỉ mới có ngày chốt danh sách tham dự ĐHCĐ vào 14/3 vừa qua. Ngoài chỉ tiêu lợi nhuận được điều chỉnh ở mức thấp so với kế hoạch “hoàng tráng” từ trên 3.000 tỷ đồng trước thuế trở lên những năm trước, vấn đề được thị trường quan tâm tại ĐHCĐ Sacombank năm nay chính là nhân sự cấp cao. Theo một số nguồn tin, khả năng 2 ghế “nóng” nhất của nhà băng này sẽ có chủ mới.

Năm 2015, Eximbank cũng chỉ ghi nhận 89 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và âm 26 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Trong đó, riêng quý IV/2015, Ngân hàng lỗ 588 tỷ đồng do trích lập dự phòng 935 tỷ đồng. Với kết quả kém xa kế hoạch 1.000 tỷ đồng lợi nhuận đã đề ra, HĐQT Eximbank cũng cân nhắc xây dựng chỉ tiêu lợi nhuận 2016 để trình ĐHCĐ vào ngày 29/4 tới.

Nợ xấu của Eximbank cuối năm 2015 còn 1,85% so với mức 2,45% cuối năm 2014. Trong đó, nợ nhóm 5 là 802 tỷ đồng, giảm 40% so với mức 1.343 tỷ đồng của năm 2014. Tuy nhiên, do tổng số nợ xấu Eximbank đã bán cho VAMC nhiều nên đòi hỏi dự phòng lớn.

Thế nhưng, với một số nhà băng, dù con số lợi nhuận đạt được năm qua chỉ bằng 50% kế hoạch đưa ra ban đầu, song chỉ tiêu lợi nhuận cho năm nay vẫn khá cao. LienvietpostBank là điển hình khi trình ĐHCĐ thường niên ngày 28/3 ở mức 915 tỷ đồng trước thuế so với mức đạt được năm rồi là 422 tỷ đồng. Năm 2015, nhà băng này cũng đặt chỉ tiêu lợi nhuận 935 tỷ đồng trước thuế, nhưng do dự phòng rủi ro tăng, kết quả lợi nhuận thu về chưa tới phân nửa.  

Tin bài liên quan