Thành phố Stockholm, Thụy Điển

Thành phố Stockholm, Thụy Điển

Nên có diễn đàn công khai tranh luận về quy hoạch

(ĐTCK) Lấy con người làm hạt nhân trong các chính sách phát triển, trong đó quy hoạch đô thị cũng không là ngoại lệ. Đó là kinh nghiệm thành công của Thụy Điển mà Việt Nam có thể tham khảo trong công cuộc kiến tạo nên các đô thị đáng sống. Ngài Pereric Hogberg, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam đã dành cho Báo Đầu tư Bất động sản cuộc trò chuyện về vấn đề này. 

Thưa Đại sứ, ở Thụy Điển, người dân được đặt ở vị trí thế nào trong các chính sách phát triển chung?

Cám ơn câu hỏi thú vị của bạn. Nếu có thể giải thích xã hội Thụy Điển bằng một câu, thì xã hội Thụy Điển chính là một con người, một cá nhân. Ở đó, con người là hạt nhân của sự quan tâm, chăm sóc. Từ việc xây dựng chính sách, chế độ phúc lợi, môi trường sống, làm việc… 

Ông có thể giải thích rõ hơn?

Ở Thụy Điển, dù bạn là nữ giới, hay nam giới thì bạn cũng là một nhân tố quan trọng trong một xã hội. Xã hội đó có trách nhiệm giúp bạn phát triển mục tiêu cá nhân càng xa càng tốt và chúng tôi luôn cố gắng tạo ra các chính sách giúp mỗi cá nhân có nền tảng để có thể phát triển hết tiềm năng của mình. Không có sự phân biệt đối xử giữa các thực thể khác nhau. Tức trong xã hội, người dân là cá nhân cao nhất, duy nhất, là trung tâm.

 Ngài Pereric Hogberg

Người dân sẽ được đặt ở vị trí trung tâm trong suốt quá trình vận hành và hội ý chính sách của đất nước. Chúng tôi đảm bảo sự thành công, hạnh phúc của các cá nhân thông qua những chính sách cụ thể, như đảm bảo phát triển bền vững, các vấn đề liên quan đến số hóa, tạo ra những thành phố thông minh. Trong mọi chính sách, mục tiêu đặt ra là phải tạo ra cơ chế để đảm bảo từng cá nhân sẽ được thành công theo ý mà anh ấy cô ấy mong muốn, để mỗi cá nhân có được động lực, mục tiêu khác nhau cho mình. 

Ở Thụy Điển, mô hình nhà ở xã hội được triển khai thế nào để tăng khả năng tiếp cận của người dân?

Thụy Điển có những chính sách điều tiết, đảm bảo giá nhà ở mức độ chấp nhận được cho đại bộ phận dân chúng. Với người không đủ khả năng chi trả do thu nhập quá thấp thì sẽ có những cơ chế hỗ trợ họ thuê với giá ưu đãi, chính quyền các hạt sẽ hộ trợ các khoản trợ cấp của Chính phủ để đảm bảo người dân mua, hoặc thuê được nhà.

Sự điều tiết này từ bản thân chính quyền các hạt sở hữu những bất động sản, những khu nhà làm nhà ở xã hội, hoặc thông qua nguồn quỹ của bảo hiểm xã hội và có hình thức hỗ trợ để đảm bảo mọi người đều tiếp cận được nhà ở dưới hình thức này hay hình thức khác.

Vậy trong việc phát triển đô thị, chính sách vì con người được thể hiện như thế nào, thưa ông?

Quá trình quy hoạch, thực hiện quy hoạch đô thị của Thụy Điển rất minh bạch, công khai, thẳng thắn. Tuy nhiên, tôi cũng phải chia sẻ rằng, ở Thụy Điển, các đề án tổng thể của chúng tôi cũng có thể liên tục thay đổi theo các nhiệm kỳ. Mỗi một chính trị gia khi được người dân bầu lên với nhiệm kỳ 4 năm, sẽ đệ trình ý tưởng tổng thể của mình. Tất nhiên, chỉ những ý tưởng tốt được sự đồng thuận của người dân mới được triển khai, thực thi.

