Mỹ vỡ mộng phục hồi, vàng lấy lại vị thế

(ĐTCK) Vàng đã đạt mức cao nhất trong một tuần sau khi bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ tăng thấp hơn dự báo, làm tăng suy đoán về việc Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ kéo dài chương trình kích thích kinh tế lâu hơn. Trong tuần tới, vàng được dự đoán sẽ tiếp tục tăng giá.
Mỹ vỡ mộng phục hồi, vàng lấy lại vị thế

Vàng thế giới

Chỉ có 74.000 việc làm phi nông nghiệp được tạo ra trong tháng 12/2013, thấp hơn nhiều so với cả dự báo bi quan nhất mà Bloomberg khảo sát và chỉ bằng 1/3 mức tăng sau khi tính lại của tháng 11. Số liệu này là một bất ngờ lớn, khi mới cách đây chưa đầy 1 tháng, Fed đã tuyên bố sẽ giảm nhịp mua trái phiếu từ mức 85 tỷ USD/tháng xuống còn 75 tỷ USD/tháng với lý do là sự cải thiện trên thị trường lao động đã vững chắc hơn.

“Lo lắng về tăng trưởng đã quay trở lại”, Phil Streible, một nhà môi giới hàng hóa cao cấp của R.J. O’Brien & Associates ở Chicago trả lời phỏng vấn của Bloomberg qua điện thoại. “Thị trường bắt đầu xuất hiện suy nghĩ về việc Fed sẽ phải trì hoãn kế hoạch rút khỏi chương trình kích thích kinh tế”.

Giá vàng giao tháng 2 sau khi tăng tốc trong phiên giao dịch cuối tuần trước đã chốt lại ở mức 1.246,9 USD/ounce, cao hơn 0,67% so với cuối tuần trước đó.

Nhận định về xu hướng giá vàng trong tuần tới, các nhà quan sát thị trường cho rằng, giá sẽ thử vùng giá 1.250 USD/ounce.  

Theo khảo sát của Kitco News về dự báo giá vàng tuần này, trong số 33 thành viên thị trường được hỏi, có 23 người trả lời. Trong số này, có 12 người dự đoán giá tăng, 5 người đoán giá giảm và 6 người đoán giá đi ngang.

Một phần nguyên nhân của đợt tăng gần đây đến từ hoạt động cơ cấu lại chỉ số. Các chỉ số hàng hóa chính, gồm Dow Jones-UBS Commodity Index  và Standard & Poor’s GSCI, đã cơ cấu lại tỷ trọng các tài sản, kéo theo các quỹ đầu tư theo các chỉ số này cũng cơ cấu lại danh mục nắm giữ của họ. Hoạt động này đã chính thức bắt đầu từ thứ Tư tuần trước.

Mỹ vỡ mộng phục hồi, vàng lấy lại vị thế ảnh 1

Vàng trong nước

Tại thị trường trong nước, giá vàng SJC cũng đã bật tăng vào ngày cuối cùng của tuần này sau khi giảm mạnh từ giữa tuần. Chốt tuần, giá vàng thương hiệu quốc gia là 35,15 - 35,25 triệu đồng/lượng, tăng 170.000 đồng/lượng ở giá mua và 210.000 đồng/lượng ở giá bán so với mức thấp nhất trong tuần và tăng 120.000 đồng/lượng ở cả giá mua và giá bán so với cuối tuần trước đó.

Chốt tuần, giá vàng PNJ của Vàng bạc đá quý Phú Nhuận là 32,45 - 32,85 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước đó. Giá vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu là 32,38 - 32,93 triệu đồng/lượng, tăng 260.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước đó.

Theo Bảo Tín Minh Châu, giá vàng giảm từ nửa cuối tuần qua đã kích thích hoạt động mua vào. Tại các cửa hàng của Công ty, lượng người đến mua nhiều hơn lượng người đến bán với tỷ lệ khoảng 60 - 40.

Mỹ vỡ mộng phục hồi, vàng lấy lại vị thế ảnh 2

Ngoại tệ

Tuần qua, giá USD có lúc tăng lên song đã giảm về cuối tuần. Trong đó giá USD do Vietcombank niêm yết đã xuống mức thấp nhất trong vòng 6 tháng với 21.070 - 21.110 đồng/USD, giảm 5 đồng/USD so với cuối tuần trước đó. Mức cao nhất trong tuần là 21.080 - 21.130 đồng/USD.

Trong khi đó, giá USD tự do khép lại tuần qua ở mức 21.140 - 21.155 đồng/USD, thấp nhất kể từ 9/11/2013, giảm 10 đồng ở giá mua và 15 đồng ở giá bán so với cuối tuần trước đó. Mức cao trong tuần là 21.160 - 21.180 đồng/USD.

Với các ngoại tệ khác, ngoại trừ duy nhất GBP tăng nhẹ 0,26%, còn lại đều giảm. Giảm mạnh nhất là CAD của Canada với -1,89%; tiếp theo là AUD của Úc với -0,98%; CHF của Thụy Sỹ với -0,80%; JPY của Nhật với -0,69%...

Trên thị trường quốc tế, cặp EUR/USD hầu như ở trong xu hướng giảm trước khi tăng vọt vào những giờ giao dịch cuối cùng của tuần, chốt tại 1,3666, tăng 0,74% so với mức thấp nhất trong tuần và 0,57% so với cuối tuần trước đó. Ngược lại, cặp USD/JPY chuyển từ thế tăng sang giảm đột ngột vào cuối tuần, chốt ở mức 104,1.

Mỹ vỡ mộng phục hồi, vàng lấy lại vị thế ảnh 3
Tin bài liên quan