Thông tin từ Tổng cục Hải quan, hết năm 2019, ước tính đã nhập khẩu 142.000 ô tô nguyên chiếc các loại, với tổng trị giá đạt 3,1 tỷ USD, tăng 71% về lượng và tăng 69,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Tính riêng trong tháng 12/2019, mặt hàng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu về Việt Nam ước tính đạt 8.000 chiếc, với tổng trị giá đạt 140 triệu USD.
Xe ô tô từ 9 chỗ trở xuống nhập về Việt Nam chủ yếu xuất xứ ASEAN, trong đó, cao nhất là từ Thái Lan, Indonesia....
Trong năm nay, không ít lần Bộ Công Thương dự báo nhập siêu ngành ô tô năm nay sẽ đạt mức kỷ lục hơn 3,4 tỷ USD. Thậm chí, trong những năm tiếp theo, kim ngạch nhập khẩu ô tô tiếp tục được dự báo sẽ còn tăng theo nhu cầu sử dụng ngày càng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành sản xuất nội địa và cán cân thương mại.
Trước số lượng xe nhập khẩu tăng quá mạnh trong năm 2019, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, việc nhập khẩu tăng mạnh đã tác động đến sản xuất lắp ráp ô tô trong nước. Các doanh nghiệp tranh thủ cơ hội ưu đãi thuế quan để tăng sự cạnh tranh áp lực tăng đối với doanh nghiệp nội địa.
Bộ Công Thương nhận định, ngành công nghiệp ô tô trong nước sẽ vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ ô tô nhập khẩu của Thái Lan hay Indonesia. Hai quốc gia Đông Nam Á này là điểm đến hấp dẫn của các nhà sản xuất ô tô hàng đầu, từ đó cơ hội thu hút các hãng đầu tư sản xuất vào Việt Nam gặp nhiều khó khăn.
Trong vòng 7-10 năm tới, Việt Nam sẽ chịu sức ép của các sản phẩm ô tô nhập khẩu từ các nước thành viên CPTPP và EVFTA.
Không chỉ các quốc gia đi trước, Việt Nam còn phải đối mặt sự cạnh tranh từ sự phát triển của các nước đi sau trong khu vực là Myanmar, Lào và Campuchia. Điều này thể hiện qua dữ liệu nhập khẩu xe từ các nước ASEAN tăng lên nhanh chóng khi hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) có hiệu lực, thuế nhập khẩu về 0%.