Ông Nguyễn Thế Mạnh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, kiêm Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội.
Cùng với TP.HCM, Hà Nội là địa phương đóng góp nhiều nhất vào ngân sách nhà nước và cũng là địa phương có số nợ thuế lớn nhất. Vì vậy, Hà Nội thu hồi nợ đọng thuế có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc hoàn thành dự toán thu ngân sách chung của cả nước, thưa ông?
Năm 2018, toàn ngành thuế thu được 1.146.933 tỷ đồng, tăng 12,3% so với năm 2017, thì Hà Nội đóng góp 227.219 tỷ đồng, tăng 17,4%. Có thể nói, kết quả thu của Hà Nội có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc hoàn thành dự toán thu ngân sách chung của cả nước.
Có được kết quả thu tăng trưởng bền vững nhất trong 3 năm gần đây, bên cạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý thuế; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra… thì việc thu hồi thuế đạt hiệu quả có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Kết quả là, năm 2018, chúng tôi đã thu hồi được 12.100 tỷ đồng số tiền thuế nợ đọng, giảm 700 tỷ đồng (giảm tương đương 3,6%) so với thời điểm 31/12/2017, trong đó nợ có khả năng thu trên dưới 90 ngày giảm 2.233 tỷ đồng (giảm tương ứng 15,8%). Số tiền 12.100 tỷ đồng nợ đọng thuế mà Hà Nội thu được có ý nghĩa không nhỏ trong việc hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách của cả nước.
Trong 3 năm qua, chúng tôi thu hồi nợ đọng thuế hiệu quả, bên cạnh nỗ lực của bản thân cơ quan thuế còn có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị trên địa bàn. UBND TP. Hà Nội đã thành lập Ban chỉ đạo đôn đốc nợ; ở dưới 30 quận, huyện, thị xã đều thành lập Ban chỉ đạo đôn đốc thu nợ với sự tham gia của các ngành, các cấp trên địa bàn cùng phối hợp triển khai, vào cuộc với cơ quan thuế để thu hồi nợ thuế.
Năm 2018 là năm thứ 3 liên tiếp Hà Nội thu hồi nợ đọng thuế khá hiệu quả. Thưa ông, năm 2019 vẫn tiếp tục phát huy nhiệm vụ này?
Tổng số tiền nợ thuế của cả nước hiện tại là 75.805 tỷ đồng, trong đó tiền thuế nợ có khả năng thu hồi mặc dù giảm 5,7% so với thời điểm 31/12/2017, nhưng vẫn còn 39.295 tỷ đồng. Vì vậy, thu hồi nợ đọng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành thuế chứ không riêng gì Hà Nội.
Với Hà Nội, trong nhiều năm qua, chúng tôi luôn coi thu hồi nợ thuế cùng với thu ngân sách là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và kết quả đạt được rất đáng khích lệ: nợ thuế năm 2016 giảm 14,3% so với năm 2015; năm 2017 giảm 24,2% so với 2016 và năm 2018 như tôi nói là giảm 15,8% so với 2017.
Năm 2019, bên cạnh việc tiếp tục chủ động phối hợp thường xuyên, hiệu quả với các sở, ngành, chính quyền các cấp trên địa bàn và các đơn vị thuộc cơ quan trung ương trong thu ngân sách; tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; cải cách thủ tục hành chính; xây dựng, kết nối cơ sở dữ liệu tập trung phục vụ quản lý thuế... chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh thu hồi nợ đọng thuế; thanh tra, kiểm tra nhằm chống thất thu, chống chuyển giá.
Tôi cũng muốn thông tin thêm rằng, năm 2018, qua thanh tra, kiểm tra, Cục Thuế Hà Nội đã truy thu, truy hoàn và phạt 4.679 tỷ đồng, tăng 41,6% so với năm 2017, giảm lỗ 4.272 tỷ đồng. Riêng thanh tra chống chuyển giá (129 cuộc) đã giảm lỗ trên 1.050 tỷ đồng.
Tiếp tục đẩy mạnh thu hồi nợ đọng thuế bằng các giải pháp nào, thưa ông?
Năm 2019, thu hồi nợ đọng thuế tiếp tục được coi là nhiệm vụ trọng tâm. Ngoài thực hiện các giải pháp đã thực hiện như chuẩn hóa, phân loại nợ; cưỡng chế tài khoản, cưỡng chế hóa đơn, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng đối với doanh nghiệp nợ thuế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế, Cục Thuế Hà Nội đẩy mạnh phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thực hiện miễn, giảm, hoàn thuế cho doanh nghiệp kịp thời; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đang nợ thuế để doanh nghiệp tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh, có dòng tiền để thực hiện nghĩa vụ thuế.
Công chức thuế phải bám sát doanh nghiệp, người nộp thuế ngay khi đến kỳ kê khai thuế, đôn đốc kịp thời, không để nợ đọng mới phát sinh, ngăn chặn nợ dưới 90 ngày đối với doanh nghiệp có dòng tiền, thu hồi ngay số tiền nợ thuế, chứ không để nợ quá 90 ngày mới thực hiện cưỡng chế.
Tiền nợ thuế liên quan đến các dự án bất động sản chiếm tỷ trọng không nhỏ trong tổng số tiền nợ thuế, vì vậy, chúng tôi sẽ tham mưu UBND TP. Hà Nội không giao dự án mới, điều chỉnh dự án còn nợ tiền thuế.
Ngoài tăng cường thu hồi nợ đọng thuế, năm 2019, để thu được 263.111 tỷ đồng theo dự toán (tăng 36.316 tỷ đồng so với số thu năm 2018), Hà Nội phải đẩy mạnh chống thất thu, gian lận thuế, trốn thuế, đặc biệt với lĩnh vực, khu vực kinh doanh đặc thù đang thất thu rất lớn, thưa ông?
Tình trạng thất thu ngân sách đối với lĩnh vực, khu vực kinh doanh đặc thù trên cả nước còn khá lớn, chứ không riêng gì Hà Nội.
Để chống tình trạng gian lận thuế, trốn thuế, chúng tôi sẽ tham mưu, đề xuất cho Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế về cơ chế quản lý thuế đối với từng loại hình, lĩnh vực và khu vực kinh doanh đặc thù; chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan.
Đặc biệt, cơ quan thông tin - truyền thông, hệ thống ngân hàng thương mại để rà soát, phân loại, nhận diện các cá nhân, đặc biệt là cá nhân chưa có mã số thuế thu nhập cá nhân, chưa kê khai, nộp thuế có liên quan đến lĩnh vực thương mại phi truyền thống, thương mại điện tử, kinh doanh dịch vụ trên nền tảng công nghệ như Google, Facebook, Grab taxi...
Trên cơ sở đó phân loại rủi ro, đưa ra cảnh báo, đôn đốc, thậm chí là tiến hành thanh tra, kiểm tra các đối tượng này.
Tiếp tục rà soát các cá nhân, tổ chức có kinh doanh hoạt động thương mại điện tử và đưa đối tượng này vào quản lý thuế; đôn đốc kê khai, thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp trung gian (kinh doanh sàn giao dịch điện tử, chợ điện tử) vừa nhằm cập nhật thông tin về việc chấp hành chính sách thuế của doanh nghiệp trung gian, vừa nắm chắc được thông tin về các cá nhân tham gia giao dịch trên sàn giao dịch điện tử, chợ điện tử.