Nên đưa báo cáo tài chính về một ngôn ngữ

Nên đưa báo cáo tài chính về một ngôn ngữ

(ĐTCK) “Cơ quan quản lý thị trường chứng khoán nên khuyến khích các doanh nghiệp niêm yết áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) càng sớm càng tốt, có thể bắt đầu từ báo cáo tài chính của năm 2019 và có lộ trình rõ ràng để sau năm 2020, áp dụng IFRS trên toàn thị trường”. 

Bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Kiểm toán và tư vấn Deloitte Việt Nam đã khuyến nghị như vậy trong Lễ ký kết hợp tác với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) ngày 21/5 vừa qua.

Thực tế, tại các cuộc thi chấm điểm quản trị công ty trong ASEAN những năm gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam không được đánh giá cao một phần là bởi sự khác biệt về ngôn ngữ trong các báo cáo tài chính.

“Ngôn ngữ báo cáo” ở đây không phải là báo cáo được trình bày bằng tiếng Việt hay tiếng Anh, mà là sự khác biệt khá căn bản về ngôn ngữ của các thông tin trình bày trên báo cáo tài chính - ngôn ngữ về chuẩn mực kế toán.

Doanh nghiệp Việt Nam lập báo cáo theo chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS), trong khi các doanh nghiệp quốc tế lập theo IFRS. Vì thế, có khoảng cách không nhỏ giữa cách ghi nhận lãi/lỗ trong kỳ kinh doanh, trong việc trình bày giá trị thực của tổng tài sản trên báo cáo tài chính.

Đây là lý do khiến lãnh đạo Deloitte khuyến nghị nên sớm đưa các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán Việt Nam về áp dụng chung một chuẩn mực, đó là IFRS. Phía Deloitte sẽ tiếp tục hỗ trợ chuyên môn cho cán bộ UBCK để cùng góp sức nâng mặt bằng chất lượng thông tin tài chính của doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBCK cho biết, hợp tác của UBCK với Deloitte Việt Nam giai đoạn 2018 - 2020 được tiếp nối bởi hai thỏa thuận ký năm 2012 và 2016.

Nội dung chính của giai đoạn tới là hai phần việc: Hỗ trợ và hợp tác trong đào tạo và chia sẻ kinh nghiệm về kế toán, kiểm toán và quản trị công ty.

Theo Chủ tịch UBCK, thị trường chứng khoán Việt Nam có quy mô ngày một lớn, mức độ phức tạp ngày một cao, nên câu chuyện về chất lượng thông tin tài chính doanh nghiệp là chủ điểm rất quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động chung của thị trường.

Về quản trị công ty, năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 71/2017/NĐ-CP quy định về quản trị công ty đối với các doanh nghiệp đại chúng, nhưng để các doanh nghiệp thực thi đầy đủ, hiệu quả và thực chất là không đơn giản.

Các cán bộ trong ngành chứng khoán cần hiểu sâu để giúp sức cho các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán nâng dần chất lượng quản trị hệ thống và quản trị công ty.

Đây là một trong những lý do nhà quản lý mong muốn hợp tác với Deloitte Việt Nam cũng như những công ty kiểm toán và tư vấn quốc tế để thực thi quá trình đào tạo từ nội bộ và thúc đẩy các thành viên thị trường cùng cải thiện công tác này.

Mảng việc thời sự khác là quản lý các vấn đề phát sinh trong hạch toán, kế toán, giám sát những nghiệp vụ mới trên thị trường chứng khoán liên quan đến sản phẩm chứng khoán phái sinh, chứng quyền có bảo đảm.

Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp đang và có thể sẽ phát triển những không gian hoạt động mới như FinTech, tiền ảo… cũng là những chủ điểm nhà quản lý cần sự hợp sức của các công ty kiểm toán và tư vấn quốc tế để cập nhật tri thức mới, đáp ứng các yêu cầu quản lý thị trường.

Liên quan đến công tác kiểm toán và quản trị công ty, Chủ tịch Deloitte Việt Nam chia sẻ, hai năm gần đây, quy trình kiểm toán có sự thay đổi khá mạnh.

Trước đây, việc kiểm toán thường tập trung kiểm tra chi tiết các báo cáo tài chính, nhưng hiện nay kiểm toán chú trọng thực hiện theo phương pháp chọn mẫu, đánh giá rủi ro trên hệ thống đánh giá quản trị nội bộ của doanh nghiệp, tức là nâng thêm một bước để nhìn rủi ro của doanh nghiệp xa hơn.

Với bản thân các doanh nghiệp, ngoài việc phải làm tốt báo cáo tài chính, việc thực hiện báo cáo quản trị công ty sẽ giúp lãnh đạo doanh nghiệp nhìn sâu vào bên trong (chứ không chỉ để truyền thông ra bên ngoài). Từ đó có sự “gia cố” các mắt xích nội bộ, thông qua hệ thống kiểm soát, quản trị nội bộ nếu người lãnh đạo thực sự muốn các hoạt động của doanh nghiệp được ghi nhận chuẩn mực, đúng luật và minh bạch.

Bà Thanh cho biết, mô hình hoạt động của Deloitte có sự khác biệt so với các Big 4 khác. “Deloitte Đông Nam Á là một công ty hoạt động thống nhất trên 10 nước ASEAN, mà Việt Nam là một thành viên.

Nguồn lực của Deloitte Việt Nam bao gồm cả nguồn lực các nước thành viên ASEAN, vì thế, có thể nhận nhiều sự hỗ trợ về nguồn lực quốc tế mà không bị chặn bởi chi phí cao hay thấp”, bà Thanh nói. Đây là lý do Deloitte Việt Nam tiếp tục hợp tác trong giai đoạn tới với UBCK, hỗ trợ đào tạo nhân lực sau nhiều năm đã làm công việc này.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán khi mới nhậm chức Chủ tịch UBCK vào giữa năm 2017, ông Trần Văn Dũng cho rằng, rất nhiều ý kiến từng nêu quan điểm, để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, việc cần làm là đáp ứng các tiêu chí của Tổ chức cung cấp các công cụ hỗ trợ quyết định đầu tư trên toàn thế giới (MSCI), trong đó trọng yếu nhất là thúc đẩy công bố thông tin bằng tiếng Anh.

Tuy nhiên, cái gốc của thông tin nằm ở việc các doanh nghiệp cần phải quen và thực thi chuẩn mực báo cáo tài chính theo IFRS, đồng thời phải tuân thủ kỷ luật về công bố thông tin.

Nếu không quy về cùng một quy chuẩn kế toán quốc tế và kỷ luật công bố thông tin minh bạch, thì việc công bố thông tin bằng tiếng Anh mất ý nghĩa và con đường xây dựng niềm tin của nhà đầu tư sẽ khó có điểm tựa để thực thi.                  

Tin bài liên quan