Nguồn vốn ưu đãi được NHCSXH cho vay kịp thời tới người nghèo tại các điểm giao dịch xã.

Nguồn vốn ưu đãi được NHCSXH cho vay kịp thời tới người nghèo tại các điểm giao dịch xã.

Ngân hàng Chính sách xã hội cùng người dân đi qua đại dịch

(ĐTCK) Đại dịch Covid-19 bùng phát đã khiến cho cuộc sống của các đối tượng chính sách, người yếu thế, người lao động trở nên vô cùng khó khăn, nhưng với sự đồng hành của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), họ đã không đơn độc trong cuộc chiến chống chọi với tác động từ dịch bệnh…

Nỗ lực tìm giải pháp cho khách hàng

Bà Trần Thị Thu Huyền ở phường 3, TP. Vũng Tàu cho biết, gia đình bà kinh doanh, buôn bán các mặt hàng hải sản. Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sức mua tại cửa hàng chậm hẳn. Trước đây, trung bình mỗi ngày gia đình bà bán được 50kg hải sản, trong đợt dịch này, mỗi ngày chỉ bán được 10 kg.

Trong thời gian giãn cách xã hội, bà phải tạm đóng cửa hàng 15 ngày. Hàng bán chậm, ứ đọng, lại không có vốn để xoay xở khiến gia đình bà gặp nhiều khó khăn. Trước thực tế này, tháng 3/2020, NHCSXH TP. Vũng Tàu đã xét cho gia đình bà vay 40 triệu đồng.

“Nhờ NHCSXH cho vay kịp thời nên gia đình tôi có vốn để kinh doanh thêm vài mặt hàng nhu yếu phẩm khác, đồng thời mua thêm thiết bị để bảo quản hàng hóa”,
bà Huyền nói.

Tại Bình Phước, bà Nông Thị Sằm ở xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú chia sẻ: “Thời gian qua, tôi được vay 40 triệu đồng hộ nghèo. Theo kỳ hạn cuối tháng 4/2020, gia đình tôi phải hoàn trả số tiền gốc. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chúng tôi được Ngân hàng cho giãn nợ, tạo thuận lợi để gia đình yên tâm sản xuất - kinh doanh”.

Cùng là trường hợp vừa được NHCSXH điều chỉnh kỳ hạn nợ, bà Nguyễn Thị Hương, thị trấn Đức An, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông chia sẻ: “Gia đình tôi kinh doanh hàng tạp hóa. Khoảng hơn 1 tháng nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách giảm rất nhiều. Thu nhập từ hoạt động buôn bán vì thế cũng giảm theo. Vừa qua, mặc dù đến hạn trả nợ gốc cho NHCSXH, nhưng gia đình tôi được điều chỉnh kỳ hạn nợ thêm 1 tháng. Thời gian gia hạn không nhiều, nhưng đã phần nào giúp gia đình tôi có thêm thời gian xoay vốn để trả ngân hàng”.

Tại TP. Thủ Dầu Một, chị Đỗ Ngọc Quế Trân ở phường Tương Bình Hiệp là một trong những hộ khó khăn kể từ khi dịch Covid-19 xảy ra.

Đầu năm 2020, thông qua Hội Phụ nữ phường, chị Trâm được vay 100 triệu đồng của NHCSXH tỉnh. Có vốn, chị Trâm đầu tư phát triển cơ sở đóng thùng carton. Đến nay, gia đình chị đã giải quyết được công ăn việc làm cho gia đình, đặc biệt là có vốn để phát triển, sản phẩm được khách hàng tin tưởng và có thu nhập ổn định.

Không chỉ ở vùng sâu, vùng xa, ngay tại Hà Nội, cũng có nhiều hộ vay vốn chính sách chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

Như gia đình chị Nguyễn Thị Thơm, Tổ dân phố số 13, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm cho biết, nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình là từ hoạt động sản xuất bún.

Tuy nhiên, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, người dân hạn chế ra đường mua sắm, chợ thì ế ẩm, hàng quán đóng cửa, nên lượng bún bán ra không đáng kể. Do vậy, gia đình đã tạm dừng sản xuất.

“Giờ thu nhập của gia đình tôi gần như không có, cả nhà chỉ sống bằng chút tiền dành dụm ít ỏi, nếu dịch bệnh kéo dài hơn không biết phải sống thế nào. Khi dịch bệnh qua rồi, chúng tôi vẫn phải lo vốn để tiếp tục sản xuất. Tôi đề nghị thành phố và NHCSXH gia hạn nợ cũ, đồng thời cho vay thêm khoảng 50 triệu đồng để khôi phục sản xuất”.

