Theo Bộ trên, số việc làm mới tăng mạnh trong lĩnh vực giáo dục, y tế và bán lẻ đã góp phần bù trừ số việc làm bị mất trong ngành xây dựng, chế tạo và dịch vụ tài chính do tác động tiêu cực của tình trạng yếu kém trên thị trường nhà ở và tín dụng. Trước đó, nhiều nhà phân tích dự kiến tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tháng 10/2007 sẽ tăng lên 4,8%, một mức vẫn được coi là thấp trong lịch sử.
Trong tháng 11/2007, thu nhập trung bình mỗi giờ của người lao động Mỹ đã tăng 8 xu Mỹ (tức 0,5%) lên 17,63 USD, sau khi tăng 1 xu Mỹ trong tháng 10/2007. Như vậy, thu nhập trung bình theo giờ của người lao động Mỹ trong tháng 11/2007 đã tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2006. Tuy vậy, trong khi tăng trưởng lương sẽ giúp duy trì chi tiêu của người tiêu dùng, một yếu tố có ảnh hưởng lớn đối với sức khỏe nền kinh tế Mỹ, thì sức ép lương ngày một tăng cũng có thể dẫn tới tình trạng lạm phát gia tăng ở nước này. Hiện tại, lương chiếm tới 2/3 tổng chi phí sản xuất của các doanh nghiệp Mỹ.
Trong khi đó, chỉ số lòng tin tiêu dùng Reuters/University trong tháng 11/2007 đã giảm xuống 74,5 điểm, so với mức 76,1 điểm trong tháng 11/2007, tháng giảm thứ 3 liên tiếp cho thấy sự lo ngại gia tăng trước tình trạng giá cả leo thang cho dù nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ đang chậm lại.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết, tín dụng tiêu dùng của Mỹ trong tháng 10/2007 đã tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2006, sau khi tăng 1,6% trong tháng 9/2007. Mức tăng này, tương đương 4,7 tỷ USD, đã đưa tổng tín dụng tiêu dùng của Mỹ lên mức kỷ lục 2.490 tỷ USD trong tháng 10/2007. Tín dụng tiêu dùng là dấu hiệu thể hiện tình hình chi tiêu tiêu dùng, chiếm tới 2/3 hoạt động kinh tế và là động lực chính thúc đẩy kinh tế Mỹ tăng trưởng.
Trong một diễn biến khác, Hạ viện Mỹ vừa thông qua Dự luật Năng lượng, tăng các quy định về tiết kiệm nhiên liêu tiêu thụ của xe cộ thêm 40% vào năm 2020, tăng tỷ lệ ethanol tiêu thụ lên gấp 5 lần vào năm 2022 và áp dụng các mức thuế mới đối với các doanh nghiệp năng lượng lớn lên tới 13 tỷ USD.