Nên hình thành tổ chức thẩm định giá độc lập trong mua bán nợ xấu

Việc tham gia đầu tư gián tiếp thông qua thị trường mua bán nợ xấu đang được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Phóng viên Báo Đầu tư trao đổi với ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) về vấn đề này.
Nên hình thành tổ chức thẩm định giá độc lập trong mua bán nợ xấu

Đầu tư gián tiếp cũng như việc sớm hình thành thị trường mua bán nợ xấu đã được nhiều nhà đầu tư nước ngoài đề cập tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam (VIF) vừa được tổ chức tại TP.HCM. Ông có thể cho biết, vì sao chủ trương đã có, nhưng việc triển khai chưa đảm bảo tiến độ?

Hiện nay, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đang bị vướng 3 vấn đề trong mua bán nợ xấu.

Thứ nhất, sau khi gom về, nay không biết bán ra với giá thế nào và bán cho ai. Để giải bài toán này, theo tôi, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phải tạo cơ chế cho mua bán nợ. Có lẽ, nên chấp nhận mức bán theo giá thị trường và bán cho những ai quan tâm, không kể là nhà đầu tư trong nước hay nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ hai, khó xử lý tài sản đảm bảo, bởi quy định hiện nay không cho nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tài sản đảm bảo tại Việt Nam. Kinh nghiệm của Hàn Quốc là thành lập quỹ đóng với vai trò là trung gian, thay mặt nhà đầu tư nước ngoài quản lý hoặc nắm giữ tài sản đó tại Việt Nam.

Thứ ba, quy mô vốn điều lệ của VAMC còn nhỏ. Hiện nay, quy mô vốn điều lệ của VAMC chỉ có 500 tỷ đồng, trong khi nợ xấu có giá trị rất lớn. Theo tôi, quy mô vốn của VAMC nên nâng lên khoảng 2.000 tỷ đồng.

Theo ông, mức độ quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với xử lý nợ xấu của Việt Nam thế nào?

Họ rất quan tâm. Chúng tôi đã tiếp 60 - 70 nhà đầu tư nước ngoài quan tâm việc mua nợ xấu của Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay là thỏa thuận giá bán.

Nhà đầu tư nước ngoài chọn mua nợ xấu dựa trên các tiêu chí nào, thưa ông?

Tùy thuộc vào 3 điều kiện: pháp lý của khoản nợ xấu đó, chất lượng của tài sản đảm bảo và dòng tiền của nợ xấu đó để tính toán.

Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về giá khả thi khi mua bán nợ xấu?

Tôi nghĩ, trong việc xử lý nợ xấu, có lẽ, các bên cùng chia sẻ. Chính phủ, ngân hàng gánh một chút và những người đi vay cũng phải gánh một phần tổn thất. Đây là quan điểm chia sẻ một phần, vì thực tế, nếu không bán với giá thị trường thì sẽ rất khó bán. Trên thực tế, chúng ta mua vào với giá trị sổ sách và chưa xử lý hết khó khăn của các khoản nợ xấu đó.

Kinh nghiệm các nước chỉ bán bằng 30 - 40% giá trị của nợ xấu.

Khi VAMC ra đời, đã đưa ra 2 phương án là mua theo giá thị trường và mua theo giá sổ sách. Tuy nhiên, thời điểm đó, phương án mua theo giá sổ sách được lựa chọn, vì nếu mua theo giá thị trường thì phải xin ý kiến của Chính phủ cùng nhiều thủ tục hành chính, nên dễ dẫn đến chậm tiến độ.

Với tình hình hiện nay, nên đề xuất Chính phủ cho VAMC mua theo giá thị trường, vì như thế bán ra có lợi hơn.

Tuy nhiên, việc thẩm định giá các khoản nợ này phù hợp với giá thị trường và được nhà đầu tư nước ngoài chấp nhận là điều không dễ dàng. Theo ông, làm thế nào để giải bài toán này?

Đây thật sự là một vấn đề lớn đối với chúng tôi. Chúng ta cần một tổ chức giám định độc lập để định giá khoản nợ, định giá tài sản đảm bảo để tạo niềm tin, tạo nền tảng chuẩn về giá cho nhà đầu tư nước ngoài.

Chúng ta cũng nên lưu ý sự tham dự của các định chế tài chính uy tín, như Golden Smach với nhiều kinh nghiệm mua nợ xấu của Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia…

Bên cạnh đó, cần có cách làm bài bản hơn, hạn chế các thủ tục không cần thiết.

Hình thức tiếp cận nhà đầu tư không qua đấu giá, mà chỉ trao đổi liệu có hợp lý, thưa ông?

Chúng ta đang trong giai đoạn thí điểm. Tôi cho rằng, trước mắt, VAMC thí điểm bán cổ phiếu cho một số nhà đầu tư nước ngoài, đến khi thành công sẽ tiến hành bán rộng rãi cho nhà đầu tư nước ngoài và khi đó mới tổ chức đấu thầu.

Điều này liệu có làm nhà nhà đầu tư nước ngoài quan ngại về sự minh bạch?

Với nhà nhà đầu tư nước ngoài, nếu không minh bạch, họ sẽ không tham gia. Theo tôi, đây là quá trình minh bạch, bởi khi bán giá bao nhiêu đều phải được công khai, vì nhà đầu tư nước ngoài phải công khai với cổ đông của họ là mua khoản nợ giá bao nhiêu, thậm chí sau này họ còn bán khoản nợ cho bên thứ ba. 

Tin bài liên quan