Theo ông Cương, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ bắt đầu đưa vào vận hành chạy thử và sẽ có sản phẩm thương mại đầu tiên vào quý II/2018, bên cạnh đó thì nhà máy lọc dầu Dung Quất đã hoạt động trở lại sau giai đoạn dừng bảo trì ở năm 2017.
Do vậy, nguồn cung ứng xăng dầu nội địa sẽ tăng trở lại, điều này làm ảnh hưởng đến cơ cấu nguồn hàng của các đầu mối xăng dầu trong nước.
Ngoài ra, đường vận đồng hàng hóa của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cũng được dự báo có nhiều thay đổi, khối lượng hàng hóa cho các loại tàu nhỏ cho tuyến nội địa khả năng sẽ tăng. Chính vì vậy, VTO định hướng kế hoạch trong năm 2018 là đầu tư mua tàu để đáp ứng nhu cầu thực tế này.
Về kế hoạch kinh doanh cụ thể năm 2018, Ban lãnh đạo VTO đặt kế hoạch doanh thu 1.284 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 95 tỷ đồng, đều chỉ tăng 1% so với thực hiện năm 2017.
Cơ sở để VTO thực hiện kế hoạch doanh thu 2018 đến từ kỳ vọng cho thuê định hạn 5 tàu viễn dương dự kiến đem về 586 tỷ đồng; hoạt động cho thuê chuyến tuyến xây dựng mục tiêu 166,7 tỷ đồng; từ khai thác đội tàu ven biển và mảng kinh doanh thương mại, dịch vụ đại lý tàu biển cùng đạt 259 tỷ đồng.
Cổ tức năm 2018 với tỷ lệ 9%, và sẽ xem xét khả năng trả thêm cổ tức bằng cổ phiếu cho năm 2019 tới, và nếu thực hiện, sẽ là lần đầu tiên VTO trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông.
Năm 2017 vừa qua, VTO đạt gần 94,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 9% so với năm ngoái, vượt 4% kế hoạch năm.
Với kết quả đạt được trên, tại Đại hội, cổ đông VTO cũng đã thông qua phương án nâng cổ tức bằng tiền mặt từ 8% lên 9%, tương đương mức chi gần 71 tỷ đồng.