Sản xuất tại Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất. Ảnh: Đức Thanh
Chuẩn bị cho năm 2025, tạo đà cho giai đoạn 2026 - 2030
Dù năm 2024 mới chỉ qua được hơn nửa năm, với mục tiêu phấn đấu cả năm đạt mức tăng trưởng 6,5 - 7%, nhưng đã đến thời điểm để bắt đầu tính đến kế hoạch năm 2025, cũng như giai đoạn 2026 - 2030.
“Chúng ta cần tính đến các mục tiêu tăng trưởng cao hơn trong năm tới, để hoàn thành các mục tiêu Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm, chứ không chỉ là hoàn thành kế hoạch hàng năm”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói tại Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, được tổ chức mới đây.
Nỗi lo không hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 đã bắt đầu kể từ khi các báo cáo đánh giá giữa kỳ được công bố, khi đà tăng trưởng của kinh tế Việt Nam đã chậm lại đáng kể trong 2 năm 2021 và 2023 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và biến động địa chính trị toàn cầu. Năm 2022, mức tăng trưởng 8,02% là rất tích cực và năm nay, rất có thể, con số sẽ đạt được khoảng 7%.
“Áp lực tăng trưởng trong 2 năm 2024 và 2025 là rất lớn, năm sau phải phấn đấu cao hơn năm trước để đạt cao nhất kết quả Kế hoạch 5 năm 2021-2025”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Dù hiện tại, chưa có con số cụ thể nào được đề cập, nhưng theo ông Nguyễn Đức Tâm, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2025 là năm bản lề, năm về đích kế hoạch năm 2025. Do vậy, phải làm sao để tiếp tục duy trì, phát huy đà tăng trưởng và sự phục hồi chung của nền kinh tế, của các ngành, lĩnh vực và các địa phương trong năm 2025.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khi chỉ đạo việc xây dựng Kế hoạch năm 2025, cũng đã nhấn mạnh: “Năm sau phải đạt kết quả tốt hơn, cao hơn năm trước”.
Điều đó có nghĩa, đã đến lúc, phải đưa nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao, ít nhất là 7%. Đó là một áp lực, một thách thức rất lớn.
Nhưng theo chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng không chỉ là kế hoạch năm 2024 hay 2025, mà điều quan trọng còn là làm sao trong giai đoạn 2026 - 2030, phải đạt mức tăng trưởng cao hơn nữa, đủ bù đắp cho những năm tăng trưởng thấp của giai đoạn 2021 - 2025.
“Theo tính toán, để hoàn thành Chiến lược 10 năm 2021 - 2030, tức là đạt mức tăng trưởng 7%, trong giai đoạn 2026 - 2030, phải phấn đấu đạt mức tăng trưởng trên 7,5%, thậm chí hơn 8% để bù lại cho giai đoạn 2021 - 2025”, ông Cao Viết Sinh nói.
Bài toán này là không dễ giải, trong bối cảnh tình hình thời gian tới được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, cả từ bên ngoài và bên trong nền kinh tế.
Trên thế giới, các “điểm nóng” về xung đột quân sự, bất ổn chính trị, xu hướng bảo hộ, cạnh tranh chiến lược nước lớn ngày càng phức tạp, khó lường; triển vọng tăng trưởng và ổn định kinh tế toàn cầu còn nhiều nguy cơ, rủi ro, khó khăn, thách thức… Cùng với đó là những tác động nặng nề của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, các vấn đề an ninh năng lượng, lương thực, phi truyền thống, đói nghèo…
Còn ở trong nước, nền kinh tế cũng vẫn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Chẳng hạn, áp lực lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tình hình sản xuất - kinh doanh còn khó khăn, các ngành, lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn… chưa có chuyển biến rõ nét, nguy cơ không bắt kịp được với thế giới và khu vực…
Hơn nữa, điều khiến ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương lo ngại còn là sự “hụt hơi” của các đầu tàu kinh tế của cả nước. “Các địa phương này trước đây đóng góp 50% GDP toàn quốc, thì nay chỉ đóng góp 20-30%”, ông Cung nói.
Nắm bắt thời cơ để tăng tốc phát triển
Theo tính toán, để hoàn thành Chiến lược 10 năm 2021 - 2030, tức là đạt mức tăng trưởng 7%, trong giai đoạn 2026 - 2030, phải phấn đấu đạt mức tăng trưởng trên 7,5%, thậm chí hơn 8% để bù lại cho giai đoạn 2021 - 2025.
- Ông Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Có rất nhiều khó khăn đã được chỉ ra, rằng có thể gây cản trở cho sự phát triển của nền kinh tế. Ông Nguyễn Đình Cung còn ví dụ rằng, có những thủ tục xây dựng trong các khu công nghiệp trước đây mất 22-23 tuần, thì nay gấp 3-4 lần như thế và doanh nghiệp thì khó lòng tuân thủ được. Điều này ảnh hưởng đến việc huy động nguồn lực của khu vực tư nhân vào phát triển kinh tế - xã hội.
“Đúng là thể chế, chính sách, quy định pháp luật còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ. Tổ chức thực thi chính sách, pháp luật vẫn là khâu yếu. Phân cấp, phân quyền trong một số lĩnh vực, một số cơ quan, một số địa phương còn vướng mắc”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận.
Động lực tăng trưởng và phát triển trong giai đoạn tới có lẽ sẽ tiếp tục được đặt trọng tâm vào cải cách thể chế, vào phát huy các động lực tăng trưởng mới. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nhiều lần chia sẻ câu chuyện rằng, một nhà máy của Tesla ở Trung Quốc chỉ mất 11 tháng đưa vào hoạt động, một trung tâm thương mại cỡ AEON chỉ mất 68 ngày hoàn thành… để bày tỏ những tâm tư về sự chậm trễ trong cải cách của Việt Nam.
Không đổi mới, cải cách mạnh mẽ hơn nữa, thực chất hơn nữa, để khơi thông điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực, thì sẽ làm nản lòng các nhà đầu tư, các doanh nghiệp. Bởi thế, khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư họp sơ kết 6 tháng, Bộ trưởng đã chỉ đạo các cán bộ toàn ngành tập trung xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn nhằm phát huy vai trò tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng, có lợi thế cạnh tranh và khả năng dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Các vấn đề mới, như tập trung nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện Đề án Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, hay tăng cường hợp tác, tổ chức đối thoại kinh tế với các đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược để thu hút các tập đoàn đa quốc gia, nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực chip, bán dẫn, AI… cũng đã được Bộ trưởng chỉ đạo. Chỉ có kịp thời nắm bắt được những thời cơ này, nền kinh tế mới có thể tăng tốc phát triển trong năm 2025 và trong giai đoạn 2026 - 2030.