Được biết, UBND phường Phú Đô đã phối hợp cùng NHCSXH quận Nam Từ Liêm giúp đỡ nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Đặc biệt, ngay khi có thông tin Thành phố giao vốn ủy thác cho NHCSXH TP. Hà Nội để hỗ trợ các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, UBND phường và các hội, đoàn thể đã thông tin cho các hộ dân qua các phương tiện truyền thông để các hộ gia đình nắm bắt được trước, sau khi tình hình dịch ổn định, đề nghị các tổ chức hội, đoàn thể và NHCSXH hướng dẫn thủ tục vay vốn, sớm giải ngân cho đúng đối tượng để giảm bớt khó khăn trong giai đoạn hiện nay.

Nhận diện đối tượng chính xác để giải ngân

Ông Dương Quyết Thắng, Tổng giám đốc NHCSXH cho biết, kết thúc quý I/2020, NHCSXH cho vay được 516.668 hộ, doanh số 18.825 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến 31/3/2020 là 211.052 tỷ đồng với 6.516.442 hộ đang vay vốn, tỷ lệ tăng trưởng quý I/2020 là 1,9%...

NHCSXH cũng đã thực hiện gia hạn, giãn nợ cho 102.903 hộ với số tiền 2.815 tỷ đồng, đồng thời đã xây dựng phương án miễn, giảm lãi suất cho hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác, lấy ý kiến của các thành viên Hội đồng quản trị và sẽ trình Thủ tướng xem xét miễn, giảm lãi.

Ông Thắng cho biết thêm, NHCSXH được giao nhiệm vụ chính trị rất quan trọng tại Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Cụ thể, thực hiện cho vay với người sử dụng lao động khó khăn về tài chính được vay vốn tại tại NHCSXH với lãi suất 0% để trả lương tối thiểu vùng cho người lao động bị dừng việc.

“Khó khăn nhất ở đây là nhận diện đối tượng chính xác để ngân hàng thực hiện giải ngân, làm rõ trách nhiệm của NHCSXH là ngân hàng của Chính phủ, cho vay theo chỉ định”, ông Thắng nói.

Mặc dù vậy, với tinh thần đóng góp cao nhất sức mình trong nỗ lực "chống dịch như chống giặc" của Chính phủ, NHNN, ngày 27/4/2020 NHCSXH đã ban hành hướng dẫn cho vay đối với người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc cho người lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Cụ thể, đối với điều kiện xét duyệt cho vay, người sử dụng lao động có từ 20% hoặc từ 30 người lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên; đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2020 đến hết ngày 30/6/2020;

Doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả cho người lao động ngừng việc. Không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ngày 31/12/2019.

Khách hàng có tên trong danh sách người sử dụng lao động đủ điều kiện vay vốn để trả lương ngừng việc được Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt. Khách hàng có nhu cầu vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động, có kế hoạch và cam kết trả nợ đầy đủ, đúng hạn.

Được biết, mức cho vay không quá 50% mức lương tối thiểu vùng/người/tháng, tối đa trong 3 tháng (từ tháng 4/2020 đến hết tháng 6/2020).

Lãi suất cho vay: 0%/năm; lãi suất nợ quá hạn: 12%/năm. Khách hàng vay vốn không phải thực hiện bảo đảm tiền vay. Thời hạn cho vay do NHCSXH nơi cho vay và khách hàng vay vốn thỏa thuận, nhưng không quá 12 tháng.  

Đối với quy trình, thủ tục phê duyệt người sử dụng lao động đủ điều kiện vay vốn, NHCSXH cho biết, theo quy định tại Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020, chậm nhất ngày mùng 5 hàng tháng, người sử dụng lao động có nhu cầu gửi hồ sơ đề nghị đến UBND cấp huyện nơi có trụ sở hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh hoặc nơi cư trú (đối với hộ kinh doanh, cá nhân)…

Số tiền khách hàng vay được NHCSXH nơi cho vay chi trả hàng tháng đến người lao động bị ngừng việc trên cơ sở Danh sách người lao động bị ngừng việc được Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt hàng tháng và theo đề nghị của khách hàng.

NHCSXH nơi cho vay chi trả đến người lao động bị ngừng việc bằng hình thức chuyển khoản vào tài khoản của người lao động hoặc chi trả bằng tiền mặt tại trụ sở NHCSXH nơi cho vay. iệc giải ngân của NHCSXH được thực hiện đến hết ngày 31/7/2020.

“Chúng tôi dự kiến sẽ làm việc với 4 tổ chức chính trị - xã hội để tăng cường vai trò giám sát trong thực thi nhiệm vụ. Bên cạnh đó, NHCSXH cũng đã làm việc với cổng dịch vụ công của Chính phủ để thực hiện việc tiếp nhận xử lý hồ sơ qua cổng này”, ông Thắng nói.

Tin bài liên quan