Ở nước ông, chính quyền đô thị có thường lấy ý kiến người dân khi thực hiện quy hoạch không?

Có, vì đây là quá trình dân chủ. Với những công trình lớn, tất nhiên sẽ mất nhiều thời gian và giám sát ngặt nghèo, đảm bảo người dân, những đối tượng chịu tác động của công trình được tham vấn một cách đầy đủ. Còn với các công trình nhỏ thì người dân trong vùng sẽ được tham vấn. Kể cả việc xây hay sửa một ngôi nhà.

Chúng tôi có những cán bộ công chức ăn lương nhà nước để làm việc này và họ sẽ kiểm tra, kiểm soát cẩn thận. Mọi việc đều được thực hiện một cách cẩn thận, tỉ mỉ và nghiêm túc.

Là một trong những quốc gia hạnh phúc với tỷ lệ người dân sử dụng phương tiện công cộng, xe đạp rất nhiều. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm về việc đưa ra các giải pháp giao thông đô thị?

Nhóm giải pháp của Thụy Điển liên quan đến giao thông đô thị và phát triển bền vững. Chúng tôi nghiên cứu kỹ mô hình giao thông đô thị sử dụng phương tiện công cộng một cách bền vững. Ở Thụy Điển, chúng tôi có nhiều mô hình thành phố thông minh, cung cấp khả năng đi lại cho người dân bằng phương tiện giao thông công cộng.

Là người gắn bó với Hà Nội nhiều năm, ông có quan sát gì về giao thông, đô thị của Hà Nội?

Với Hà Nội và TP.HCM, tôi thấy vẫn còn khả năng để tính đến giải pháp phát triển hệ thống giao thông công cộng bền vững cho đô thị. Hiện tại, với hai đô thị này, chúng ta vẫn có thể di chuyển được với tốc độ vừa phải, nhưng nếu chúng ta tiếp tục để cho phương tiện giao thông cá nhân và tốc độ đô thị hóa diễn ra như thời gian qua, thì tương lai rất khó kiểm soát. Giống như các thành phố lớn khác của khu vực châu Á, hoàn toàn mất kiểm soát về giao thông, tắc đường thường xuyên xảy ra.

Thế còn chuyện “giãn” hay “nén” trong quy hoạch đô thị, theo ông, các đô thị lớn ở Việt Nam nên lựa chọn giải pháp nào?

Khi nói đến giải pháp tổng thể bằng việc xây dựng đồng đều hơn, giãn ra hơn một chút thì bạn sẽ thấy chất lượng cuộc sống, chất lượng không khí được cải thiện. Việc đầu tư trọng tâm trọng điểm sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho nền kinh tế. Điều này cần một quá trình hoạch định chính sách dài hạn.

Vừa qua, khi Hà Nội diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều, các công trình xây dựng phải tạm dừng, giảm thiểu các phương tiện giao thông, tôi thấy chất lượng không khí những ngày đó được cải thiện rất tốt.

Với Hà Nội hoặc thành phố lớn ở Việt Nam, nếu chúng ta tiếp tục xây dựng nhiều cao ốc thì một ngày nào đó trong tương lai, chúng ta sẽ thấy nuối tiếc vì mất đi một Hà Nội có bề dày lịch sử, nhiều nét văn hóa, vì nó bị bao phủ, che lấp bởi quá nhiều nhà cao tầng, che lấp đi các khoảng không vốn rất tuyệt vời.

Ông có gợi ý nào cho Việt Nam trong công tác quy hoạch, phát triển đô thị không?

Theo tôi, nếu muốn quá trình phát triển, quy hoạch đô thị được công khai, minh bạch hơn, cần có một phương án, giải pháp được đệ trình. Sau đó, chúng ta phải tạo ra những diễn đàn để có thể tranh luận một cách công khai về quy hoạch, từ đó tìm hiểu xem giải pháp nào là giải pháp tối ưu, cho từng lĩnh vực cụ thể.

Tôi nghĩ, có nhiều mô hình thành phố thông minh để chúng ta nghiên cứu để tránh những sai lầm.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan